Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, TP.HCM đột phá làm đường sắt đô thị

Mai Hà
Mai Hà
05/12/2024 15:50 GMT+7

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải đột phá trong triển khai đề án hệ thống đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay.

Đây là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội, TP.HCM và các bộ, ngành về Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM sáng 5.12.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, TP.HCM đột phá làm đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp sáng 5.12

ẢNH: NHẬT BẮC

Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 413 km. Đến năm 2035, hoàn thành toàn bộ mạng tuyến với 410,8 km (21,5 km đã khai thác; 397,8 km chưa đầu tư). 

Dự kiến quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2065, đặt mục tiêu đến năm 2035 dự kiến hoàn thành khoảng 410,8 km; đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 200,7 km.

Còn theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 được duyệt, hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài 173 km, đến năm 2035 đầu tư hoàn thành toàn bộ với chiều dài thực tế là 183 km. 

Dự kiến quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (chưa được duyệt), đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành khoảng 183 km, đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 168 km, đến năm 2060 hoàn thành thêm khoảng 159 km.

Sau khi hoàn thành, mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội có khả năng đảm nhận 35 - 40% thị phần; TPHCM đảm nhận 30 - 40% thị phần vận tải hành khách công cộng. 

Nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt, việc phát triển đường sắt đô thị là một trong các tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng đề án với tư duy, cách nghĩ, cách làm hoàn toàn đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Đồng thời, quan tâm phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TP.HCM trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực...

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng đường sắt đô thị lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; đa dạng hóa các nguồn lực bao gồm nguồn lực nhà nước, nguồn lực tư nhân, vốn vay, hợp tác công tư...

Trước mắt, Hà Nội và TP.HCM khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô và TP.HCM trước ngày 25.12 để xem xét phê duyệt, làm căn cứ phát triển, trong đó có đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Hà Nội có 2 tuyến đường sắt đô thị đã khai thác, gồm tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11.2021 chiều dài 13,05 km, với 12 nhà ga trên tuyến.

Tháng 8.2024, tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã khai thác 8,5 km đoạn trên cao sau hơn 14 năm triển khai. Tuy nhiên, hơn 3 km đoạn tuyến ngầm còn lại dự kiến tới cuối 2027 mới đưa vào khai thác.

Với TP.HCM, dự kiến tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ vận hành thương mại trong tháng 12.2024.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.