Thú vui sưu tầm đồ độc lạ: Mê mẩn nét xưa trên nhạc tờ

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
02/08/2024 07:19 GMT+7

Lê Duy Trường (33 tuổi, trú tại TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) là một trong số ít người tại khu vực miền Trung dành công sức để theo đuổi niềm đam mê sưu tầm nhạc tờ xưa - một loại ấn phẩm in tranh, ảnh, nhạc có từ 70 năm trước.

NHẠC TỜ KHÔNG CHỈ LÀ TỜ CHÉP NHẠC

Bước vào tiệm cà phê của Lê Duy Trường trên đường Hàm Nghi (TP.Huế), nhiều người sẽ có cảm giác như lạc vào một không gian xưa với cách bài trí nhã nhặn. Những vật trang trí trên tường, ngoài sách cũ thì anh Trường khéo léo treo những nhạc tờ với bìa là các bức tranh, ảnh đậm nét nghệ thuật của những năm trước 1975. "Nhạc tờ được in trên giấy dày khổ lớn A3, gấp đôi lại thành 4 trang với khổ tương đương A4. Bìa 1 ghi tựa bài, tên tác giả và hình minh họa, trang 2 - 3 là khuông nhạc và lời bài hát. Còn bìa 4 ghi tên nhà xuất bản (NXB), phụ lục, thông tin về tác giả và các tác phẩm liên quan…", anh Trường nói.

Nhiều tài liệu ghi chép, NXB Tinh Hoa Huế (số 121 Trần Hưng Đạo, TP.Huế, do ông Tăng Duyệt làm giám đốc) được ghi nhận là NXB đầu tiên in các bản nhạc tờ từ giữa thập niên 1940. Nhạc tờ tồn tại trong vòng khoảng 30 năm (1945 - 1975) với sức sống mãnh liệt bởi những người yêu nhạc thường săn lùng để tập hát, tập đàn. Một số khác dùng để làm quà, nhất là những đôi trai gái thường tặng nhau như một lời yêu đương tình tứ. Trong khi đó, không ít người vì đam mê phong cách sáng tác hội họa hoặc vì ca sĩ thần tượng được in trên bìa 1 đã mua về để sưu tập.

Thú vui sưu tầm đồ độc lạ: Mê mẩn nét xưa trên nhạc tờ- Ảnh 1.

Nhạc tờ Hồ trên núi (nhạc sĩ Phó Đức Phương) được anh Lê Duy Trường sưu tầm

Hoàng Sơn

"Mỗi nhạc tờ tuy chỉ 4 mặt nhưng câu chuyện được viết nên trong đó rất thú vị. Có những bản nhạc khi xuất bản ra đã thành những ca khúc đi cùng năm tháng, như những tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Văn Cao… Sưu tầm nhạc tờ hẳn là một người đam mê âm nhạc. Đó cũng là một thú vui đòi hỏi sự công phu, kiên trì bởi sau năm 1975 nhạc tờ bị mai một rất nhiều vì lý do chiến tranh và bảo quản. Số lượng nhạc tờ ở VN không còn nhiều", anh Trường nói. Anh sưu tầm nhạc từ NXB Tinh Hoa Huế, nhất là trong giai đoạn 1950. Sau đó là NXB Tinh Hoa miền Nam, NXB Huyền Trang, NXB Sóng Nhạc… giai đoạn 1960.

Trong số những nhạc tờ do anh Trường sưu tầm, quý nhất là những nhạc tờ bản đặc biệt vì được in rất ít. Nhạc tờ bản thường có thể in đến 3.000 bản nhưng bản đặc biệt với chữ ký tặng của tác giả, có triện son thường chỉ in khoảng 30 - 50 tờ. Hiện anh Trường có khoảng 1.000 bản nhạc tờ được in trong suốt 30 năm tồn tại. Trong đó, có nhiều bản in của NXB Giải Phóng, NXB Văn nghệ ở miền Bắc với những bản đặc biệt hiếm.

