Thúc đẩy chăn nuôi an toàn, đảm bảo cung ứng thực phẩm dịp Tết

08/12/2021 11:11 GMT+7

Trong thời gian giãn cách phòng chống dịch Covid-19, việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá gia súc, gia cầm giảm sâu khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành chăn nuôi đã nỗ lực tái đàn, tăng đàn để đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Hiện dịch cúm gia cầm, viêm da nổi cục, tả lợn châu Phi… trên đàn gia súc gia cầm cơ bản được khống chế trên toàn quốc nhưng nguy cơ tái phát, lây lan trên diện rộng là rất cao. Nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống hiệu quả, để dịch bùng phát sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và thiếu hụt thực phẩm.

Đại diện Báo Thanh Niên tặng hoa các khách mời

Ngọc thắng

Liệu nguồn cung thịt, trứng, sữa… có được đảm bảo trong dịp tết, cần làm gì để chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả… đang là những câu hỏi rất thời sự. Báo Thanh Niên phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy chăn nuôi an toàn, đảm bảo cung ứng thực phẩm dịp Tết” để giải đáp những thắc mắc này.

Chương trình diễn ra lúc 14 giờ ngày 9.12.2021 trên Thanh Niên Online.

Các khách mời đến từ Cục Thú y, Cục Chăn nuôi cùng tham dự, tư vấn về các vấn đề nêu trên.

Mời bạn đọc quan tâm đến chương trình, vui lòng đặt câu hỏi tại box bên cạnh.

Giao lưu trực tuyến
Thúc đẩy chăn nuôi an toàn, đảm bảo cung ứng thực phẩm dịp Tết
Minh Giang
Minh Giang

Có nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm, lực lượng thú y hiện có đáp ứng được đòi hỏi của thực tế phòng , chống dịch cả về số lượng và năng lực , thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã tiến hành sắp xếp lại hệ thống thú y các cấp theo hướng giảm đầu mối, giảm số lượng người tham gia thực hiện công tác thú y (có trên 6.400 người nghỉ việc, chuyển việc), dẫn đến tình trạng không đủ lược lượng thú y.

Nhiều địa phương do sáp nhập với những chuyên ngành khác, lực lượng này không có chuyên môn, không có kinh nghiệm nên không đáp ứng được đòi hỏi của thực tế phòng chống dịch bệnh động vật.

Cụ thể, công tác giám sát, phát hiện bệnh, báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ, thậm chí nhiều nơi không thực hiện. Nhiều địa phương không còn lực lượng thú y cơ sở, thú y cấp xã để tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chính quyền địa phương và các cơ quan thú y địa phương cũng không nắm được thông tin dịch bệnh động vật xảy ra trên địa bàn để phối hợp, chỉ đạo chống dịch ngay khi ổ dịch mới xuất hiện.

Trên thực tế, một số cơ quan chức năng cấp trên chỉ nắm được thông tin ổ dịch sau khi cơ quan thông tấn báo chí đưa tin khi mà dịch bệnh đã lây lan rộng; hệ quả là dịch bệnh thường lây lan rộng, dây dưa, kéo dài (do bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh…) làm tăng chi phí và mất rất nhiều thời gian chống dịch.

Do thiếu lực lượng chuyên ngành nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không kịp thời, thiếu đồng bộ và không nhất quán; thiếu nhân viên thú y để tham mưu, tổ chức, chỉ đạo phòng chống dịch tại địa bàn huyện; gặp nhiều khó khăn trong việc điều động nhân viên thú y giữa các huyện để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trong địa bàn cấp tỉnh; khó khăn trong việc điều tra xác minh nguồn dịch, chia sẻ thông tin dịch bệnh giữa các huyện để cùng phối hợp xử lý hiệu quả các ổ dịch.

Đối với những xã có bố trí nhân viên thú y, phần lớn nhân viên thú y phải làm việc kiêm nhiệm những công việc khác của xã; thậm chí, có nơi còn bố trí người không có chuyên môn, bằng cấp về thú y làm nhân viên thú y xã.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa ngành y tế và ngành thú y đã được xác lập từ lâu trong phối hợp công tác quản lý nhà nước, ngành y tế có tổ chức bộ máy vững chắc từ trung ương đến cơ sở, có đủ công chức, viên chức, bác sĩ, nhân viên y tế đáp ứng yêu cầu công việc.

Ngành thú y, tổ chức bộ máy đã quy định trong luật, nay lại điều chỉnh và tinh giản biên chế dẫn đến thiếu hụt trong hoạt động công vụ. Vì vậy, công tác phối hợp giữa ngành thú y với ngành y tế trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người tại tuyến cơ sở gặp nhiều khó khăn; ngành y tế có trạm y tế xã, phường và đội ngũ cán bộ y tế đến cấp thôn bản, trong khi ngành thú y ở một số nơi, cấp xã không có nhân viên thú y, cấp thôn bản hầu như không có thú y cơ sở để triển khai các hoạt động phối hợp theo cách tiếp cận Một sức khỏe.

