Đây là hoạt động cấp cao thường niên lớn nhất của khu vực với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Úc, New Zealand, Canada, Liên Hiệp Quốc, cùng nhiều đại diện tổ chức quốc tế, khu vực.
Theo Bộ Ngoại giao, đoàn VN do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự hội nghị sẽ truyền tải những thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ VN đến bạn bè khu vực và quốc tế về một VN hòa hiếu, hợp tác và hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào các tiến trình khu vực.
Tiếp nối các đóng góp đã được ghi nhận của VN trong các năm qua cho hiệp hội và bám sát chủ đề của Năm ASEAN 2023, VN tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng các nước thành viên duy trì và đề cao cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong các vấn đề khu vực và quốc tế, củng cố vai trò trung tâm và phát huy trách nhiệm, tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển.
Tại các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu chia sẻ quan điểm của VN, đề xuất các sáng kiến, định hướng trong nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng, nhằm hiện thực hóa chủ đề "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng". Củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới, đáp ứng kỳ vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế tham dự hội nghị để thúc đẩy hợp tác song phương và trao đổi về các vấn đề quan tâm; tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN với chủ đề "ASEAN trong thế giới đa cực".
Người đứng đầu Chính phủ VN sẽ cùng lãnh đạo các nước tham dự Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Diễn đàn tạo cơ hội cho các chính phủ, doanh nghiệp trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng xanh, tài chính bền vững, kinh tế sáng tạo…
Trước đó, ngày 3.9, tại Jakarta, các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN đã rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan. Đại sứ Vũ Hồ, Trưởng SOM ASEAN VN, đã tham gia hoạt động này.
Dự kiến sẽ có 20 hoạt động diễn ra từ ngày 5 - 7.9. Lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác sẽ tham gia các sự kiện như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, các Hội nghị cấp cao ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Canada và Liên Hiệp Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á.
ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng
Hội nghị cấp cao ASEAN 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng tích cực hơn, nhưng nhịp độ còn bấp bênh do rủi ro tài chính, lạm phát, và bất ổn địa chính trị. Cạnh tranh giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn, ngày càng gay gắt và sâu rộng hơn. Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vừa là tâm điểm của tăng trưởng, vừa là trọng điểm của cạnh tranh. Tình hình Biển Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.
Dù gặp nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài, Cộng đồng ASEAN cơ bản vẫn duy trì đoàn kết, hướng tới chiến lược phát triển của Hiệp hội đến năm 2045, cũng như khẳng định vai trò trung tâm trong khu vực.
Với chủ đề "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", Chủ tịch Indonesia đã tích cực thúc đẩy nhiều ưu tiên, sáng kiến hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững ở khu vực, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN, tạo động lực cho hợp tác ASEAN, vừa củng cố vai trò của ASEAN là lực lượng chủ đạo trong các tiến trình đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.
Quan hệ giữa ASEAN với các đối tác tiếp tục được mở rộng và ngày càng sâu sắc. Các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, coi trọng và mong muốn hợp tác thực chất và lâu dài với ASEAN, thông qua nhiều sáng kiến thiết thực và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực tiềm năng.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các lãnh đạo thảo luận những vấn đề chiến lược tác động đến khu vực, tiến trình phát triển của ASEAN, các biện pháp nâng tầm và tạo động lực cho hợp tác ASEAN thời gian tới, cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Các hội nghị sẽ tập trung trao đổi các trọng tâm, ưu tiên đánh giá tình hình triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Định hướng chiến lược phát triển của ASEAN trong 20 năm tới, hướng tới Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm. Ngoài ra, kiểm điểm và thảo luận phương hướng, biện pháp tăng cường, làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; trao đổi về tình hình thế giới, khu vực.
Các hội nghị dự kiến thông qua và ghi nhận khoảng 50 văn kiện, trong đó có các văn kiện chiến lược, mang tính dài hạn như Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV, Tuyên bố ASEAN là tâm điểm tăng trưởng… Đồng thời, thông qua các văn kiện về những lĩnh vực hợp tác cụ thể trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác như an ninh lương thực, kinh tế số, kinh tế biển xanh, nông nghiệp, hệ sinh thái xe điện, phát triển gia đình và bình đẳng giới, giáo dục mầm non, hòa nhập cho người khuyết tật, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)...
Nhân dịp này, Indonesia tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN vào ngày 3 - 4.9 và Diễn đàn ASEAN Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) ngày 5 - 6.9 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và học giả. Tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 sẽ diễn ra lễ chuyển giao Chủ tịch ASEAN 2024 cho Lào.
Bình luận (0)