Thừa thiếu trường lớp đầu năm học - Kỳ 2: Xây rồi... bỏ hoang

25/08/2011 01:56 GMT+7

Trong khi nhiều trường học tù túng, chật chội, sĩ số vượt quá chuẩn cho phép thì cũng có những trường học bỏ hoang vài chục năm nay hoặc xây dựng xong rồi không dùng được.

>> Thừa thiếu trường lớp đầu năm học (Kỳ 1)

 

Trường Tiểu học Phù Lương (thôn Yên Đinh, xã Phù Lương, Bắc Ninh) xây dựng 8 năm nay nhưng không điện, không nước, không nhà vệ sinh - Ảnh: Lê Bình

Công trình 20 năm chưa xong

Phường Nam Đồng (Q.Đống Đa, Hà Nội) trung bình mỗi năm có 1.611 cháu tham gia bậc học mầm non. Thế nhưng, cả phường chỉ có một trường mầm non công lập 6 lớp với sức chứa tối đa 286 học sinh (HS). Nhưng điều mà bất cứ người dân nào ở đây cũng bức xúc là, trong khi con em họ vẫn phải gửi trong ngôi trường đang xuống cấp và thiếu đủ thứ thì lại có trường mẫu giáo xây 20 năm nay vẫn chưa xong.

Hàng chục dự án xây trường không thể triển khai

Trong năm 2011, TP.HCM có 59 công trình trường học thuộc danh mục xây dựng mới nhưng bị ngưng lại chủ yếu do không được cấp vốn để triển khai. Bên cạnh đó, còn rất nhiều dự án hàng chục năm nay không có hướng giải quyết vì vướng đền bù giải tỏa mặt bằng, chẳng hạn như dự án trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5), Lý Thái Tổ (Q.8), Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12)... 

Bà Lê Thị Kim Hạnh - Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, từng chia sẻ: "Từ năm 2010, UBND TP chuẩn bị đầu tư cho 6 dự án xây dựng trường nhưng đến năm 2011, TP không bố trí vốn nên quận sẽ khó khăn trong giải quyết việc thiếu trường lớp trên địa bàn trong những năm tới". Ông Trần Trung Hiếu - Trưởng phòng Giáo dục Q.12, lo lắng: “Quận còn 2 dự án xây trường tiểu học Hiệp Thành và Thới An vẫn chưa có kinh phí triển khai. Nếu các dự án này không được tháo gỡ, sự quá tải càng trở nên trầm trọng".

Bích Thanh

Khi xây dựng khu tập thể Nam Đồng, Bộ Quốc phòng đã dành 2.000 m2 đất tại tổ 17 để xây nhà mẫu giáo, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ cho cán bộ, sĩ quan quân đội. Năm 1991, Công ty quản lý nhà số 1 được giao nhiệm vụ khởi công xây dựng trường mẫu giáo trên khu đất này. Tuy nhiên, khi mới thi công xong phần khung của tòa nhà 2 tầng, không hiểu lý do gì, việc xây dựng bỗng nhiên bị đình lại đến nay đã 20 năm, công trình vẫn dang dở.

Tương tự, trong khi Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đang trong tình trạng thiếu chỗ học trầm trọng thì trường Mầm non tư thục Bình Minh rất hoành tráng ngay giữa khu đô thị mới Định Công  từ nhiều năm nay bị bỏ hoang. Người dân sống quanh khu vực này cho biết phải đến 5 - 6 năm nay từ khi trường học được hoàn thành nhưng chưa hoạt động ngày nào.

Trường gần không học, đi học trường xa

Trường Tiểu học Phù Lương (thôn Hiền Lương, xã Phù Lương - huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) 8 năm nay luôn ở trong tình trạng “3 không”: không điện, không nước, không nhà vệ sinh, dù người dân xã Phù Lương đã có điện dùng từ năm 1991... Năm 2002, trường được xây dựng với kinh phí được phê duyệt là 863 triệu đồng. Với gần 100 HS từ khối 1 đến khối 3, trường chỉ có 4 thầy, cô giáo luân phiên nhau giảng dạy. Trường chỉ sử dụng 3 phòng của tầng trệt, tầng 1 hoàn toàn bỏ trống.

Để khắc phục tình trạng trường học thiếu thốn đủ thứ, trong năm học mới, HS các khối lớp phải học tại trường tiểu học Phù Lương (thôn Yên Đinh, xã Phù Lương), cách thôn Hiền Lương 3 km!

Không có học sinh

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Thoại (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) luôn được gọi với cái tên: trường không có HS. Nguyên nhân một phần cũng do trường nằm trong khu dân cư mới, số người dân đến làm nhà, cư ngụ tại khu vực tuyển sinh của trường chưa nhiều. Theo cô Trương Thị Ngọc Anh - Hiệu trưởng, số HS ở độ tuổi ra lớp 1 khi điều tra phổ cập là 36 em, nhưng đến nay chỉ mới có 17 hồ sơ nộp nhập học. Năm học 2010 - 2011, cả trường 5 khối lớp chỉ có 86 HS, trong khi cơ sở trường học được xây mới rất khang trang với công suất 800 HS và đội ngũ giáo viên tuyển mới với trình độ, năng lực cao.

Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Q.Hải Châu) năm học nào cũng chỉ tuyển được một lớp. Hiện nay, trường có 80 hồ sơ lớp 1 trong khi theo kết quả điều tra phổ cập, toàn phường có 218 em trong độ tuổi ra lớp. Phòng GD Hải Châu phải dùng biện pháp điều tiết HS, buộc các trường tiểu học lân cận trả hồ sơ những HS có hộ khẩu thường trú tại phường Hòa Cường Nam về đúng tuyến cho trường Lê Đình Chinh.

Nơm nớp lo trường sập

Hơn 2.200 HS và thầy cô giáo trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) phải đối diện với nỗi lo trường sập bởi những vết nứt toác ở các phòng học của trường đang ngày càng lan rộng...

Tháng 5.2011, công trình thi công văn phòng đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tại Đà Nẵng (số 36 Trần Quốc Toản, Q.Hải Châu) đã khiến những công trình lân cận tại đây ảnh hưởng nặng nề. Theo Ban giám hiệu trường Trưng Vương, nhiều phòng học ở tầng 1 và tầng 3 khu B của trường đã bị nứt tường. Trong số 6 vết nứt mới xuất hiện, có nhiều vết nứt khá dài, rộng đến 2 cm. 

Ngày 3.8, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng có công văn đề nghị VietinBank khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn kiểm định công trình trường THCS Trưng Vương, đánh giá mức độ nguy hiểm và có biện pháp khắc phục triệt để và gửi kết quả xử lý về Sở Xây dựng trước ngày 8.8. Thế nhưng đến nay, việc kiểm định chất lượng của công trình trường THCS Trưng Vương vẫn chưa được các cơ quan chức năng công bố.

D.Hiền

Tuệ Nguyễn -  La Giang - Lê Bình - Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.