(TNTS) Chiều ngày 21.4.2012, một cơn mưa chuyển mùa về trên thành phố Sài Gòn thân yêu. Mưa diễn ra trong khoảng một tiếng đồng hồ; lượng mưa không lớn lắm nhưng cũng đủ khiến cho nhiều tuyến đường thành phố ngập lụt. Nói theo tinh thần của AQ chính truyện, ít ra ta cũng có niềm tự hào rằng thành phố ta ngập đường thuộc loại hạng nhất. Trừ hai chữ “ngập đường” ra, hai chữ “hạng nhất” đủ để xác định chúng ta hơn người rồi! Hạng nhất nào mà không là hạng nhất?
Đường Hòa Bình - con đường nối ba quận 11, Tân Phú và Tân Bình, nước ngập lên nửa mét. Nửa mét có nghĩa là đủ để tắt máy xe. Đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) và một số tuyến đường khác ở Gò Vấp cũng ngập ngụa, làm ách tắc giao thông cục bộ. Điều đáng ngại là nước ngập này rất hôi thối do từ cống rãnh xì lên, khiến người dân sinh sống gần đó và người đi đường muốn... bể lỗ mũi, khổ sở vì không dám hít thở. Suy rộng ra trong toàn thành phố, chỗ nào có mưa xuống là bà con ta lãnh đủ hoặc có lãnh mà chưa đủ tình trạng nước ngập hôi thối đó.
Tháng 5 dương lịch, mùa mưa đến.
Thành phố sẽ trải qua sáu tháng mùa mưa. Tình hình bà con phải “thưởng thức”, phải đi về trong nước ngập, nước thối ấy sẽ diễn ra dài dài; nhiều hơn về lượng và cao hơn về chất. Ta nói, thành phố thừa nước thải.
Theo biên niên sử của Báo Thanh Niên, năm 2007 thành phố đã khởi động dự án giảm thất thoát nước sạch với kinh phí 44 triệu đô la Mỹ. Ngành cấp nước muốn giảm số lượng thất thoát nước sạch xuống còn 125 ngàn mét khối một ngày nhưng... lực bất tòng tâm. Bằng chứng là qua đến năm 2012 này, mỗi ngày nước sạch vẫn thất thoát 590 ngàn mét khối, tính ra là 3 tỉ đồng.
Như vậy trung bình mỗi năm, thành phố mất đi trên 1.000 tỉ đồng.
Lý giải tình trạng này, ngành cấp nước chỉ ra một tên thủ phạm giấu mặt, trá hình nguy hiểm, luôn luôn rình rập phá bĩnh sự nghiệp kinh doanh nước máy của ngành ta. Đó là hệ thống đường ống dẫn nước cũ quá và xuống cấp nghiêm trọng. Để bù vào tình trạng thất thoát nước bất trị ấy, ngành cấp nước có nhã ý (thật ra là tục ý) hạch toán tiền thất thoát nước vào... giá tiêu dùng nước của khách hàng. Cái đó kêu bằng là khách hàng không ăn mắm mà khát nước! Khách hàng hiểu ngành ta quả thật đang gặp nhiều khó khăn nên cũng ngoan ngoãn, sẵn sàng chung sức đóng góp với ngành để có nước sạch mà dùng.
Thế nhưng, mối liên kết ấy hình như không được bền chặt và ngay ngắn cho lắm. Ở tổ dân phố 54B đường Tân Thới Nhất 18 quận 12, ống nước đã vào tới nơi, nhiều hộ có nước xài nhưng 14 hộ vẫn chưa được cấp nước ba năm qua. Lý do đưa ra là bản đồ vẽ thiếu nhánh rẽ qua các hộ này. Giá phỏng định muốn có nước, phải đóng mỗi hộ trên sáu triệu đồng. Ở đường Phan Văn Hớn quận 12 và đường Nguyễn Sơn quận Tân Phú, đường ống đã đi qua nhưng nhiều năm rồi nhân dân vẫn... chưa được cấp nước.
Hộ chưa có đồng hồ nước đau khổ; hộ có đồng hồ nước rồi chưa chắc đã có hạnh phúc. Biên niên sử của nhiều quận huyện cho ta biết rằng ở nhiều hộ dân có gắn đồng hồ nước lâu lâu lại chảy ra một thứ “nước sạch” đen thui hoặc vàng nghế, lợn cợn cáu bẩn và hôi hám về mùi vị. Nghĩa là nước ấy không thể gọi là “nước sạch” nằm trong khái niệm nước máy được. Có gì khổ hơn khi phải bỏ tiền ra để mua một thứ nước tào lao như vậy? Ta nói, thành phố thiếu nước sạch.
