Thúc đẩy phát triển thị trường vốn dài hạn

17/11/2022 06:26 GMT+7

Thị trường chứng khoán VN ra đời đã dần dần trở thành kênh huy động vốn dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp (DN) nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Từ đó giúp DN giảm bớt sự phụ thuộc duy nhất vào nguồn vốn từ các ngân hàng. Thế nhưng trong tình hình cổ phiếu sụt giảm, trái phiếu bị “tắc” và cả kênh vốn từ ngân hàng cũng gặp khó thì DN không biết xoay xở ra sao. Vì vậy các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cần phải nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ những ách tắc này trên thị trường tài chính, giúp dòng vốn lưu thông để kinh tế phát triển.

Cổ phiếu liên tục bị bán tháo trong nhiều ngày qua

N.t

TS Lê Xuân Nghĩa dẫn bài học từ các nước như mới đây, chính phủ Hàn Quốc đã công bố sẽ kích hoạt "quỹ bình ổn thị trường trái phiếu" trị giá 1.600 tỉ won (khoảng 1,13 tỉ USD) trong nỗ lực giảm bớt những xáo trộn trên thị trường trái phiếu DN sau việc vỡ nợ của DN liên quan dự án công viên giải trí Legoland. Tương tự, Trung Quốc cũng thông qua quỹ trị giá 200 tỉ NDT để ứng phó cuộc khủng hoảng thanh khoản của ngành bất động sản.

Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng VN cũng cần quỹ bảo lãnh trái phiếu cho DN, nhất là những DN đang hoạt động tốt và có khả năng phục hồi, có tài sản đảm bảo. Quỹ sẵn sàng bảo lãnh và thậm chí có thể mua trái phiếu cho những DN này. Khi đó, thị trường sẽ “hồng hào” trở lại. Cùng nhịp, phải có phương án xử lý khéo léo trong những trường hợp vi phạm như cho phép DN thương lượng, tái cấu trúc, cho phép DN tự tái cơ cấu nợ với nhà đầu tư bằng cam kết. Nhà đầu tư và Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ giám sát các cam kết đó.

“Đồng thời thực hiện các biện pháp trên thì thanh khoản toàn thị trường sẽ tăng, lòng tin của người dân phục hồi trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh tay đầu tư và thị trường chứng khoán sẽ lập tức tăng vọt trở lại”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Công cụ nhà nước nắm trong tay, có thể không giải quyết hết được nhưng vẫn có thể giảm thiểu được những rủi ro và tác động tiêu cực. Phải làm nhanh, đồng bộ để ổn định thị trường.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), khẳng định trái phiếu, cổ phiếu là kênh huy động vốn quan trọng chia sẻ bớt gánh nặng vốn trung hạn cho hệ thống ngân hàng. Rủi ro trên thị trường tài chính lúc nào cũng có. Dù là tín dụng hay cổ phiếu, trái phiếu thì luôn có rủi ro song hành. Tuy vậy, thị trường càng đa dạng hóa các kênh đầu tư thì càng góp phần giảm thiểu rủi ro. Vì thế, không thể để đứt gãy mà cần có sự điều chỉnh để xây dựng thị trường trái phiếu hiệu quả. Đây là một quá trình mà ở đó, ngoài phát triển định chế tài chính, chính sách nhà nước… thì còn yếu tố quan trọng là cải thiện hiểu biết về tài chính của nhà đầu tư cũng như người dân. Nhiều trường hợp nhà đầu tư thậm chí chưa hiểu những khái niệm cơ bản, thiếu hiểu biết nên dễ gây hậu quả và theo hiệu ứng đám đông, ảnh hưởng đến toàn thị trường.

Để xây dựng được môi trường phát triển trái phiếu, theo ông Thành, hiện nay phải lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư. Đầu tiên là cần có thông tin đầy đủ, minh bạch. Thứ hai là cam kết chính sách từ Chính phủ, Nhà nước, những cơ quan có trách nhiệm quản lý. Tiếp đến là phương án xử lý các vấn đề phát sinh, các sai phạm và cuối cùng là có hành động, chính sách thực tế để hạn chế những tác động tiêu cực đối với thị trường.

“Công cụ nhà nước nắm trong tay, có thể không giải quyết hết được nhưng vẫn có thể giảm thiểu được những rủi ro và tác động tiêu cực. Phải làm nhanh, đồng bộ để ổn định thị trường”, TS Võ Trí Thành đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.