Đường nhập rẻ hơn phân nửa
Ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, trong niên vụ 2012 - 2013 dự báo cả nước sản xuất trên 1,5 triệu tấn đường các loại, lớn hơn so nhu cầu tiêu thụ của cả nước 1,35 - 1,4 triệu tấn. Do đó trong năm tới vấn đề tiêu thụ đường sẽ được đảm bảo.
Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo tiêu thụ đường ở thị trường trong nước lại không được các doanh nghiệp tiêu thụ (sản xuất bánh kẹo, nước giải khát…) đồng tình. Theo các doanh nghiệp này, dù đại diện Hiệp hội Mía đường bảo đảm không thiếu đường nhưng họ vẫn thích nhập khẩu do có giá cạnh tranh hơn.
|
Bà Châu Kiều Phương, quản lý thu mua hàng hóa của Công ty Tân Hiệp Phát cho biết do chưa có quota nhập khẩu nên hàng năm Tân Hiệp Phát đều phải mua đường sản xuất ở trong nước. Tuy nhiên, do giá đường trong nước có thời điểm chênh quá cao so với giá thế giới nên xu hướng của công ty vẫn muốn tìm nguồn đường nhập khẩu để tiết giảm chi phí.
“Mỗi năm Tân Hiệp Phát tiêu thụ hết khoảng 40.000 tấn đường. Chỉ cần giá đường trong nước cao hơn thế giới vài ngàn đồng/kg thì công ty đã phải tốn thêm bộn tiền rồi”, bà Phương nói.
Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) cho hay điều mà nhiều doanh nghiệp tiêu thụ lo ngại là giá đường trong một niên vụ biến động quá lớn.
Có khi giá đường bán trong nước cao hơn giá thế giới 30 - 50%. Đơn cử như hiện nay, giá đường thế giới ở mức 600 USD/tấn nhưng giá trong nước trên 800 USD/tấn.
Ông Chiến còn chỉ ra vướng mắc khiến đường trong nước khó cạnh tranh với đường nhập khẩu. Đó là trường hợp đã chốt được giá, để đảm bảo giá không tăng, bên bán trong nước buộc bên mua phải thanh toán 30 - 50% giá trị lô hàng.
Trong khi đó, nếu nhập khẩu, bên mua chỉ cần mở tín dụng thư (L/C) tại một ngân hàng và sẽ được thanh toán trả chậm mà không lo ngại giá đường biến động.
Kém cạnh tranh
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam thừa nhận giá đường trong nước cao là do nguyên liệu mía của Việt Nam so với khu vực và thế giới có chất lượng kém nhất, mà giá lại cao nhất.
Hiện chi phí nguyên liệu mía chiếm 80% trong giá thành sản xuất đường. Cụ thể, các nhà máy ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất 1 kg đường thì phải tốn tới 12.500 đồng tiền mua mía. Trong khi đó, doanh nghiệp Thái Lan chỉ mất hơn 6.000 đồng tiền mua mía để sản xuất 1 kg đường.
Về chi phí nhiên liệu, vận hành, lao động… để ra 1 kg đường, các nhà máy trong nước phải tốn thêm 3.000 đồng trong khi chi phí này ở Thái Lan thấp hơn do các nhà máy được điều khiển tự động.
Như vậy, giá thành sản xuất 1 kg đường trong nước mất khoảng 15.500 đồng (chưa kể lãi ngân hàng), trong khi con số này ở Thái Lan chưa tới 10.000 đồng.
Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay việc doanh nghiệp thích nhập khẩu là do giá rẻ hơn. Tuy nhiên, giá rẻ này chỉ áp dụng đối với lượng đường nhập khẩu trong hạn ngạch, còn nhập khẩu ngoài hạn ngạch, đường sẽ có giá rất cao vì phải chịu mức thuế 85 - 100%.
Ông Trương Phú Chiến thắc mắc giá đường trong nước bị đẩy cao một phần do bị đầu cơ. Thêm vào đó, dù Hiệp hội Mía đường quy tụ rất nhiều doanh nghiệp sản xuất nhưng giá đường trên thị trường bị chi phối bởi một số doanh nghiệp thương mại.
“Ở những thời điểm kết thúc vụ (khoảng tháng 3 - 4 hằng năm) và giáp vụ (tháng 9 - 10 hằng năm), đường trong nước bất ngờ khan hiếm, giá bán tăng cao. Chúng tôi hỏi mua thì doanh nghiệp sản xuất đều báo hết và lúc này giá đường tăng lên khủng khiếp”, ông Chiến nói.
Ông Nguyễn Hải cho biết những năm trước khi giá đường chưa cao, lãi suất ngân hàng chưa cao cũng có một vài doanh nghiệp thương mại đầu cơ khi mua một số lượng lớn rồi chờ giá tăng bán kiếm lời.
“Tuy nhiên, trong hai vụ gần đây do lãi suất ngân hàng quá cao nên không còn tình trạng đầu cơ nữa. Chả doanh nghiệp thương mại nào dại vay tiền ngân hàng để ôm một lượng hàng lớn cả. Trái lại mua chừng nào bán chừng đó. Giờ ôm hàng một tuần mà không bán cũng đã lỗ rồi”, ông Hải phân tích.
“Chết” vì đường nhập lậu Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết, trung bình một năm có khoảng 300.000 - 400.000 tấn đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam qua các cửa khẩu Lào và Campuchia, chiếm 20 - 30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước. Theo tính toán của ông Long, nguồn đường nhập lậu này khiến Nhà nước thất thu ít nhất 650 tỉ đồng mỗi năm, đồng thời các đối tượng buôn lậu còn tránh được hàng trăm tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn không thể hạn chế được tình trạng nhập lậu. |
Đình Quân
>> Cam kết WTO chưa cho phép đấu thầu lượng đường nhập khẩu
>> Chi phí sản xuất đường ở Việt Nam cao hơn 50% so với Thái Lan
>> Nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch phải chịu thuế 80 - 100%
>> Cảnh báo việc tìm đối tác nhập khẩu đường tại Thái Lan
>> Sẽ cho nhập khẩu đường nếu các nhà máy bán đường giá cao
Bình luận (0)