Để khắc phục tình trạng trên, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đặc biệt là Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030.

Ngày 25.11.2021, Thủ tướng tiếp tục có Chỉ thị số 32/CT-TTg chỉ đạo tập trung các nguồn lực tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22.3.2021 của Thủ tướng; khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt các dự án ưu tiên; duy trì, tăng cường hệ thống tổ chức của Cục Thú y theo quy định tại điều 6, luật Thú y, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18.6.2019 của Chính phủ và Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Văn Cương
Văn Cương

Xin chào khách mời! Năm 2021, trong cao điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn, giá bán xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ. Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, bước vào cuộc sống “bình thường mới”, chúng ta đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn. Xin ông cho biết kết quả tái đàn, tăng đàn trong thời gian vừa qua?

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn! Như quý độc giả đã biết, dịch Covid-19 đợt thứ 4 đã ảnh hưởng tiêu cực trên toàn cầu và Việt Nam, trong đó có ngành chăn nuôi.

Để ổn định sản xuất, chuẩn bị cung cấp cơ bản các sản phẩm thịt, trứng, sữa cho thị trường trong nước với 97 triệu dân trong những tháng cuối năm, dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y 63 tỉnh, thành triển khai việc tái đàn nhưng phải bảo đảm điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Kết quả chăn nuôi năm 2021, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân đạt khoảng 5 - 6%; sản lượng thịt các loại khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó: thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn (tăng 6%), sản lượng trứng khoảng 16 tỉ quả (tăng 7,5%), sản lượng sữa khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%).

Kiều Chinh
Kiều Chinh

Khi tái đàn, tăng đàn, theo ông, người chăn nuôi cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn dịch bệnh, đạt hiệu quả cao và tránh nguy cơ gặp khó về đầu ra của sản phẩm?

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)

Khi tăng đàn, tái đàn, người chăn nuôi phải cân nhắc kỹ các yếu tố về mặt kỹ thuật và thị trường. Cụ thể, về kỹ thuật cần lưu ý 4 điểm quan trọng sau:

Thực hiện cải tạo, nâng cấp chuồng trại, các biện pháp an toàn sinh học nếu cần.

Mua con giống an toàn ở các cơ sở giống có uy tín, có bảo đảm về chất lượng, an toàn dịch bệnh.

Mua hoặc phối trộn thức ăn bảo đảm an toàn.

Thực nghiêm nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, đặc biệt là an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn khi chưa có vắc xin thương mại phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, theo Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho trang trại quy mô vừa, nhỏ và chăn nuôi nông hộ tại Quyết định số 205 ngày 11.11.2021 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Về thị trường, người chăn nuôi cần thu thập thông tin ở các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy để làm cơ sở cân nhắc, xem xét nhu cầu thị trường đối với từng sản phẩm cụ thể.

Đặc biệt, người chăn nuôi cần lưu ý đến đặc thù tiêu dùng ở địa phương, nhu cầu các mặt hàng liên quan đến tết âm lịch, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của địa phương để có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường về số lượng, chất lượng, đúng thời điểm và bán được giá.

Tiến Dương
Tiến Dương

Cục Chăn nuôi có thường xuyên nắm bắt chính xác cung - cầu để điều tiết kịp thời, gắn sản xuất với thị trường, tránh những cú sốc thừa - thiếu, nhất là trong các dịp cao điểm, trong đó có tết nguyên đán, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)

Nắm bắt cung - cầu thị trường là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của Cục Chăn nuôi. Hằng tháng, Cục nhận được báo cáo về giá thành sản phẩm chăn nuôi của các chi cục Chăn nuôi và Thú y của đa số các tỉnh, thành. Đây là nguồn số liệu quan trọng kết hợp với các số liệu, thông tin từ Tổng cục Thống kê, Trung tâm Tin học, thống kê của Bộ NN-PTNT và nhiều nguồn tin cậy trong nước cũng như quốc tế, gắn với các phần mềm công nghệ, thuật toán để có thể dự báo nhu cầu sát hơn giữa sản xuất chăn nuôi và thị trường.

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), trả lời độc giả Thanh Niên

ngọc thắng

Hiện nay, Cục Chăn nuôi đang thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong chăn nuôi và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi để có thể dự báo sát hơn vấn đề cung cầu sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới.

Lý Lan
Lý Lan

Xin ông cho biết, nguồn cung thịt lợn và các sản phẩm từ lợn trong dịp tết Nguyên đán 2022 có đảm bảo, liệu có xảy ra tình trạng thiếu thịt lợn và giá lại tăng cao?

