Thức dậy, cảm thấy điêu đứng, lao đao vì… thu nhập giảm

Thanh Nam
Thanh Nam
03/08/2024 12:42 GMT+7

Thời gian gần đây, không ít người trẻ ta thán chuyện thu nhập giảm trầm trọng khiến họ bất ngờ và rơi vào tình cảnh khó khăn.

Thu nhập giảm… 3 – 4 lần

Chị Lê Thị Hồng Hải (32 tuổi), quản lý một chuỗi cửa hàng thời trang khá nổi tiếng dành cho nữ trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, thở dài: "Tôi bị giảm thu nhập. Từ thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, thậm chí hơn, tháng 7 vừa qua chỉ còn hơn 5 triệu đồng/tháng. Hôm đó là ngày 25.7, sáng mở mắt thức dậy, nhìn phiếu báo thu nhập mà hoảng hồn".

Việc "đùng một cái", thu nhập giảm thấp 4 lần so với trước đây đã khiến cuộc sống của chị Hải bị đảo lộn hoàn toàn. Chị Hải cho biết đang cảm thấy lo lắng vì cần tiền để chi trả nhiều khoản: thuê trọ, tiền ăn, học tiếng Đức… nhưng "hiện tại chưa biết tìm ở đâu".

Theo chị Hải, sở dĩ có câu chuyện điêu đứng này vì thương hiệu thời trang kinh doanh thua lỗ. Trong bối cảnh giá đầu vào (nguyên vật liệu) tăng nhưng đơn hàng giảm, chẳng thấy dấu hiệu khả quan trong kinh doanh, nên ban giám đốc đã quyết định giảm thu nhập của nhân viên. "Hầu như ai cũng bị giảm thu nhập xuống 3 – 4 lần. Đã có nhiều đồng nghiệp cảm thấy sốc nên quyết định nghỉ việc tìm việc khác", chị Hải kể.

Thức dậy, cảm thấy điêu đứng, lao đao vì… thu nhập giảm- Ảnh 1.

Nhân viên một cơ sở kinh doanh cho biết thu nhập bị giảm sút, phải thu gom đồ đạc để chuyển mặt bằng vào cuối tháng 7 vừa qua

THANH NAM

Câu chuyện này không ngoại lệ, chị Lê Thị Uyên Như (35 tuổi), ngụ tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, đang kinh doanh muối hồng Himalaya, cũng cho biết "chẳng đặng đừng" mới đưa ra quyết định cắt giảm nhân sự. Cửa hàng từng có 8 nhân viên, doanh thu gần 700 triệu đồng/tháng, nhưng hiện tại chưa đến 100 triệu đồng/tháng và chỉ còn… 1 nhân viên.

Chị Như kể khoảng nửa năm nay, chuyện kinh doanh gặp khó khăn, các nhân viên đã chấp nhận giảm thu nhập. Có người thu nhập từ 12 triệu đồng/tháng vẫn vui vẻ nhận 6 triệu đồng/tháng. Động lực ấy đã giúp chị Như cố gắng gượng để "lèo lái" cửa hàng. "Nhưng đến thời điểm này, tôi gồng không nổi nữa nên đành khuyên mọi người tìm công việc có thu nhập ổn định hơn", chị Như cho hay.

Thức dậy, cảm thấy điêu đứng, lao đao vì… thu nhập giảm- Ảnh 2.

Có những người ta thán khi nhận phiếu báo thu nhập giảm 3, 4 lần

THANH NAM

Anh N.P.N.H (36 tuổi), phụ trách marketing của một thương hiệu ẩm thực trên đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM, kể trong 3 tháng đầu năm 2024, thu nhập của anh khoảng 25 – 27 triệu đồng/tháng, tùy vào doanh thu của quán. 3 tháng tiếp theo, thu nhập giảm dần, chỉ còn 17 – 20 triệu đồng. Tháng 7 vừa qua, anh H. hoảng hồn khi thu nhập còn đúng 12 triệu đồng/tháng.

"Lượng khách đến quán ngày càng ít, dẫn đến doanh thu giảm sút trầm trọng. Để rồi thu nhập của nhân viên bị ảnh hưởng", anh H. kể và ta thán: "Tôi định tìm việc mới. Tuy nhiên ở tuổi 36, câu chuyện xin việc không hề dễ dàng".

Còn rất nhiều trường hợp người trẻ khác cũng chia sẻ nỗi niềm về chuyện thu nhập "lao dốc không phanh". Nhiều người cho biết từng có cuộc sống khá thoải mái với thu nhập tương đối, thậm chí cao, nhưng hiện tại đã rơi vào tình cảnh bế tắc, lao đao vì thu nhập chỉ còn 1/2, 1/3, 1/4 so với trước đây.

