Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, tìm giải pháp giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu

Chí Hiếu
Chí Hiếu
01/08/2022 09:14 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu báo cáo phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu; rà soát và triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí nhằm tiếp tục giảm giá sách giáo khoa...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Báo cáo việc điều chỉnh thêm các loại thuế với xăng dầu

Công điện gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư yêu cầu tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Cụ thể, với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo chủ động nghiên cứu báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Giá xăng dầu đã có đợt giảm giá thứ 3 liên tiếp, song vẫn còn ở mức khá cao

ngọc thắng

Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT phối hợp với chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.

Trong đó, với giá lương thực, thực phẩm, Bộ trưởng NN-PTNT phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

Đối với mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trước mắt và lâu dài.

Đối với vật liệu xây dựng, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ TN-MT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp với chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quản lý hiệu quả nguồn cung; xử lý kịp thời các trường hợp găm hàng, giữ hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình, dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Bộ Xây dựng chỉ đạo các sở xây dựng đẩy mạnh công tác theo dõi, cập nhật biến động giá để kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng; nghiên cứu rút ngắn chu kỳ công bố theo quy định.

Rà soát, giảm giá sách giáo khoa

Đối với mặt hàng sách giáo khoa, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo tiếp tục tiếp nhận, rà soát kê khai giá theo quy định của pháp luật; các đơn vị xuất bản tiếp tục rà soát và triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí nhằm tiếp tục giảm giá, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; chia sẻ với người dân.

Đối với các dịch vụ lưu trú, du lịch, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, niêm yết giá theo đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các dịp cao điểm, diễn biến giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý.

Đối với thuốc, vật tư y tế, công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức thực hiện bình ổn giá trang thiết bị theo quy định của pháp luật về giá; tăng cường rà soát giá thuốc, vật tư y tế kê khai, theo quy định tại luật Dược; theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, Thủ tướng lưu ý các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức triển khai rà soát để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.