Thủ tướng truy tặng bằng khen tổ trưởng dân phố mất khi chống dịch: Nằm viện vẫn lo cho dân

10/09/2021 10:58 GMT+7

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 , các tổ trưởng dân phố dần trở thành tuyến đầu chống dịch, đến cả khi nhiễm bệnh vẫn lo cho người dân.

Vào tối 4.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định truy tặng bằng khen cho 18 cá nhân, một trong số đó có bà Nguyễn Thị Cúc và ông Võ Văn Huệ là Tổ trưởng tổ dân phố P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM. Từ đầu đợt dịch Covid-19 thứ 4, các tổ trưởng dân phố cũng trở thành lực lượng tuyến đầu chống dịch, chăm lo đời sống người dân.

Nằm bệnh viện vẫn gọi về lo công việc

Bà Nguyễn Thị Nam Phương, Phó chủ tịch P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú cho biết, trong đợt dịch Covid-19 này, cán bộ ở phường đều tất bật để lo cho dân. Trong đó, bà Nguyễn Thị Cúc và ông Võ Văn Huệ là tổ trưởng tổ dân phố của phường và tham gia vào tổ Covid-19 cộng đồng để chống dịch.
"Bà Cúc và ông Huệ là những người gần người dân nhất nên phụ trách công việc rà soát các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do, nhận quà hỗ trợ, nhu yếu phẩm rồi về phân chia cho người dân. Mình chỉ cần gọi, là cô, chú ấy lên liền để nhận quà, nhu yếu phẩm về phát cho người dân. Nếu không có cô, chú phụ giúp một tay thì không xuể. Tuy không phải là người tuyến đầu chống dịch nhưng họ là những người góp sức thầm lặng cho địa phương”, bà Phương nói.
 

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Tổ trưởng tổ dân phố 56, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM khi còn tham gia công tác phòng, chống dịch

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Anh Nguyễn Văn Chung (con rể của bà Cúc) cho biết, anh là công an khu vực P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, còn bà Cúc là tổ trưởng tổ dân phố. “Mẹ là tổ trưởng dân phố còn tôi là công an khu vực, nên trong công việc cũng đi chung với nhau suốt. Hôm nào mẹ đi ghi danh sách hộ khó khăn thì tôi đi theo xác minh, còn mẹ đi phát quà tôi cũng đi theo phụ giúp”, anh Chung kể.
"Khu phố mẹ quản lý có nhiều khu nhà trọ, tổng cộng hơn 80 phòng. Đa số là người dân lao động chân tay, thất nghiệp nên khi đi cách ly, mẹ tôi vẫn không yên tâm sợ mọi người thiếu thốn. Những ngày nằm viện, mẹ tôi còn gọi về năn nỉ: “Vì mẹ lỡ bị bệnh rồi không thể lo được cho mọi người được…”, rồi nhờ người này người kia hỗ trợ các công việc cần làm ở khu phố", anh Chung nhớ lại. 
Theo lời anh Chung, khi tình hình dịch căng thẳng, gia đình có khuyên bà Cúc qua nhà ở P.Tân Quý ở tạm nhưng bà không chịu. Bà Cúc nói bà không bận tâm chuyện lớn tuổi, chưa tiêm vắc xin, quan trọng là bà muốn giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Đầu tháng 7 tình hình dịch kéo dài, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, họ cần tiền hỗ trợ, cần lương thực. Lúc đó, bà Cúc đi rà soát các khu trọ để lập danh sách, rồi lên phường nhận thực phẩm về phát cho bà con xuyên suốt. Đến giữa tháng 7 bà bị nhiễm Covid-19, được cách ly điều trị, nhưng rồi bà Cúc đã qua đời hôm 8.8.

