Sáng 25.6, tại lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư xây dựng dự án Vành đai 4 sẽ giúp kết nối thủ đô Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác, tạo không gian phát triển mới cho cả Vùng thủ đô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của các địa phương được thực hiện rất bài bản. Theo số liệu báo cáo, GPMB phục vụ dự án Vành đai 4 đã đạt trên 80%. “Chúng ta đã quyết liệt, quyết tâm trong thời gian vừa qua. Tôi đánh giá rất cao về tinh thần GPMB của tất cả các tỉnh có hệ thống đường cao tốc đi qua để hôm nay khởi công”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, bên cạnh GPMB, còn phải chuẩn bị các khâu như: đầu tư, phê duyệt, thẩm định, dự án, bố trí nguồn vốn, chuẩn công việc đấu thầu, xây lắp, tư vấn giám sát, thiết kế… khối lượng công việc rất nhiều nhưng phải làm cùng một lúc.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, kết quả khởi công mới là thắng lợi bước đầu và khối lượng công việc tiếp theo còn rất lớn. Do đó, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan tiếp tục bám sát tiến độ; bám sát sự phân cấp phân quyền để rà soát lại công việc, bố trí thời gian, nguồn lực… để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu, mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Đối với công tác GPMB, Thủ tướng lưu ý dù khối lượng còn lại không nhiều nhưng các địa phương phải quyết tâm, quyết liệt hơn vì “thường những cái ít lại khó hơn cái đã làm được”. Đồng thời, việc bố trí tái định cư phải bám nguyên tắc xuyên suốt là người dân chuyển đến nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ; cam kết với người dân thì phải thực hiện.
Đối với việc chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi thải, đường gom..., Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp cần chú ý làm tốt khâu này, đảm bảo thông suốt, đầy đủ, không để bị ách tắc.
Khởi công đường vành đai 4 vùng thủ đô
Thủ tướng cũng đề nghị, việc thi công với khối lượng lớn, trong thời gian không dài, chịu tác động của thời tiết, các địa phương, đơn vị, nhà thầu, phải "vượt nắng thắng mưa", thực hiện "ba ca bốn kíp", “làm hết việc chứ không hết giờ”… để đảm bảo tiến độ.
Từ kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc trước đây, Thủ tướng lưu ý cần đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo các an toàn kỹ thuật, môi trường, vệ sinh, an toàn lao động; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; không được đội vốn bất hợp lý, chia nhỏ các gói thầu...
“Hạ tầng giao thông là một nhiệm vụ mà bộ, ngành nào cũng phải tham gia và muốn hoàn thành nhiệm vụ thì tất cả đều phải vào cuộc, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân thì chúng ta mới có thể làm được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2 km (qua 7 quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức); đoạn qua tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.
Tổng mức đầu tư dự án 85.813 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 28.173 tỉ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỉ đồng (Hà Nội 23.524 tỉ đồng, Hưng Yên 1.505 tỉ đồng, Bắc Ninh 3.164 tỉ đồng); vốn BOT 29.447 tỉ đồng.
Về tiến độ, dự kiến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.
Bình luận (0)