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)

Thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn là những món ăn truyền thống của người Việt, kể cả ngày thường cũng như ngày lễ, tết. Tổng sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước năm 2021 đạt khoảng 3,82 triệu tấn, đáp ứng cơ bản như cầu tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, việc tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi nói chung, sản phẩm thịt lợn nói riêng, trong dịp cuối năm, tết Nguyên đán có thể tăng thêm từ 10 - 15% so với những tháng bình thường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam kiểm tra nguồn cung thực phẩm tại TP.HCM

Mard

Để chủ động ổn định thị trường tiêu thụ thịt lợn dịp cuối năm, ngành chăn nuôi đã thông qua 3 phương án: đánh giá sát việc giảm tiêu thụ thịt lợn của thị trường trong nước, nguyên nhân do tạm dừng hoạt động các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, du lịch và giảm thu nhập của người lao động do giãn cách trong khi tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới theo chỉ đạo của Chính phủ; kết quả đạt được về tăng đàn, tái đàn lợn vào cuối năm 2021; và sẵn sàng có kế hoạch nhập khẩu thịt lợn từ các nước khác nhau nếu có tín hiệu tăng giá cao có hệ thống của thị trường.

Từ những nhận định trên, Cục Chăn nuôi dự báo dịp cuối năm, tết Nguyên đán, giá thịt lợn có thể tăng nhẹ cục bộ ở một số địa phương tại một số thời điểm trước và sau tết Nguyên đán, nhưng cơ bản sản xuất, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Ngọc Huyền
Ngọc Huyền

Xin chào khách mời ! Xin ông cho biết tình hình cung ứng các thực phẩm khác như thịt gia cầm, thị gia súc ăn cỏ, trứng sữa… trong dịp tết Nguyên đán 2022 như thế nào?

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)

Kết quả chăn nuôi năm 2021 đối với thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn (so với năm 2020 tăng 5,8%); thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn (tăng 6%); sản lượng trứng khoảng 16 tỉ quả (tăng 7,5%); sản lượng sữa khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%).

Tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng nội địa trong dịp tết Nhâm Dần. Thêm nữa, nguồn nhập khẩu cũng có thể bổ sung nếu thị trường trong nước thiếu nhiều.

Qua những số liệu trên cho thấy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn cung về sản phẩm thịt gia cầm trứng, sữa trong dịp tết năm nay.

Bình Minh
Bình Minh

Trong rổ thực phẩm tiêu dùng của các gia đình, thịt lợn vẫn đang chiếm trên 70%, điều này nhiều khi tạo áp lực quá lớn đến cung - cầu của ngành chăn nuôi lợn, gây nhiều hệ lụy. Chúng ta cần làm gì để thay đổi “thói quen mất cân đối” này thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)

Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn là những món ăn truyền thống, phổ biến của người Việt. Sự lựa chọn loại thịt nào là quyền của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để giảm tỷ trọng tiêu dùng thịt lợn xuống còn 63 - 65% so với tổng lượng thịt, đáp ứng mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, được Thủ tướng phê duyệt, chúng ta cần thực hiện các giải pháp chính sau:

Tăng tiêu dùng thịt gia cầm thông qua chế biến sâu, thức ăn đã chín, thức ăn ngay… do thịt gia cầm có chi phí thức ăn chăn nuôi, chi phí xử lý chất thải chăn nuôi gia cầm thấp hơn so với chăn nuôi lợn tinh trên một đơn vị sản phẩm thịt hơi.

Thịt lợn vẫn chiếm 70% trong rổ thực phẩm của người tiêu dùng

N.Nga

Đa dạng hóa sản phẩm thịt gia cầm, đặc biệt là sản phẩm thịt, trứng các giống bản địa, gà lông màu được người tiêu dùng Việt yêu thích.

Tăng cường chăn nuôi, chế biến các sản phẩm thịt gia súc ăn cỏ, sữa, sản phẩm sữa phục vụ tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn và tuyên truyền tới người tiêu dùng, nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu, phân biệt được sản phẩm chăn nuôi thông thường, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sinh thái, sản phẩm chăn nuôi phát thải thấp gắn với giá trị bảo vệ môi trường, sinh thái. Mỗi sản phẩm ngoài giá trị kinh tế, còn gắn với giá trị bản địa, văn hóa, lịch sử và yếu tố bảo vệ môi trường, sinh thái kết tính trong mỗi sản phẩm.

Người tiêu dùng cần nhận thức và phân biệt được các thuộc tính đặc trưng của thịt nóng, thịt mát, thịt đông lạnh gắn với vấn đề dinh dưỡng, an toàn ở trong các hình thức bảo quản. Từ đó, từng bước có sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng chuyển từ hình thức thịt nóng sau giết mổ theo truyền thống sang tiêu dùng thịt mát, thịt đông lạnh được bảo quản, chế biến theo đúng quy định.

Duy Thái
Duy Thái

Chăn nuôi an toàn sinh học giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Cục Chăn nuôi thời gian qua có xây dựng và phổ biến các mô hình chăn nuôi an toàn tới người chăn nuôi, nhất là khi chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao?

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)

Chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh là điều kiện tiên quyết bảo đảm chăn nuôi thành công, hiệu quả trong bối cảnh có nhiều dịch bệnh nguy hiểm, chưa được kiểm soát hiệu quả, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, khi chưa có vắc xin thương mại.

Chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn sinh học giúp kiểm soát được dịch bệnh

n.h

Hơn nữa, chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỷ lệ lớn như chăn nuôi gia cầm chiếm tới gần 55%, chăn nuôi lợn chiếm khoảng 45%. Tỷ lệ chăn nuôi an toàn sinh học trên lợn mới chiếm gần 12% về số hộ và 11% về sản phẩm.

