Ngày 3.6, Cục công tác phía nam (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong quản lý và phát triển TPL tại khu vực phía nam.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho biết nhìn chung các quy định về hoạt động TPL chưa đầy đủ; một số cơ quan liên quan không có sự phối hợp tốt với văn phòng TPL, đặc biệt là trong hoạt động thi hành án.Theo bà Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nhận thức của một số cán bộ, cơ quan, tổ chức còn hạn chế đã gây khó khăn cho chế định TPL trong quá trình hoạt động.
Dẫn chứng, bà Thuận cho biết Sở Tư pháp TP nhận được đơn khiếu nại của ông Lê Tuấn Minh (45 tuổi, ngụ Q.8) về việc năm 2014, ông mua trúng đấu giá một căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh) với giá gần 3 tỉ đồng nhưng không được đương sự giao nhà. Khi ông Minh yêu cầu văn phòng TPL Q.Bình Thạnh thực hiện công tác thi hành án giao nhà cho ông nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được nhà.
Ông Từ Dương Tuấn, nguyên Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết các nghị định hướng dẫn của Chính phủ về hoạt động và tổ chức TPL quy định TPL được thực hiện các chức năng, nhiệm vụ như cơ quan thi hành án, như 1 chấp hành viên, trong đó bao gồm hoạt động cưỡng chế thi hành án.
Theo ông Tuấn, Quốc hội cũng đã nói rõ, trong quá trình chờ xây dựng Luật Thừa phát, các nghị định, hướng dẫn của Chính phủ về hoạt động và tổ chức TPL vẫn có hiệu lực thi hành, tức vẫn có cơ chế để làm.
Các văn phòng TPL trên địa bàn TP.HCM và đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh khu vực phía nam cho biết trong khi chờ Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại thì công tác đang gặp khó khăn đủ bề và cố gắng gượng để đội ngũ TPL, thư ký nghiệp vụ không thất nghiệp.
Tại TP.HCM, các văn phòng TPL cho biết, 3 tháng đầu năm 2016, TAND TP.HCM không giao văn bản để các văn phòng TPL thực hiện nhiệm vụ tống đạt văn bản vì tòa không có kinh phí; công tác thi hành án thì bị các cơ quan, tổ chức liên quan như ngân hàng, ủy ban, công an không phối hợp, hỗ trợ…
Bình luận (0)