P Ủ TRIỂN LÃM CÁ NHÂN

Theo anh Lê Duy Trường, mỗi người sưu tầm nhạc tờ thường có gu riêng. Có người phân loại theo NXB, người sắp xếp theo trình tự thời gian, người lại muốn sưu tầm về một chủ đề cụ thể nào đó. Riêng anh Trường đang tập trung sưu tầm nhạc tờ về Huế, như những bản nhạc viết về Huế, ca sĩ hát về Huế (như Thái Thanh, Thanh Thúy…). "Nhạc tờ về Huế rất hiếm và ít người chơi. Do vậy tôi phải săn lùng khắp nơi, thế mà mỗi năm chỉ gom được vài bản in ưng ý", anh nói. Ngoài ra, anh còn sưu tầm nhạc tờ theo nhạc sĩ với những ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... Hiện anh có bộ 3 tập Ngày trở về của nhạc sĩ Phạm Duy rất quý. Anh cũng cố gắng kiếm tìm những nhạc tờ do NXB Tinh Hoa Huế ấn hành để lập thành một bộ sưu tập hoàn chỉnh.

"Sưu tầm nhạc tờ rất ít người chơi nên việc trao đổi, mua bán cũng khó khăn hơn so với thú chơi khác. Hiện những tiệm sách cũ gần như vắng bóng nhạc tờ, nên để mua được những bản còn khuyết trong các bộ sưu tập, tôi phải tìm hiểu trên các diễn đàn, mạng xã hội… Một khi tìm thấy, nhất là những nhạc tờ bản đặc biệt, dù đắt gấp 5 - 6 lần so với bản thường (khoảng 250.000 - 350.000 đồng/bản), tôi vẫn mua. Ở Huế, có một người chơi sở hữu bộ nhạc tờ đỉnh cao vì đặc biệt hiếm, trị giá đến 30 - 40 triệu đồng/bản. Trong đó, có những tờ anh em chưa thấy bao giờ…", anh Trường chia sẻ.

Thú vui sưu tầm đồ độc lạ: Mê mẩn nét xưa trên nhạc tờ- Ảnh 2.

Lê Duy Trường trang trí quán cà phê của mình bởi những nhạc tờ nhuốm màu thời gian

Hoàng Sơn

Ở Huế, Lê Duy Trường được biết đến là một nhà sưu tầm sách xưa với kho sách hiện đến hơn 20.000 cuốn. Thú chơi sách xưa cũng dẫn anh Trường đến với thú sưu tầm sách có thủ bút của những chí sĩ, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, như Huỳnh Thúc Kháng (thủ bút trên Báo Tiếng Dân), Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tôn Nữ Hỷ Khương… Năm 2016, nhà sưu tập trẻ Lê Duy Trường từng thực hiện triển lãm cá nhân chủ đề Huế - trăm năm đời sách. Tại triển lãm này, bên cạnh trưng bày hàng trăm đầu sách viết về Huế, anh Trường đã khiến nhiều người thích thú khi chiêm ngưỡng nghệ thuật sắp đặt nhạc tờ theo hình xoắn ốc với ngụ ý: sách sẽ làm cho kiến thức mỗi người thăng hoa.  

"Nhạc tờ mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, bởi đó là sự kết hợp sâu sắc giữa hội họa với âm nhạc. Họa sĩ vẽ bìa nhạc tờ phải cảm nhận được ngôn ngữ âm nhạc, câu chuyện từ người viết nhạc để có sự đồng điệu, từ màu mực cho đến nét cọ. Thêm nữa, những nhạc tờ càng xưa còn mang trong mình sắc màu thời gian, như là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử âm nhạc khiến cho người xem, người đọc có cảm giác gần gũi. Có những nhạc tờ có giá trị mỹ thuật rất cao, đến mức có thể làm tranh treo lên tường", anh Trường nói và chia sẻ hiện anh đang nỗ lực sưu tầm với ấp ủ sẽ mở cuộc triển lãm nhằm giới thiệu đến công chúng sự thú vị của nhạc tờ cũng như lan tỏa niềm đam mê đến mọi người. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.