Cảnh báo 7 thủ đoạn tội phạm rửa tiền ‘bẩn’

Mai Hà
Mai Hà
24/10/2022 15:50 GMT+7

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải xem xét dự luật Phòng chống rửa tiền liệu đã đủ quy định hành lang pháp lý, nhất là khi các thủ đoạn rửa tiền “bẩn” đang rất tinh vi.

Chiều 24.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật Phòng chống rửa tiền. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM), Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho biết theo thống kê tội phạm thường dùng 7 thủ đoạn khác nhau để rửa tiền “bẩn”.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh

gia hân

Thứ nhất, thành lập công ty vỏ bọc mua bán khống hàng hoá. Thực tế, theo ông Đức, cơ quan điều tra đã làm rõ rất nhiều các công ty vỏ bọc để rửa tiền. Mới nhất là vụ Nguyễn Thị Nguyệt cùng đồng phạm đã câu kết với nhân viên 3 ngân hàng để chuyển trái phép 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài, thông qua việc thành lập tới 8 công ty để xuất khẩu hàng hoá.

“Luật Phòng chống rửa tiền hiện nay liệu đã quy định hành lang pháp lý kiểm soát được việc thành lập các công ty vỏ bọc hay không, theo tôi là chưa đủ”, ông Đức nêu.

Thứ 2, rút tiền "bẩn" qua các trò chơi trực tuyến. Bộ Công an đã xử lý nhiều vụ như Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương. Người chơi dùng tiền mặt đổi ra thẻ, xèng để chơi, sau khi kết thúc đổi thẻ thành tiền mặt. Theo ông Đức, sẽ có các trường hợp dùng tiền "bẩn" chơi trò trực tuyến, đổi thành tiền mặt.

Đại biểu Quốc hội cảnh báo 7 thủ đoạn tội phạm rửa tiền ‘bẩn’

Thứ 3, núp bóng, gây quỹ làm từ thiện, đi du lịch. Kẽ hở là các đối tượng lợi dụng chuyển tiền cho người thân ra nước ngoài qua các nền tảng giao dịch điện tử, rất khó kiểm soát.

Ông Đức cũng dẫn chứng trường hợp một đối tượng tại Q.7 (TP.HCM) đi du lịch sang Bồ Đào Nhà, thông qua luật sư mở tài khoản ngân hàng tại đây để làm từ thiện.

“Chỉ trong 24 giờ, gia đình người này đã chuyển sang 200.000 Euro. Do không bị giới hạn số tiền chuyển, nên trường hợp các đối tượng lợi dụng khe hở này thì rõ ràng hành lang của luật chưa kiểm soát được, cần tính toán lại”, ông Đức nói.

Thứ 4 là chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được thừa kế. Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng cho biết, hiện nay chưa phổ biến, song các đối tượng sẽ lợi dụng người được thừa kế ở nước ngoài để chuyển thoải mái, không bị ngăn chặn.

Thứ 5 là thủ đoạn nhờ người thân, mua chuyển nhượng, tặng bất động sản rất phổ biến.

Thứ 6 là thủ đoạn mua cổ phiếu, trái phiếu.

Thứ 7 là tài sản ảo, tiền ảo. Gần đây rộ lên như Bitcoin, tương tự như thủ đoạn sử dụng trò chơi trực tuyến, các đối tượng dùng tiền "bẩn" mua tiền ảo, sau đó bán rút ra tiền thật.

“Đây là 7 thủ đoạn phổ biến, nếu không tính toán và có hành lang chặt chẽ thì rất khó quản lý”, ông Đức cảnh báo.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức góp ý thảo luận về xử lí vi phạm kỷ luật đối với đảng viên vi phạm

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) thì tỏ ra băn khoăn, nếu thông qua luôn dự luật Phòng chống rửa tiền tại kỳ họp này thì nhanh quá.

“Dự luật có quy định giao dịch “đáng ngờ”, đây là dịch từ nước ngoài, nhưng ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhiều lắm. Tôi gửi 5 tỉ đồng, nhưng có việc rút hết ra thì quy định là đáng ngờ. Dùng từ “đáng lưu tâm” thì tốt hơn, giám sát rộng hơn, bớt ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, rất nhiều điều, khoản phụ thuộc thanh toán không dùng tiền mặt, cần thận trọng thảo luận thêm. “Có rất nhiều cái mới như tài sản số, tài sản ảo, chúng ta chưa cập nhật hết. Ví dụ, tôi mua bức tranh 20.000 USD, nhưng ông tác giả không gửi tranh mà gửi tài sản được số hoá, mã hoá thì cái này cũng giống như tiền ảo, người ta có thể dùng để rửa tiền. Nếu còn thiếu thì nên nghiên cứu, không sau này sửa luật sẽ mất công”, ông Nghĩa nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.