Thư viện công, có cũng như không - Bài 2: Thư viện dân lập, tấp nập người xem

26/08/2015 10:48 GMT+7

Khác hẳn với hoạt động mờ nhạt của các thư viện công, rất nhiều mô hình thư viện do dân lập, lại thu hút đông đảo bạn đọc.

Khác hẳn với hoạt động mờ nhạt của các thư viện công, rất nhiều mô hình thư viện do dân lập, lại thu hút đông đảo bạn đọc.

Gầm cầu thang trở thành “Phòng văn hóa” của người dân khu tập thể A3, tổ 27, P.Nghĩa Tân
Gầm cầu thang trở thành “Phòng văn hóa” của người dân khu tập thể A3, tổ 27, P.Nghĩa Tân - Ảnh: Phạm Nga
“Cầu thang văn hóa”
Tìm đến thư viện cụm 12, phường  Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì phong trào đọc sách sôi nổi của bà con nơi đây. Ngay từ sáng sớm đã có hàng chục người đến đọc sách, mượn sách. Từ trẻ nhỏ cho đến người lớn, ai cũng háo hức với những cuốn sách vừa mượn được.
Bà Nguyễn Thanh Hà, người trông coi thư viện của khu dân cư, cho biết: “Thư viện được mở năm 2013, lúc đầu có gần 500 cuốn sách. Hiện nay, thư viện có 3 tủ sách với khoảng hơn 3.000 đầu sách (sách văn học, khoa học, lịch sử, phật giáo,...) và nhiều đầu báo như Thanh Niên, Hà Nội Mới, Đại Đoàn Kết... Toàn bộ sách báo đều do bà con trong tổ ủng hộ thư viện”.
Thư viện của cụm dân cư 12 chỉ mở 2 lần một tuần nhưng khi mở cửa, việc đầu tiên bà Hà làm là vác tấm biển ghi lịch hoạt động, giới thiệu những sách báo hay, mới và dòng chữ “đọc sách miễn phí” để thu hút bạn đọc. Bà Hà cho biết, mỗi năm, thư viện của khu có hơn 500 lượt bạn đọc. Hàng nghìn cuốn sách cũng được người dân trong khu mượn về nhà đọc.
Cũng là một mô hình dân lập, “Cầu thang văn hóa” của bà con khu tập thể A3, tổ 27, P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, rất thu hút bạn đọc. Tận dụng khu vực chân cầu thang, các cán bộ về hưu của khu tập thể đã nảy ra sáng kiến xây dựng một tủ sách, báo để bà con có cơ hội cập nhật tin tức, nâng cao hiểu biết và cũng giúp mọi người gần gũi nhau hơn. Số lượng sách, báo có tại “Cầu thang văn hóa” của khu tập thể A3 phần lớn do bà con trong khu góp tiền mua về. Báo mới được cập nhật mỗi ngày, với khoảng 15 đầu báo dành cho cả trẻ con và người già...
Do “gần gũi” với độc giả
Vốn là bộ đội thông tin về hưu, bà Nguyễn Thanh Hà nảy ra ý định mở tủ sách với mong muốn tất cả mọi người đều được đọc sách.
Chia sẻ về bí quyết thu hút bạn đọc, bà Hà cười bảo: “Thư viện lúc nào cũng đông người đọc vì số lượng sách báo rất phong phú và các loại sách phù hợp với nhu cầu của mọi người trong khu. Hơn nữa, thư viện lại gần nhà nên mọi người đến đọc sách rất thuận tiện. Chúng tôi cũng tạo không khí vui vẻ, gần gũi để bà con thích đến thư viện”.
Ngay từ ngày đầu thành lập, bà Hà đã tâm niệm phải sắp xếp và bố trí tủ sách giống như một tủ sách gia đình để mọi người dễ chọn và cảm thấy gần gũi.
Để lôi kéo bạn đọc nhí đến với thư viện, trong năm học, bà Hà phải xếp lịch mở cửa vào chủ nhật cho các cháu có thời gian đọc sách. Mỗi năm, thư viện còn trao giải thưởng cho 4 người (2 người lớn, 2 trẻ em) chăm chỉ đọc sách nhất khu, để làm gương cho mọi người.
Theo bà Đào Thị Anh Tuấn, người quản lý “Cầu thang văn hóa”, mỗi ngày có khoảng 15 – 17 lượt người đến đây đọc báo. Mọi người ai cũng vui vẻ và tích cực tìm hiểu thông tin. Tôi nhận thấy ai cũng có nhu cầu đọc sách cả và quan trọng phải tạo không khí vui vẻ, thoải mái để khuyến khích mọi người đến đọc sách”.
Ông Trương Văn Côn, Bí thư chi bộ tổ 27, P.Nghĩa Tân cho biết: “Cầu thang văn hóa của khu tập thể A3 được thành lập năm 1999. Chúng tôi tập hợp các cụ hưu trí trong tổ lại, xây dựng cầu thang thành một nơi cho mọi người đọc và chia sẻ với nhau. Cầu thang của chúng tôi trông rất đơn giản nhưng xuất phát từ tấm lòng, nên thật sự có ý nghĩa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.