Ví dụ xấu trong "báo cáo tổng kết"
Báo cáo Kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng ký, đã đưa ra một số ví dụ xấu trong việc quản lý loại tiền này. Đó là việc một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, dẫn đến tiền bị cho vay, rồi bị lừa; di tích giữ tiền mặt nên dễ dàng bị phá hòm lấy tiền; cá biệt có trường hợp chính người của ban quản lý di tích trộm tiền công đức.
Theo đó, việc giao tiền công đức di tích cho cá nhân gửi tiết kiệm xảy ra tại đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh; Phủ Tây Hồ, Đền Rừng (Hà Nội) và đền chùa Cái Tắt (Hải Phòng). Đáng chú ý, Ban quản lý Đền Rừng giao số tiền tích lũy trong nhiều năm cho thủ quỹ đứng tên gửi tiết kiệm dẫn đến bị lừa mất 5,6 tỉ đồng. Việc giữ tiền mặt rồi dẫn tới bị mất trộm được nêu là đã xảy ra ở di tích Truông Bồn (Nghệ An) với số tiền 107 triệu đồng, chùa Trúc Am (Hải Phòng) 100 triệu đồng, chùa Tứ Giáp (Bắc Giang) 100 triệu đồng…
Cũng có một số vụ việc khác xảy ra liên quan đến tiền công đức nhưng không có trong báo cáo, tuy nhiên lại nổi tiếng trong cộng đồng. Một trong số đó là việc nhà tu hành Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng (Vĩnh Phúc), hoàn tục khi tự thấy mình không xứng đáng làm người xuất gia. Khi xin hoàn tục, ông xin Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc cho giữ lại toàn bộ tài sản tiền tỉ đứng tên mình, trong đó có diện tích lớn đất ruộng mua của người dân xung quanh chùa. Hay sư Thích Minh Phượng ở làng Chàng Sơn (H.Thạch Thất, Hà Nội) bị dân làng "trả về" cho giáo hội vì có nhiều việc không đúng đạo đức. Rời đi, nhưng ông Phượng vẫn mang theo chiếc ô tô mà người dân tặng. Dân làng muốn giữ xe lại cho chùa làng nhưng không được vì xe đứng tên ông Phượng.
Báo cáo nói trên cũng cho biết, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu thu chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo.
Bộ Tài chính cũng đánh giá: "Mặc dù còn nhiều di tích chưa báo cáo, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, nhưng với tổng số thu 4.100 tỉ đồng trong năm 2023 (không bao gồm tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo) cho thấy người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội".
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý tiền công đức, tài trợ tại di tích
Minh bạch và e ngại
Mới nhất, ngày 8.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên toàn quốc. Đây là các hoạt động liên quan đến triển khai các quy định tại Nghị định số 110/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, Thông tư 04/2023 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân. Góp phần giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho biết từ trước tới nay Bộ VH-TT-DL có nhiều văn bản quy định liên quan đến tiền công đức. "Theo đó, có quy định rõ hòm công đức được đặt chỗ nào. Chúng ta khuyến khích các khoản tiền được trao tại các bàn ghi công đức, trao cho người quản lý, không khuyến khích đặt lên ban thờ hoặc gài vào tay tượng gây phản cảm. Hằng năm, Bộ VH-TT-DL vẫn có văn bản để nhắc nhở, kiểm tra việc đặt hòm công đức, nếu không cũng dễ có tình trạng tự phát", bà Hiền nói.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết về việc minh bạch và quản lý thu chi tiền công đức, Thông tư 04 chạm vào vấn đề khó, đó là tiền công đức bản chất là quan hệ dân sự. Nhà nước chỉ có thể giám sát chi tiêu có hợp lý, minh bạch hay không, chứ không thể bắt tiền đó chi gì, hoặc không chi gì. "Nhà nước chỉ có thể quản lý tiền công đức ở di tích sở hữu toàn dân thôi, chứ di tích tư nhân hay di tích tôn giáo tín ngưỡng là chuyện khác", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, hiện tại việc thực hiện Thông tư 04 bị vướng ở chỗ các di tích lại nghi ngờ chủ trương của Nhà nước, họ nghĩ Nhà nước muốn quản lý tiền công đức của mình, trong khi Nhà nước không thể và cũng không muốn làm điều đó. Có trường hợp, vì lo Nhà nước quản lý tiền của mình nên "người ta cũng không muốn kê khai minh bạch".