Để hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi về an toàn sinh học, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã ban hành Quyết định số 205 ngày 11.11.2021 về Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho trang trại quy mô vừa, nhỏ; và chăn nuôi nông hộ trên cơ sở tổng hợp các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đã triển khai ở một số tỉnh, thành, trên một số vật nuôi chính.

Trong thời gian tới, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả hơn, các hình thức tập huấn, truyền thông, phổ biến sẽ được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả hình thức trực tuyến.

Thông qua các cơ sở khuyến nông các cấp, các mô hình khuyến nông về chăn nuôi an toàn sinh học ở các đối tượng vật nuôi khác nhau sẽ được xây dựng, củng cố và mô hình hóa để trình diễn, và tài liệu hóa thành quy trình phù hợp để hướng dẫn phát triển chăn nuôi nông hộ bền vững hơn.

Thu Trang
Thu Trang

Trong thời gian qua, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì ổn định. Thưa ông, đây có phải là hướng đi chúng ta cần tập trung trong thời gian tới và cần làm gì để thúc đẩy chăn nuôi lớn?

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)

Đây cũng là cách tiếp cận đề ra trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng phê duyệt.

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi

Ngọc Thắng

Để phát triển bền vững chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chúng ta cần những chính sách, giải pháp đồng bộ như: có chính sách đột phá để các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi về đất đai để đầu tư quy mô lớn đồng bộ về công nghệ cao trong chăn nuôi, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi; cải tiến đồng bộ quy trình, thủ tục hành chính trong đầu tư và đánh giá tác động môi trường đối với cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến mới; hỗ trợ thông qua giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại cho các doanh nghiệp chăn nuôi tiết kiệm nước, chăn nuôi giảm phát thải, chăn nuôi không phát thải, chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái.

Bên cạnh đó, cần phát triển liên kết sản xuất thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, chăn nuôi gia công để tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết chuỗi với các doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi; đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mà Việt Nam có thế mạnh.

Việt Tuấn
Việt Tuấn

Giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng phi mã dẫn đến giá thành thức ăn chăn nuôi tăng theo, khiến doanh nghiệp và người chăn nuôi thêm phần khó khăn trong khi đang bước vào mùa sản xuất cao điểm cuối năm. Trước mắt, theo ông , cần gỡ khó cho người chăn nuôi như thế nào và về lâu dài thì chúng ta cần làm gì để xóa bỏ tình trạng lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài trong khi Việt Nam có những lợi thế phát triển ở lĩnh vực này?

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT)

Đây là một vấn đề khó và mang tính chiến lược đối với sản xuất thức chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam, ảnh hướng đến sức cạnh tranh của ngành. Về mặt chính sách, Cục Chăn nuôi đã trình bộ Bộ NN-PTNT có văn bản gửi Chính phủ về đề xuất giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, cụ thể ngô giảm từ 5% xuống 0%; đậu tương giảm từ 3% xuống 0%.

Ngày 15.11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP .

Giải bài toán phụ thuộc nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang là thách thức đối với ngành nông nghiệp nước ta

Ngọc thắng

Theo nghị định này, mức thuế suất thuế nhập khẩu của lúa mì giảm từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước trước sức ép của việc tăng giá nguyên liệu.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Chăn nuôi đang xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030 được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6.10.2020.

Để thực hiện Chiến lược này, 5 đề án về công nghiệp hóa giống vật nuôi, công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp hóa giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, công nghiệp hóa chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi và khoa học, đổi mới khoa học, công nghệ trong ngành chăn nuôi, trong đó Đề án Công nghiệp hóa sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ đưa ra nhứng giải pháp tổng thể để đổi mới ngành này, có giải pháp giảm một phần vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Về mặt kỹ thuật chăn nuôi, các hộ chăn nuôi cần sử dụng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương như cám, ngô, sắn… tự phối trộn với thức ăn đậm đặc để giảm giá mua thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, lợn cần đầu tư công nghệ hiện đại để có thể dự trữ thức ăn. Bằng cách này sẽ giảm giá thức ăn chăn nuôi qua việc tiết kiệm bảo gói, nhãn mác và hoa hồng từ các đại lý phân phối các cấp.

Về quy hoạch vùng nguyên liệu, cần có chính sách, thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tích tụ đất nông nghiệp đủ thành cánh đồng mẫu lớn để áp dụng khoa học, công nghệ trong khẩu giống (phải trồng ngô biến đổi gen có năng suất cao), cơ giới hóa đồng bộ để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối làm thức ăn cho chăn nuôi.