"Mình ở phòng trọ trên đường Đào Duy Anh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM với giá thuê 5,5 triệu đồng/tháng. Những chi phí khác như: tiền điện, nước, ăn uống, đi lại… tốn thêm khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nhưng ngày trước, lương được 14 triệu đồng/tháng, có thêm thu nhập tăng thêm khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng. Nghĩa là mỗi tháng vẫn còn dư vài triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, thu nhập tăng thêm không còn. Lương đã giảm chỉ còn 8,2 triệu đồng/tháng. Mình không biết phải làm sao. Chắc sắp chuyển chỗ trọ", Đặng Thị Mỹ Thanh (28 tuổi), làm việc tại một cơ sở làm đẹp trên đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh, TP.HCM kể.

Thức dậy, cảm thấy điêu đứng, lao đao vì… thu nhập giảm- Ảnh 3.

Nam thanh niên nhận việc làm thêm tại một quán ăn trên đường Phạm Văn Xảo, Q.Tân Phú, TP.HCM sau khi thu thập từ nghề may bị giảm

THANH NAM

Bình tĩnh "chuyển mình"

Anh Đỗ Đăng Nhật, giám đốc một doanh nghiệp về may mặc ở H.Bình Chánh (TP.HCM), kể: "Ở công ty tôi, ngân sách dành cho các hoạt động marketing, bán hàng, quảng cáo… đều bị cắt giảm tối đa. Và việc giảm thu nhập của nhân viên cũng không ngoại lệ. Có người tiếp tục bám trụ lại, chấp nhận thu nhập thấp hơn 2, 3 lần so với trước đây. Nhưng chúng tôi cùng đồng lòng, nghĩ rằng đây là thử thách cần phải vượt qua. Hy vọng là thời gian tới, mọi thứ tốt hơn".

Anh Nguyễn Thế Tường (35 tuổi), phó giám đốc một công ty về thủ công mỹ nghệ ở P.Phước Long B, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho rằng: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những vướng mắc riêng trong chuyện kinh doanh. Có doanh nghiệp giải thể, có nơi tạm đóng cửa. Từ đó dẫn đến câu chuyện không ai muốn là phải cắt giảm nhân sự hoặc giảm thu nhập của người lao động. Và làn sóng giảm thu nhập ngày càng lan rộng. Tình trạng này cũng đang diễn ra ở công ty của tôi".

Anh Tường nói: "Rất khó để khuyên mọi người (bị giảm thu nhập, bị nghỉ việc – PV) nên làm gì trong trường hợp này. Có chăng là mong bình tĩnh đối diện, tìm cơ hội khác ở nơi mới. Sau đó làm việc chăm chỉ để có cuộc sống ổn định hơn".

Thức dậy, cảm thấy điêu đứng, lao đao vì… thu nhập giảm- Ảnh 4.

Nhiều người tìm công việc tay trái để có thêm tiền trang trải cuộc sống trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút

THANH NAM

Không ít người trẻ cho biết, vì "đang yên đang lành" tự nhiên bị giảm thu nhập, thậm chí bị "điểm tên" trong danh sách phải cắt giảm nhân sự đã khiến cuộc sống bị đổi chiều. Có người cảm thấy hoang mang, mất phương hướng, nghi ngờ về giá trị, năng lực bản thân. Cũng có người cho biết rơi vào trạng thái stress, ngột ngạt và chưa thể tìm được lối đi hợp lý trong thời gian tới. Lại có người cảm thán: "bây giờ phải làm sao?".

Nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý Lê Thành Tân, Trường ĐH Newcastle, Úc, chia sẻ: "Trong tình cảnh thu nhập bị giảm sút rõ rệt, có thể tận dụng sự đa nhiệm (tức làm được nhiều việc – PV) của bản thân để kiếm thêm thu nhập từ các công việc khác. Một người biết xoay trở, ứng biến linh hoạt sẽ dễ dàng thích nghi với những biến động trong thị trường việc làm. Có thể sử dụng tiền từng tích góp để trang trải đỡ trong thời gian thu nhập bị giảm sút. Cũng như biết cách chi tiêu "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm hơn. Ngoài ra, cần bình tĩnh "chuyển mình" bằng cách nâng cấp bản thân, học hỏi thêm kỹ năng, kiến thức, mở rộng các mối quan hệ… nếu có ý định tìm việc mới".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.