Thừa Thiên-Huế hỗ trợ hàng tỉ đồng cho tàu container vào cảng Chân Mây

Nguyên Nga
Nguyên Nga
16/09/2022 15:21 GMT+7

Đó là nội dung trong Nghị quyết 18 "về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi/đến cảng Chân Mây" vừa được HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế thông qua.

Thời gian áp dụng thí điểm chính sách này bắt đầu từ ngày 1.10.2022 đến ngày 31.12.2023.

Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi/đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), áp dụng mức hỗ trợ 800.000 đồng/container 20 feet và 1,1 tỉ đồng/container 40 feet. Đối với hãng tàu biển/đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng/tháng, áp dụng mức hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến cập cảng.

Dự kiến, tổng nguồn chi ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ này khoảng hơn 18,3 tỉ đồng/năm.

Chân Mây là cảng biển nước sâu tự nhiên nằm trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, có tiềm năng để mở rộng, phát triển thành một cảng biển hiện đại và là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho cả khu vực

CẢNG CHÂN MÂY

Trước đó, ngày 9.9, cảng Chân Mây đón tàu container quốc tế đầu tiên đến từ Malaysia, tàu Deltic Dolphin, xếp dỡ vận chuyển 120 container hàng hóa tuyến Sibu, Malaysia - Chân Mây, Việt Nam - Pontianak, Indonesia. Đây là chuyến hàng của nhà máy bia Camel Quảng Trị. Chân Mây là cảng biển nước sâu tự nhiên, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 50.000 DTW, là mắc xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung và hàng lang kinh tế đông - tây, như cửa ngõ chính ra Biển Đông của khu vực.

Theo Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên-Huế, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Chân Mây năm 2021 là hơn 3,34 triệu tấn, với 884 lượt tàu thông qua. Trong 8 tháng đầu năm nay, có hơn 2,55 triệu tấn hàng hóa thông qua, với 589 lượt tàu. Hiện nay, hàng hóa qua cảng chủ yếu là hàng rời.

Dự kiến, sau khi áp dụng chính sách hỗ trợ tàu container, riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hàng men frit (nguyên liệu chính sản xuất gạch men) chiếm khoảng 25% lượng hàng đi/đến cảng Chân Mây, tương đương 4.500 teu mỗi năm; hàng sản xuất ngành sợi chiếm 12,5%, tương đương 2.250 teu/năm (loại container 40 feet); hàng sản xuất ngành may mặc chiếm khoảng 5%, tương đương 950 teu/năm (loại container 40 feet); hàng sản xuất, lắp ráp ngành cơ khí dự kiến có khoảng 50% lượng hàng đi/đến cảng, tương đương khoảng 900 teu/năm (loại container 20 feet)...

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện đang chuyển hướng từ vận chuyển hàng rời sang hàng hóa đóng container để giảm chi phí, tăng năng suất, khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ cảng biển đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật... Khi áp dụng chính sách này, ước tính có khoảng 8.600 container qua cảng Chân Mây và ngân sách của tỉnh sẽ chi hỗ trợ khoảng 18 - 20 tỉ đồng mỗi năm trích từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh theo Nghị quyết 38/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.