Về chế biến phụ phẩm nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trong đó có Cục Chăn nuôi xây dựng chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân, các mô hình liên kết sản xuất để đầu tư công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để thu gom, sơ chế, chế biến sâu, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuô côn trùng để lấy protein thay thể cho bột cá, khô dầu và sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua tiêu hóa của côn trùng

Về cơ cấu sản phẩm chăn nuôi, trong chiến lược lâu dài cần giảm tỷ trọng thịt lợn, tăng thịt gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ. Hiện nay, tiêu dùng thịt ở nước ta khác biệt so với phần lớn của thế giới, khi thịt lợn chiếm tới 70%, thịt gia cầm 20% và thịt gia súc ăn cỏ, thịt khác các loại chiếm 10%, trong khi thế giới tiêu thụ 40% là thịt gia cầm, 30% là thịt lợn và 30% là thịt bò.

Khánh Chi
Khánh Chi

Cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng đã có công điện về việc tăng cường công tác phòng , chống dịch tả lợn châu Phi, một loại dịch bệnh có sức tàn phá rất ghê gớm. Xin ông cho biết, các địa phương, lực lượng thú y đã triển khai phòng dịch, dập dịch như thế nào, hiện dịch bệnh nguy hiểm này đã được khống chế?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Xin chào bạn! Về câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau: Chúng tôi ghi nhận, hầu hết các địa phương, các doanh nghiệp và người chăn nuôi đã chủ động triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần của Chính phủ, Bộ NN-PTNT. Nhờ đó, tuyệt đại đa số (trên 99%) đàn lợn của nước ta an toàn với bệnh dịch tả lợn châu Phi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho tiêu dùng trong nước và phục hồi xuất khẩu.

Hiện nay, các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi được thực hiện theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7.7.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2025”; các văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, bao gồm đầy đủ các giải pháp kỹ thuật và quản lý trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Trong năm nay, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, các đơn vị thuộc Cục Thú y thường xuyên, liên tục thành lập hơn 80 đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Bộ NN-PTNT đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó có chỉ thị số 6477/CT-BNN-TY ngày 8.10.2021 của Bộ trưởng về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Trong tháng 11.2021 đã ban hành 7 văn bản yêu cầu UBND các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi (Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk) tập trung khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát, dây dưa kéo dài, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tính từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại trên 2.400 xã của 58 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 260.000 con lợn, chiếm 0,97% tổng đàn lợn hơn 28 triệu con hiện nay. Dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Thống kê, hiện nay cả nước có 899 ổ dịch tại 228 huyện của 43 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Ngân Khánh
Ngân Khánh

Ngoài dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh nguy hiểm khác vẫn xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm ở nước ta. Xin khách mời đánh giá về nguy cơ tái phát, tái bùng phát dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, lợn tai xanh trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Trong năm 2021, nước ta tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục... Do đã kịp thời áp dụng đồng bộ các giải pháp, nhất là vắc xin phòng bệnh, nên đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Dệnh dịch tả lợn châu Phi và nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác cơ bản cũng được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng đàn, tái đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Văn Long (bên phải), Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến

Ngọc thắng

Qua thống kê, tổng đàn gia cầm tăng và đạt hơn 523 triệu con; đàn lợn tăng và đạt hơn 28,02 triệu con; đàn gia súc ăn có cũng đạt hơn 13 triệu con; sữa và trứng đều tăng.

Tuy nhiên, chúng tôi phải lưu ý rằng, trong thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan diện rộng là rất cao, do một số nguyên nhân chính như sau.

Thứ nhất, các loại mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Thứ hai, nước ta có đường biên giới với các nước rất dài; các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giao lưu thương mại của người dân Việt Nam với các nước rất đa dạng, nhưng đây cũng là mối nguy dẫn đến dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.

Thứ ba, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn; nhiều hộ chăn nuôi chưa đảm bảo điều kiện và chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng bệnh, tiêm phòng bệnh (đối với những bệnh đã có vắc xin)

Thứ tư, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp tết Nguyên đán hàng năm.

Thứ năm, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều, rét...

Thứ sáu, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tại địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nên việc quản lý, đăng ký kê khai chăn nuôi từ cấp xã thực hiện chưa tốt, một bộ phận người chăn nuôi còn chậm báo cáo dịch.

Thứ bảy, hệ thống thú y các cấp thay đổi, có hơn 6.400 người làm công tác thú y nghỉ việc, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật.

Thùy Linh
Thùy Linh

Viêm da nổi cục trên gia súc, một loại dịch bệnh mới, phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam hồi tháng 10.2020, nhưng lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Xin ông cho biết cách nhận biết gia súc mắc bệnh và chúng ta có thể đối phó với dịch bệnh này bằng những vũ khí hữu hiệu nào?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có một số đặc điểm lâm sàng dễ nhận biết như hình thành các nổi cục trên da, đặc biệt là những vùng da mỏng như cổ, bụng, sau đó lan tỏa ra khắp thân. Khi ấy, trâu, bò thường sốt cao, có thể trên 41 độ C, sưng hạch bạch huyết bề mặt.

Đối với bò khai thác sữa thì sản lượng sữa giảm năng suất rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; suy nhược, bỏ ăn và hốc hác; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y

ngọc thắng

Ngoài ra, có một số triệu chứng lâm sàng như: hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ, sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc, tròn và nhô cao, liên quan đến da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.

Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi.

Các chân và các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời; bò cái mang thai có thể sảy thai.

Để phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, giải pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin ngừa viêm da nổi cục cho đàn trâu bò. Hiện nay, nhiều địa phương sử dụng vắc xin viêm da nổi cục đã kiểm soát được dịch bệnh, trong tháng 11 và 12 gần như không phát sinh ổ dịch mới.

Đặc biệt, giải pháp này có chi phí sử dụng vắc xin rất thấp (khoảng 35.000 đồng/liều vắc xin), rất hiệu quả so với giá trị lớn của trâu, bò (trung bình trên 15 triệu đồng/con gia súc).

Duy Khang
Duy Khang

Việt Nam từng gặp khó khăn khi thiếu cơ chế để nhập vắc xin phòng dịch viêm da nổi cục khiến dịch bệnh lây lan phức tạp tại nhiều địa phương. Hiện chúng ta đã khắc phục được việc này và nguồn vắc xin cho phòng dịch có đủ đáp ứng nhu cầu chống dịch trên cả nước?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Xin khẳng định với bạn và độc giả Báo Thanh Niên, Việt Nam không thiếu cơ chế để nhập khẩu vắc xin viêm da nổi cục.

Cụ thể, theo quy định tại mục a khoản 6 điều 15 của luật Thú y, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quyết định sử dụng thuốc thú y chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp, để kịp thời phòng, chống dịch bệnh động vật.

Ngay từ khi dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra lần đầu tiên tại nước ta, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp theo quy định 3 loại vắc xin với số lượng hơn 11 triệu liều, đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của các địa phương. Do đó, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh này trong vòng chưa đầy 1 năm. Đến nay, cả nước chỉ còn 56 ổ dịch tại 11 tỉnh có bệnh viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày.

Bên cạnh đó, Cục Thú y chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Kết quả ban đầu cho thấy vắc xin có khả năng đáp ứng miễn dịch và bảo hộ tốt, phòng được bệnh do chủng vi rút lưu hành tại Việt Nam.

Hiện nay đang tiến hành khảo nghiệm, hoàn thiện thủ tục đăng ký lưu hành vắc xin sản xuất trong nước, dự kiến trong năm 2022 sẽ có vắc xin đăng ký lưu hành. Như vậy, trong thời gian tới, nguồn vắc xin viêm da nổi cục đủ đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trên cả nước.

Gia Bảo
Gia Bảo

Hồi tháng 6.2021, lần đầu tiên Việt Nam phát hiện chủng vi rút cúm gia cầm H5N8, với các ổ dịch tại Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh. Đây là chủng vi rút có động lực cao, lây lan nhanh. H5N8 có lây sang người và lây từ người sang người hay không ? Ông có khuyến cáo gì trong việc phòng chống cúm gia cầm nguy hiểm này?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Trong 11 tháng năm 2021, cả thế giới có trên 3.400 ổ dịch cúm gia cầm, trong đó có 57% số ổ dịch do vi rút cúm H5N8 gây ra.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tháng 2 có 7 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ; đến nay chưa có bằng chứng về vi rút cúm gia cầm A/H5N8 lây từ người sang người.

Từ tháng 6 đến nay, vi rút H5N8 đã gây ra 22 ổ dịch tại 13 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 38.000 con gia cầm, nhưng chưa có bất kỳ người nào nhiễm vi rút.

Hiện nay, các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm được thực hiện theo Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13.2.2019 của Thủ tướng phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”; Công điện số 163/CĐ-TTg ngày 8.2.2021 của Thủ tướng về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; các văn bản của Bộ NN-PTNT, trong đó lưu ý một số biện pháp kỹ thuật quan trọng,

Cụ thể, chăn nuôi an toàn sinh học, hàng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh và chủ động phòng bệnh.

Tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.

Chủ động giám sát phát hiện ổ dịch, mầm bệnh, cảnh báo sớm, ứng phó kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi mới xuất hiện, khi còn ở phạm vi nhỏ; báo cáo cho cơ quan thú y, chính quyền.

Người dân không bán chạy, không vứt xác gia cầm chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và chủ động phòng bệnh của chủ gia cầm.

Duy Nhất
Duy Nhất

Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc , gia cầm bùng phát, bảo đảm sản xuất an toàn, cung ứng đủ thực phẩm trong dịch tết Nguyên đán 2022 thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Cục Thú y nhận thấy các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ xảy ra vào những tháng cuối năm 2021 và 2022 là rất cao, đặc biệt là sau các cơn bão số 7 và số 8, lũ lụt ở miền Trung và trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Do đó, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT báo cáo, đề xuất Thủ tướng để ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25.11.2021 và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã có Chỉ thị số 6477/CT-BNN-TY ngày 8.10.2021 chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh các tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra công tác tái đàn, phòng chông dịch bệnh tại Hà Nội

V.G

Cục Thú y đề nghị những nội dung trọng tâm cần làm gồm:

Các địa phương cần chủ động bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Các địa phương tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục... Bởi đây là các bệnh do vi rút gây ra, do đó, tiêm vắc xin là giải pháp bắt buộc, chi phí rẻ nhất, hiệu quả nhất.

