Để tạo cho học sinh thói quen đọc sách và cũng để giải tỏa được khó khăn thiếu phòng đọc, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đã có những cải tiến thoát khỏi mô hình thư viện truyền thống.
Qua khảo sát thực tế, hơn 50% trường tiểu học tại TP.HCM có diện tích đất sử dụng chật hẹp nên quy mô thư viện chỉ là một phòng học được cải tạo với các kệ sách cùng một vài bộ bàn ghế. Bà Lê Thị Minh Loan - Trưởng phòng Giáo dục Q.9, khẳng định: “Thư viện gặp khó khăn nhất ở quỹ đất và chủ yếu thuộc về các trường đã xây dựng lâu năm”.
|
Từ “cái khó ló cái khôn”, trong hoàn cảnh này, các trường thực hiện mô hình thư viện lưu động để tạo sự thoải mái cho học sinh.
Hơn 3 năm nay, Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5) phát động chương trình tủ sách măng non. Trường đặt các tủ sách lưu động do phụ huynh và học sinh đóng góp ở các hành lang của mỗi lớp. Thái Ngọc Phương Uyên, học sinh lớp 4/1 cho biết: “Ngoài giờ học trên lớp, khi đọc sách, đọc truyện, tụi em thấy được thoải mái, thư giãn. Cũng nhờ có các tủ sách lưu động chứ không thì mỗi tuần may ra bọn em chỉ được đọc sách vài giờ đồng hồ”.
Ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), vào mỗi giờ ra chơi, khắp hành lang, bên các tủ sách lưu động, học sinh tha hồ đọc sách theo cách mình thích. Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình, cho biết: “Có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, chủ yếu phải biết tận dụng. Tất cả các trường tiểu học tại quận đều xây dựng mô hình tủ sách mini đặt ngay tại các lớp học”.
Bích Thanh
Bình luận