Năm 2018, thống kê cho thấy, số ca ung thư tại VN lên đến 165.000 ca, so với mức trung bình trước đó là 126.000 ca/năm. Số tử vong vì ung thư gần 100.000 ca mỗi năm, cao gấp 9 lần chết vì tai nạn giao thông. Nguyên nhân chính gây ung thư được xác định là do thực phẩm bẩn và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
Không chỉ đang ăn những thực phẩm kém chất lượng, người Việt đang “hưởng thụ” bầu không khí ngày càng kém chất lượng hơn theo cảnh báo của WHO và nhiều tổ chức quốc tế về mức độ ô nhiễm tại VN. Hiện chất lượng khí sạch của VN chỉ bằng nửa thế giới. Chuẩn bụi mịn thế giới cho phép là 25 μg/m3, VN cho phép gấp đôi, lên đến 50 μg/m3. Điều này có nghĩa là chúng ta đang “được phép” thở một bầu không khí có chuẩn bẩn gấp đôi thế giới.
|
Theo nghiên cứu đánh giá tác động ô nhiễm không khí của GreenPeace, việc tiếp xúc không khí có bụi mịn cao, kéo dài tăng nguy cơ mắc các bệnh về ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và nhiều bệnh về đường hô hấp. TS Lê Việt Phú (Đại học Fulbright) ước tính ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến kinh tế ở mức tương đương 5 - 7% GDP.
Vấn đề theo TS Phú là VN không nhất thiết cải thiện chất lượng không khí theo chuẩn thế giới, chỉ cần kiểm soát được và quản lý chất lượng không khí đúng chuẩn của mình, đã hạn chế nhiều tình trạng phát sinh bệnh tật như đề cập ở trên.
Còn theo TS Nguyễn Đức Thái - cố vấn khoa học nghiên cứu ung thư và tế bào gốc tại VN, thực phẩm liên quan đến phát triển giống nòi của dân tộc.
Ông nói: “Câu chuyện thực phẩm bán cho người Việt “lệch chuẩn” so với thế giới sẽ không có gì đáng bàn nếu chúng ta không đặt để nó trên bình diện liên quan phát triển mọi mặt của một dân tộc. Theo đó, cách chúng ta đang làm với chuẩn thực phẩm “trọng hóa chất” là vì quyền lợi nhà kinh doanh hơn là quyền lợi người tiêu dùng. Tôi rất lo lắng cho tình trạng gia tăng bệnh ung thư tại VN. Xây dựng lại danh mục các phụ gia được phép sử dụng, bỏ bớt nạn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đi. Hạn chế tối đa dùng hóa chất để bảo quản thực phẩm chỉ vì lợi nhuận. VN đang dưới chuẩn, vậy hãy vì chút “tự ái dân tộc”, nâng chuẩn đó lên”.
Có một chi tiết mà chuyên gia an toàn thực phẩm Trần Văn Ký cũng đề cập đến là nhiều quốc gia phát triển đang giữ lại một số phụ gia thực phẩm không tốt trong danh mục cho phép của họ, nhưng chỉ dùng cho hàng hóa sản xuất để xuất khẩu sang các nước đang và kém phát triển, trong đó có VN. Tuy nhiên, chính phủ Nhật không có quản lý thực phẩm kiểu “2 danh mục”, hàng nội địa hay xuất khẩu phải đạt chuẩn như nhau. Nên, nếu muốn tham khảo, VN nên tham khảo Nhật Bản trong xây dựng chuẩn về thực phẩm nói chung.
Bình luận (0)