Người chăn nuôi cần tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.

Cơ quan thú y địa phương và người chăn nuôi cần chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Người chăn nuôi thường xuyên tổ chức vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

Cơ quan chức năng các địa phương tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Các địa phương thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đồng thời bảo đảm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

Đồng thời, tập trung các nguồn lực tổ chức thực hiện đề án: Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22.3.2021 của Thủ tướng; khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt các dự án ưu tiên; duy trì, tăng cường hệ thống tổ chức của Cục Thú y theo quy định tại điều 6 luật Thú y, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18.6.2019 của Chính phủ và Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đình Ba
Đình Ba

Dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện từ nhiều năm trước, gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Liệu chúng ta có thanh toán được các loại dịch bệnh nguy hiểm này không, nếu không thì cần làm gì để “sống chung” một cách an toàn nhất với chúng?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Nước ta có có đặc điểm chung đường biên giới dài với các nước; chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, trong khi điều kiện và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế ở nhiều nơi; nhiều loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ khá cao; nhiều nơi, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm chưa đạt được tỷ lệ cần thiết để bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất

Gang Phương

Do đó, trong giai đoạn trước mắt, chúng ta cần tập trung các nguồn lực để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để lây lan diện rộng; đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để có cơ sở hướng tới thanh toán được một số dịch bệnh hoặc sống chung an toàn với các loại dịch bệnh.

Để làm được điều đó, Cục Thú y đã báo cáo các cấp trình Thủ tướng phê duyệt, chỉ đạo triển khai 7 đề án, chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật như cúm giá cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, bệnh dại, viêm da nổi cục, dịch bệnh thủy sản.

Duy Phước
Duy Phước

Vắc xin được xem là vũ khí quan trọng nhất trong khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm. Thưa ông, Việt Nam đã chủ động được những loại vắc xin nào; công tác nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin khác để tự chủ trong phòng , chống dịch đang được triển khai ra sao?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Qua theo dõi, kiểm tra tình hình dịch bệnh trong thời gian qua đối với các ổ dịch bệnh xảy ra tại các đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ, các địa phương có tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng thấp. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng gia súc, gia cầm không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ là do:

Thứ nhất, người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh nên không chủ động, phối hợp trong triển khai tiêm phòng.

Thứ hai, một số địa phương còn lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không kịp thời, thiếu đồng bộ và không nhất quán; thiếu nhân viên thú y để tham mưu, tổ chức, chỉ đạo phòng chống dịch tại địa bàn huyện; gặp nhiều khó khăn trong việc điều động nhân viên thú y giữa các huyện để hỗ trợ công tác tiêm phòng trong địa bàn cấp tỉnh; công tác tiêm phòng vắc xin không đồng bộ giữa các huyện.

Thứ ba, hệ thống thú y các cấp của địa phương bị thay đổi, thiếu về số lượng, nhiều nơi không đủ nhân lực để triển khai tiêm phòng, nên phải bố trí người không có chuyên môn, thiếu kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ tiêm phòng, dẫn đến tình trạng tiêm phòng không đảm bảo kỹ thuật, không đầy đủ.

Cẩm Vân
Cẩm Vân

Ngoài vắc xin, kiểm soát giết mổ… thì chăn nuôi an toàn sinh học đem lại hiệu quả phòng dịch rất cao. Xin ông cho biết, những biện pháp an toàn sinh học nào cần áp dụng tại trang trại , nông trại để phòng , chống các dịch bệnh nguy hiểm tấn công đàn trâu, bò, lợn, gà?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Nói về chăn nuôi an toàn sinh học thì có vẻ trừu tượng, thực tế cũng chỉ phần lớn áp dụng được tại các cơ sở chăn nuôi trang trại, cơ sở có điều kiện; nhưng các biện pháp chủ động vệ sinh, sát trùng phòng bệnh thì mọi người chăn nuôi có thể áp dụng được.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y

ngọc thắng

Cụ thể là rà soát điều kiện cơ sở chăn nuôi, các dãy chuồng nuôi bảo đảm sạch sẽ, hàng ngày dễ vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; có biện pháp như lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi, gián…).

Hàng ngày thực hiện việc vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi; quần áo bảo hộ riêng biệt,….

Con giống mua về phải có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ cơ sở, vùng không có dịch bệnh; phải được tiêm vắc xin phòng các bệnh; nên nuôi cách ly.

Thức ăn phải bảo đảm an toàn; trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt bảo đảm tiêu diệt mầm bệnh, nếu có.

Người chăn nuôi phải ghi chép các hoạt động chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Chính quyền địa phương cần hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, điểm buôn bán động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn huyện. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng đột xuất tại ổ dịch và các vùng lân cận khi có dịch bệnh xảy ra.

Sử dụng các loại hóa chất được phép lưu hành để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc Cục Thú y, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh.