"Đấy là lý do từ năm 1957 chúng ta đã ra thông tư đầu tiên về quản lý tiền công đức trong lễ hội rồi, nhưng phải tới năm ngoái mới ra được Thông tư 04", PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói và phân tích thêm: "Người dân khi làm công đức ở di tích này thì Nhà nước không thể lấy tiền cho di tích này chuyển cho di tích khác. Nhưng trước giờ với di tích thuộc sở hữu toàn dân, tiền công đức vẫn chuyển vào kho bạc, sau đó trên cơ sở đó làm kế hoạch lên dự trù kinh phí rồi mới chuyển lại. Vẫn xảy ra chuyện tiền thu vào kho bạc thì dễ, chuyển ra cho di tích thì khó. Cũng có người dân cúng tiền cho di tích do uy tín cá nhân của người ở di tích đó, người cúng chỉ muốn đưa cho người ấy…".
Theo PGS-TS Sơn, cần thông tin, truyền thông minh bạch là Nhà nước không lấy khoản tiền công đức này, mà tiền đó vẫn của di tích, cộng đồng. Cần nói rõ Nhà nước chỉ khuyến khích công khai, minh bạch và việc này chỉ tốt cho di tích. Điều này phải mất một thời gian, vì hiện nhiều nơi chưa đủ niềm tin, một thời gian sau sẽ tốt lên.
Mở sổ, ghi biên lai, "hỗ trợ nhang đèn" cho nhà sư
Theo ông Trần Quốc Việt, Phó trưởng ban thường trực Ban quản trị miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), tiền công đức có sổ sách theo dõi. Khi mở thùng công đức có lực lượng chức năng giám sát, sau kiểm đếm, tiền được chuyển vào tài khoản của miếu tại kho bạc. Nguồn công đức được chi vận hành hoạt động, tu bổ di tích, hỗ trợ TP.Châu Đốc xây dựng đường sá, trường học, thực hiện an sinh xã hội. Hằng năm có kế hoạch thu chi cụ thể. Miếu có Chi bộ đảng hoạt động theo quy định. Kiểm tra của UBND tỉnh An Giang cho thấy trong năm 2023, miếu tiếp nhận hơn 220 tỉ đồng tiền công đức của khách hành hương (chưa kể các hiện vật khác), chiếm gần 80% số tiền công đức của các di tích toàn tỉnh An Giang. Ban quản trị miếu cũng chi 100% số tiền công đức cho hoạt động của miếu và các hoạt động an sinh xã hội.
Tại đền Chợ Củi thờ ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh, số tiền công đức thu nộp ngân sách từ đầu năm 2024 tới nay là hơn 15 tỉ đồng. Theo ông Trần Minh Đức, Phó trưởng ban quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch H.Nghi Xuân, tại đây khi kiểm đếm tiền công đức, có sự chứng kiến của các phòng, ban cấp huyện, UBND xã, cán bộ thôn tại phòng lắp camera giám sát. Tiền nộp vào ngân sách qua tài khoản của ban quản lý tại Kho bạc Nhà nước H.Nghi Xuân để chi cho tôn tạo, tu bổ di tích, chi thường xuyên cho hoạt động của di tích theo dự toán ngân sách đã phê duyệt. Trước đó, từ năm 2014, thu công đức được giao khoán hoàn toàn cho 2 hộ gia đình thủ nhang. Tổng thu của ban quản lý di tích từ 2014 - 2022 là hơn 19 tỉ đồng, trong đó tiền thu công đức do các gia đình thủ nhang nộp là 17,9 tỉ đồng.
Theo ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng ban quản lý di tích quốc gia chùa Keo (Thái Bình), tất cả các khoản tiền khi du khách thập phương hoặc các con nhang phật tử đặt trên các ban bệ tại đây đều được thu lại bỏ vào hòm công đức. Khi người dân cúng tiền vào di tích thì ban quản lý có bộ phận ghi tiếp nhận công đức. Bộ phận này có trách nhiệm ghi số tiền công đức vào sổ, có biên lai (2 liên, 1 liên gốc giao cho người ghi công đức, 1 liên được giữ lại). Với các nhà sư tại chùa, mỗi năm ban quản lý trích từ tiền công đức hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà sư để mua nhang đèn. Đối với những người đến lễ, nhờ nhà sư cúng khấn, kêu cầu hoặc họ có tấm lòng biếu riêng thì nhà sư được nhận mà không phải bỏ vào hòm công đức.
Tại Bình Định, năm 2023 tổng thu công đức tại các di tích là hơn 4,1 tỉ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật (trừ vàng, bạc, kim khí quý, đá quý), công trình xây dựng và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, nguồn thu công đức chủ yếu tập trung tại di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung); các di tích khác có nguồn thu công đức rất ít, không đủ cho các hoạt động chi thường xuyên.
Thanh Niên
Bình luận (1)
Tôi nghĩ rằng ngoài các đền do ban quản tự cùng đại diện chính quyền giám sát, thì các chùa do GHPGVN quản lý cần có quy định chặt chẽ hơn, minh bạch hơn với tiền công đức. VD: thu tiền cần có giấy cảm tạ,... Nguồn tiền được trích % về cho GHPGVN để điều phối, phụng sự cho xã hội, cho các gia đình Phật tử khó khăn.