Thừa Thiên - Huế: Rao bán chim trời công khai trên phố và mạng xã hội

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
12/10/2023 08:00 GMT+7

Trong khi lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang ráo riết xử lý nạn săn bắt chim trời thì tình trạng bày bán, rao bán thịt chim trời vẫn diễn ra công khai giữa phố, trên mạng xã hội...

Sau khi nạn săn bắt chim trời tại nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế được người dân phản ánh, PV Thanh Niên vào cuộc tìm hiểu và phát hiện không chỉ có "công đoạn" đầu (giăng bẫy săn bắt) khá phức tạp mà "công đoạn" cuối - tiêu thụ sản phẩm - cũng rất đáng lo ngại, công khai.

Đầu tháng 10, tại địa bàn H.Phú Lộc, khi các cánh đồng đã gặt xong, nhiều loài chim từ rừng quốc gia Bạch Mã, phá Tam Giang… gần đó kéo về trú ngụ. Đây cũng là lúc diễn ra các kiểu giăng bẫy, giăng lưới săn bắt chim trời. 

Như Thanh Niên đã thông tin, lực lượng kiểm lâm, công an vừa phát hiện hàng ngàn chiếc bẫy có hình thù cò giả, hoặc lưới giăng, cành tre dính keo... ở H.Phú Lộc và vào cuộc tháo gỡ, tiêu hủy.

TT.Lăng Cô và các xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Điền (H.Phú Lộc) cũng là "điểm nóng" của nạn săn bắt cò, vạc, triết… Dù lực lượng công an ráo riết kiểm tra, xử lý nhưng nạn săn bắt vẫn tái diễn.

Thừa Thiên – Huế: Thịt chim trời được rao bán trên mạng, ngoài phố  - Ảnh 1.

Hàng trăm con mồi giả làm bẫy, đặt trên cánh đồng tại H.Phú Lộc

BÌNH THIÊN

Khi bẫy được chim trời, người ta làm thịt, rửa sạch rồi bán sỉ cho thương lái. Thương lái thu mua, bỏ mối cho các nhà hàng hay người dân có nhu cầu.

Anh T.B (trú xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc), một khách hàng thường xuyên mua thịt chim trời, cho biết hiện nay vì sợ bị cơ quan chức năng xử phạt nên việc mua bán có vẻ thận trọng hơn. Nếu là "mối" quen thì có thể đến tận nhà để lấy. "Thường thì các thương lái sẽ gom về rồi bán trực tiếp cho ai cần mua, hoặc đăng lên mạng rao bán với giá 45.000 – 50.000 đồng/con", anh B. nói.

Đúng như lời anh B. nói, ngày 6.10 tài khoản Facebook có tên T.N của một người dân sống tại xã Lộc Thủy (H.Phú Lộc) đăng hình ảnh những con cò đã được làm sạch lông với tiêu đề: "Lên đơn sớm để chiều em ship nhé". Lướt xem tài khoản Facebook của người này, thấy hàng loạt bài viết với nội dung bán chim trời, thậm chí có thời điểm "lên đơn" với số lượng 40 con... Tài khoản này gọi cò, vạc đã giết thịt là "em chân dài".

Thừa Thiên – Huế: Thịt chim trời được rao bán trên mạng, ngoài phố  - Ảnh 2.

Chim trời được rao bán trên mạng

CHỤP MÀN HÌNH

Chiều 7.10, PV Thanh Niên phát hiện một phụ nữ bày bán hàng chục con chim trời bên lề đường Bùi Thị Xuân (đoạn gần cầu Dã Viên, TP.Huế), thu hút đông người đi đường dừng lại mua. Trong vai người mua, PV được người phụ nữ này chào mời: "Toàn triết bạc và triết mun ngon lắm, giá từ 120.000 – 140.000 đồng thôi, bảo đảm ăn là ghiền!".