Thanh Tùng
Thanh Tùng

Nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm đem theo mối nguy lây lan dịch bệnh. Lực lượng thú y và các địa phương đang dập mối nguy này như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Thực tế, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu có nguy cơ rất cao các loại mầm bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam như cúm gia cầm (H5N1, H5N6, H5N8), dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, tai xanh…

Để khắc phục tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm, đòi hỏi không chỉ sự tham gia của lực lượng thú y mà cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm ra, vào Việt Nam.

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) các cấp có các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm ra, vào Việt Nam.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở… với các nước.

Trường hợp bắt được các lô hàng gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm vận chuyển ra, vào Việt Nam bất hợp pháp thì phải xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trái phép, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Chúng ta cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân khu vực biên giới biết rõ tác hại của dịch bệnh và không tham gia vào các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

Đức Quý
Đức Quý

Tại nơi này, nơi khác đã xảy ra việc lơ là trong phòng chống dịch, thậm chí còn giấu dịch , giết mổ và bán thịt gia súc , gia cầm mắc bệnh . Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý các hành vi vi phạm trong phòng , chống dịch như thế nào? Theo ông, các chế tài đã đủ sức răn đe?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Về cơ sở pháp lý, chúng ta đã có đầy đủ các quy định, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó có các quy định rất cụ thể đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tiễn việc tổ chức triển khai còn nhiều khó khăn.

Thứ nhất, người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện chưa đáp ứng được nên dịch bệnh xảy ra nhiều, việc tổ chức triển khai phòng, chống, báo cáo thậm chí là giấu dịch vẫn còn xảy ra một số nơi nhưng không phải là phổ biến.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (bên phải), trả lời câu hỏi của bạn đọc

ngọc thắng

Thứ hai, mặc dù công tác thông tin truyền đã được đẩy mạnh, nhận thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh đã tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số người dân vì lợi ích kinh tế trước mắt nên chưa thực tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống, vẫn còn giấu dịch, vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Trước thực trạng đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương chấn chỉnh; thành lập các đoàn kiểm tra xuống các điểm nóng để kịp thời nhắc nhở, không để tái diễn tình trạng vi phạm.

Thứ ba, thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương đã thực hiện sáp nhập cơ quan thú y, nhất là cấp huyện thành trung tâm dịch nông nghiệp, cả nước có trên 6.400 người làm công tác thú y nghỉ việc, chuyển việc dẫn đến thiếu lực lượng có chuyên môn, nghiệp vụ theo dõi dịch bệnh. Trong khi, lực lượng của trung tâm dịch vụ nông nghiệp không thuộc quản lý cơ quan chuyên ngành thú y để thực hiện việc lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y hoặc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo quy định, tại khoản 5 điều 6 của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định mức xử phạt "từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền". Mức phạt này áp dụng đối với cá nhân, còn tổ chức thì mức phạt gấp đôi.

Trong trường hợp hành vi vi phạm này mà gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng còn bị khởi tố hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh theo quy định của bộ luật Hình sự năm 2018.

Tương tự, các hành vi vi phạm "vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh dịch đã công bố trong vùng dịch uy hiếp, vùng đệm" đều có mức xử phạt cao bên cạnh xử phạt tiền, thì còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh quy định tại của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP; và nếu gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng còn bị khởi tố hình sự.

Phương Thanh
Phương Thanh

Kiểm soát tốt việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm sẽ góp phần phòng , chống dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, các khâu này hiện vẫn còn nhiều bất cập khi đa phần các cơ sở giết mổ đều nhỏ lẻ. Xin ông cho biết, chúng ta cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN & PTNT)

Hiện nay, cả nước có gần 500 cơ sở giết mổ động vật quy mô tập trung, còn lại khoảng 24.000 cơ sở giết mổ động vật quy mô nhỏ lẻ; hầu như xã nào cũng có, nhưng điều kiện của các cơ sở nhỏ lẻ thường rất hạn chế, chưa bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, khó khăn cho công tác kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh (nếu có)...

Chúng ta đang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025; khoảng 70% và 50% vào năm 2030

Giang phương

Mặc dù vậy, do kiểm soát tốt được các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nên trên 95% tổng đàn vật nuôi của chúng ta an toàn với các bệnh; việc giết mổ số gia súc, gia cầm này tại các cơ sở cũng giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để từng bước khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, Bộ NN-PTNT đã trình Quốc hội để thông qua luật Thú y, sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều tại luật Quy hoạch, cụ thể có quy định về mạng lưới cơ sở giết mổ động vật.

Thực hiện quy định của pháp luật, đến nay hầu hết các địa phương đã có đề án, kế hoạch về mạng lưới giết mổ động vật; đồng thời định hướng, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư quy mô hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại như: Masan, CP Việt Nam, GreenFeed, Dabaco...

Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án 414, trong đó chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giết mổ động vật cần đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thú y, phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Mục tiêu là phấn đấu tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025; khoảng 70% và 50% vào năm 2030; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 - 30% vào năm 2025; từ 40 - 50% vào năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.