Thừa nước thải và thiếu nước sạch là hai mặt đối lập nhau chan chát như nữ và nam, như trống và mái, như cái và đực. Không ai mong nước thải có thừa nhưng nó vẫn đến sau những trận mưa, những ngày triều cường. Người lương thiện cố tránh nó nhưng vẫn trở thành nạn nhân của nó. Nó “chơi” từ cụ già trọng tuổi bó gối nằm nhà đọc báo cho đến em học sinh tiểu học mặc bộ đồ sạch sẽ nhất để đến trường học chữ. Nó hành ông thầy giáo chạy chiếc xe gắn máy đời cũ từ trường về cho đến nhà doanh nghiệp đi chiếc xe hơi đời mới tính chuyện kinh doanh. Nghĩa là trẻ nó chẳng tha mà già nó chẳng thương.
Không ai mong nước sạch bị thiếu nhưng tình hình đó vẫn diễn ra khi mùa khô đến. Không có gì hoạt kê hơn khi nhà có đồng hồ nước mà vợ chồng, con cái vẫn phải xách xô, mang bình chạy tới nhà quen có nước xin về để giặt giũ, tắm gội, nấu ăn. Không có gì đáng tủi thân hơn khi ống nước trước nhà chỉ cách mươi mét mà hộ dân “xin” mười năm vẫn chưa được ngành cấp nước thuận gắn cho cái đồng hồ để có nước xài.
Người dân biết trong hoạt động kinh tế hiện nay, mọi chi phí phải được tính toán sòng phẳng trên cơ sở thỏa thuận với nhau. Thế nhưng, đi một đường ống nhánh rẽ khoảng năm mét từ ống cái ngoài đường vào tới sân nhà dân mà tính đến sáu, bảy triệu đồng thì thật là ép người quá đáng. Mà chỉ có những hộ nghèo, hộ đủ ăn mới không có nước máy. Hộ khá, hộ giàu có nước máy từ khuya rồi.
Ông cấp nước viện ra lý do sở dĩ nhân dân chưa được cấp nước là do thủ tục xin phép đào đường, đặt ống cái rất nhiêu khê. Đó đơn thuần chỉ là một cách nói, một cách giải thích không đáng tin cậy. Bần đạo có thể chỉ ra cho ông hàng chục nơi đã đi đường ống cái rồi, nhân dân đã “xin” rồi mà tổng công ty không cấp nước.
Nước thải có thừa, dân không chờ mà vẫn đến hẹn lại lên. Nước sạch lại thiếu, dân mỏi cổ chờ mà đến hẹn vẫn không lên. Cái thừa thì ta không cần, cái ta cần thì lại thiếu. Đúng là một sự hoạt kê lâu dài.
“Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày/Lấy đầy bát cơm” - văn chương bình dân nói như vậy. Đúng là bà con ta có lấy nước mưa - một thứ nước sạch thiên nhiên để dùng. Thế nhưng, nước mưa ngày nay ở những vùng nông thôn xa xôi thì dùng được; ở những vùng đô thị đông dân thì nên đề phòng. Ấy bởi vì không khí bị ô nhiễm khói bụi, nước mưa có nhiều chất độc hại. Và nước mưa từ những cơn mưa đầu mùa dứt khoát là không dùng được.
Trẻ con thường khoái tắm mưa. Nhà bần đạo thiếu nước sạch, “xin” mấy năm mà ngành cấp nước hổng cho nên bần đạo cũng khoái tắm mưa vậy. Mỗi khi cơn mưa sắp đến, bần đạo cứ hồi hộp thủ sẵn cục xà bông, định xô cửa chạy ra ngoài trời tắm mưa cùng bọn trẻ. Thế nhưng bần đạo ngại ngùng nhiều thứ. Một là thân thể mình không có gì hấp dẫn, show ra trước thiên nhiên, sợ thiên hạ cười cho sái quai hàm. Hai là sẽ có người hiểu nhầm bần đạo muốn “lộ hàng” để kiếm một chút... tai tiếng sống đời. Ba là một số những nhà đạo đức sẽ cau mày mà nghĩ rằng không chừng bần đạo muốn khêu gợi cái gì đây.
Thì thôi, dẫu mưa rơi tràn trề nghê ngói, ngập lụt cả đường sá, bần đạo cũng phải bó gối ngồi trong nhà. Ngồi trong nhà mà tư duy việc... nước. Tư duy rằng: Làm sao để ta có nước sạch mà dùng và tránh để khỏi thành nạn nhân của nước thải hôi hám. Việc thứ nhất thuộc về thẩm quyền ngành cấp nước; việc thứ nhì thuộc về thẩm quyền ngành thoát nước.
Vũ Đức Sao Biển
Bình luận (0)