Dọ hỏi về nguồn gốc số chim này, người bán hàng tiếp tục quảng cáo: "Tôi thu gom lại của mấy người đi bẫy, rồi đưa lên đây bán. Hàng tự nhiên cả đó!". Vừa giới thiệu, người này thoăn thoắt lấy thêm cả chục con chim lớn nhỏ từ trong bao ra để "chào hàng" người đi đường.

Thừa Thiên – Huế: Thịt chim trời được rao bán trên mạng, ngoài phố  - Ảnh 3.

Việc mua bán chim trời diễn ra công khai giữa phố ở TP.Huế, hình ảnh ghi nhận vào chiều 7.10

LÊ HOÀI NHÂN

Một người dân đang dừng mua chim cho hay do chưa ăn thịt chim lạ lần nào nên tò mò, muốn mua về "ăn cho biết". Cũng có một vài khách quen ghé mua làm mồi nhậu. Chỉ trong gần 1 giờ đồng hồ, người phụ này đã bán được hàng chục con chim tự nhiên, rồi nhanh chóng rời đi.

Có thể thấy, nạn bẫy chim trời đang ngày càng phức tạp. Nguyên nhân một phần xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ của người dân, từ đơn đặt hàng thu mua của các hàng quán... Có cầu ắt có cung. Chuyện mua bán nhộn nhịp trên phố, trên mạng xã hội gửi đi lời cảnh báo: các loài chim trời đang bị tận diệt.

Tàn bạo thủ thuật bẫy chim trời

Ngày 9.10, trao đổi xung quanh những hình ảnh do PV Thanh Niên cung cấp, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành xác minh, xử lý. 

Ông Tuấn cho hay, thời gian qua lực lượng kiểm lâm cũng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, công an các xã thường xuyên tuần tra, truy quét và xử lý hàng loạt bẫy chim trời trên các cánh đồng. Tuy nhiên, lực lượng phối hợp chỉ xử phạt được một số người đang có mặt tại điểm đặt bẫy (mức phạt vài triệu đồng), số còn lại do chưa bắt quả tang nên tháo dỡ, tiêu hủy bẫy. 

Liên quan đến việc người dân mua bán công khai chim trời trên các tuyến đường, ông Tuấn cho rằng công tác xử lý vẫn gặp khó khăn, bởi lực lượng kiểm lâm không thể tuần tra hết tuyến đường và các chợ. Tình trạng mua bán công khai có diễn ra, nhưng chỉ thoáng qua, không cố định địa điểm; thông tin nắm bắt chủ yếu từ người dân cung cấp. 

Mỗi trường hợp mua bán như hình ảnh PV Thanh Niên ghi nhận, nếu cơ quan chức năng phát hiện, ghi nhận trực tiếp sẽ bị xử phạt từ 1 - 1,5 triệu đồng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế mong muốn người dân địa phương khi phát hiện việc săn bắt, mua bán chim trời... cần nhanh chóng thông báo cho lực lượng kiểm lâm gần nhất để vào cuộc xử lý. 

Theo ông Tuấn, thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tuần tra, xử phạt quyết liệt để răn đe; Quan trọng là làm mạnh tay tại khu vực đặt bẫy để xử lý triệt để từ "công đoạn" đầu tiên. Biện pháp xử phạt thì sẽ áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, với từng mức phạt khác nhau.

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm sẽ phối hợp để tiếp tục tuyên truyền cho người dân về đạo đức, môi trường. Qua đó, người dân thấy được sự man rợ của việc săn bắt để nâng cao ý thức không tiêu thụ thịt chim trời cũng như động vật hoang dã.

"Có những kẻ đi bẫy dùng một con cò thật, chọc mù mí mắt rồi thả ra bãi đất trống để làm cò mồi. Xung quanh đó, họ cắm các que nhựa có dính keo để làm bẫy. Hành động chọc mù mắt chim trời quá tàn bạo, liên quan đến đạo đức, cần được tuyên truyền để người dân biết và ngưng tiêu thụ thịt chim trời", ông Tuấn nói.






Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.