Trong cuộc phỏng vấn được phát trên Sky News ngày 9.4, Thủ tướng Úc Anthony Albanese được hỏi liệu những mâu thuẫn chính trị tại Mỹ sau khi cựu Tổng thống Donald Trump bị truy tố có ảnh hưởng đến tiến độ giao tàu ngầm theo thỏa thuận AUKUS.
Nhà lãnh đạo trả lời rằng mối quan hệ giữa Úc và Mỹ là quan hệ của hai nhà nước, không phải của riêng các lãnh đạo, do đó ông không lo ngại cho thỏa thuận nếu ông Trump - người đang tranh cử - trở thành tổng thống sau năm 2024.
Theo Thủ tướng Albanese, bất kể ai trở thành tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2024 thì cũng không ảnh hưởng đến thỏa thuận tàu ngầm. "Úc và Mỹ chia sẻ những giá trị chung", ông Albanese nói.
Lãnh đạo 3 nước Anh, Mỹ và Úc hồi tháng 3 công bố thỏa thuận tàu ngầm lịch sử trong khuôn khổ hợp tác AUKUS được thành lập hồi tháng 9.2021. Theo đó, Mỹ sẽ bán 3 tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia cho Úc từ đầu thập niên 2030 và Canberra có thể mua thêm 2 chiếc nữa.
Tổng thống Biden ca ngợi thỏa thuận tay ba AUKUS giúp Úc có tàu ngầm hạt nhân
Trong thời gian đó, Mỹ, Anh và Úc sẽ hợp tác phát triển thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới gọi là SSN-AUKUS cho London và Canberra, dự kiến được chuyển giao từ đầu thập niên 2040.
Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Úc lần đầu tiên trên cương vị chủ nhân Nhà Trắng vào tháng 5 để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (QUAD), theo Bloomberg.
Trong một diễn biến liên quan, Tân Hoa xã ngày 9.4 trích dẫn thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh, cho rằng thỏa thuận tàu ngầm của Mỹ, Anh và Úc gây nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đại sứ quán nói rằng sự hợp tác của 3 nước này đẩy nhanh sự trỗi dậy của tâm lý Chiến tranh Lạnh, làm khơi mào cuộc chạy đua vũ trang mới và kích thích đối đầu quân sự, gây tổn hại hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Bình luận (0)