"Chúng tôi luôn tự hào về cha"

Chiều 8.9, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Văn Huệ tại tầng 3 của chung cư Vườn Lài (Q.Tân Phú), hôm đó cũng tròn 49 ngày ông mất. Căn chung cư rộng khoảng 40m2, từ lối đi hẹp dẫn vào phòng khách, có vài kệ hàng mì gói, đồ hộp… Anh Võ Văn Út (con trai ông Huệ) cho biết, ngoài công việc ở phường, ông Huệ ở nhà còn mở thêm tiệm tạp hóa nhỏ để bán cho bà con chung cư.
“Nói là bán vậy thôi, chứ lúc dịch này, cha tôi thấy ai khó khăn thì cũng lấy mì gói cho luôn chứ không bán. Phải giờ cha còn sống thì chắc cũng đang nhận đơn hàng đi chợ hộ người dân”, anh Út nói.

Con gái ông Huệ ngậm ngùi xem lại những tấm ảnh của cha mình trong những ngày xuyên suốt làm thiện nguyện

ĐÀO NGUYÊN

Theo lời anh Út, ông Huệ làm bảo vệ ở trường học suốt 25 năm. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia làm tổ trưởng tổ dân phố 44, phụ trách chăm lo cuộc sống người dân ở tầng 3, 4 của chung cư. Đợt dịch này, ông Huệ đi phát giấy mời người dân đi lấy mẫu xét nghiệm, ghi thông tin hộ khó khăn để phường xét duyệt hỗ trợ, rồi đi nhận quà hỗ trợ, nhu yếu phẩm về phát cho người dân.
“Cha tôi đi suốt, về nhà thì cứ nghe điện thoại vì ở đây người dân cần gì sẽ gọi cho cha tôi. Hồ sơ, sổ sách của mọi người ở khu phố cha tôi cất kỹ lắm, đến giờ vẫn còn y nguyên trong tủ. Tôi đang soạn ra để bàn giao lại cho người khác làm”, anh Út nói.
Tham gia chống dịch đến ngày 16.7 thì chung cư đang ở bị phong tỏa, lúc đó anh Út vẫn đi làm ở bên ngoài, còn ông Huệ cách ly bên trong. “Tôi lo nên gọi vào dặn cha ở nhà vì giờ chung cư phong tỏa rồi thì ở nhà giải quyết công việc qua điện thoại thôi. Nhưng lúc đó cha tôi chỉ nói lại là vẫn cố gắng hỗ trợ bà con, mình ở trong này thì lo cho bên trong thôi, giúp được gì thì giúp”, anh Út nói, rồi kể tiếp: “Nhưng đến 18.7, chung cư test nhanh, cha tôi dương tính rồi ông ấy suy sụp luôn. Ở nhà cách ly, chỉ 3 ngày thôi, cha tôi đột ngột khó thở, yếu dần gia đình chở đi cấp cứu nhưng trở tay không kịp…".

Anh Út (con trai ông Huệ) chọn góc trang trọng nhất trong nhà để treo những bằng khen của cha mình

ĐÀO NGUYÊN

Anh Út kể, căn chung cư cũ 40m2 là nơi sinh sống của gia đình anh mấy chục năm qua. Nhà có đến 8 anh, chị em, nhưng mọi người ra ngoài mướn nhà ở đỡ, chỉ còn ở lại 5 người. Ông Huệ lúc còn sống chỉ có một ước muốn, ông chỉ mong sau dịch, vay tiền mua căn nhà mới, rộng rãi hơn để anh, em về sống cùng nhau. Nhưng đến khi mất đi, ước muốn ấy vẫn còn dở dang. 
“Chiều nay tôi vừa đi nhận giấy báo tử của cha về thì hay tin cha được Thủ tướng truy tặng bằng khen, cả nhà tôi đều rất vinh dự, tự hào về cha, cũng như được an ủi phần nào. Cha tôi hay dặn dò, mình tuy không giàu có nhưng vẫn cố giúp đỡ cho người khác khó khăn hơn mình”, anh Út chia sẻ về cha, người tổ trưởng dân phố tận tâm với bà con. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.