Năm 1840, bác sĩ người Đức - Basedow, đã mô tả tỉ mỉ và đầy đủ triệu chứng lâm sàng của bệnh này, bao gồm ba nhóm chính: hội chứng cường giáp trạng (ăn nhiều, gầy, run tay, hồi hộp...) bướu cổ lan tỏa và lồi mắt. Ở Việt Nam, tuy chưa có một thống kê chính thức nào về tỉ lệ người mắc bệnh trong cộng đồng dân cư, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam - giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM - Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM, bệnh chiếm tới 45,8% các bệnh nội tiết và 2,6% các bệnh nội khoa. Tại Mỹ, tỉ lệ mắc bệnh là 2 - 4 người trong 10.000 dân, khá cao so với các bệnh khác.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ?
Đúng! Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, nhất là độ tuổi 20 - 40 tuổi, ưu thế ở phụ nữ, tỉ lệ nam/ nữ = 1/5 - 1/7 ở vùng không bị bướu cổ địa phương. Có nhiều nguyên nhân cho rằng phụ nữ trẻ dễ nhiễm bệnh này nhiều hơn đàn ông bởi vì họ có type thần kinh nhạy cảm, hay bị stress, chấn thương tinh thần, đôi khi gặp yếu tố cơ địa, di truyền.
Phụ nữ mắc bệnh basedow sẽ bị vô sinh?
Sai! Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu mắc Basedow vẫn có thể sinh con bình thường, nếu điều trị tốt. Tuy nhiên khi bệnh khỏi hoàn toàn mới nên có thai vì những thuốc kháng giáp trạng thường có nguy cơ gây sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non… Nếu có mang thai trong thời gian điều trị khi bệnh chưa ổn định thì tùy tình trạng mỗi người để bác sĩ sẽ có thay đổi thích hợp cho mỗi người. Những trường hợp cường giáp nhẹ, có thể theo dõi khi sức khỏe của mẹ và thai nhi vẫn ổn định, những trường hợp nặng có thể vẫn phải điều trị nhưng theo dõi sát cả sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Bệnh Basedow nếu không điều trị sớm ở trẻ sẽ làm chậm tăng trưởng thể chất?
Đúng! Bệnh Basedow từ khi còn ở tuổi vị thành niên nếu không được điều trị thường chậm tăng trưởng về cơ thể và cả sự phát triển trí tuệ. Nếu thiếu hụt hormon nặng và kéo dài thì cả con trai và con gái đều không bộc lộ những dấu hiệu dậy thì. Hiếm nhưng có khi thiểu năng tuyến giáp nguyên phát lại kết hợp với sự phát triển sớm về giới tính như vú phát triển, niêm mạc âm đạo trưởng thành, ra máu âm đạo, chảy sữa ở con gái và tinh hoàn, dương vật to ra ở con trai.
Những biến đổi này có thể chữa trị nếu dùng hormon tuyến giáp (thyroxine). Sự trưởng thành các đặc tính giới chậm do thiểu năng giáp trạng cũng có thể phục hồi khi được dùng đủ liều hormon giáp trạng.
Phụ nữ mang thai không được uống thuốc điều trị basedow?
Sai! Thuốc dùng trong bệnh Basedow gọi là thuốc kháng giáp và PTU chính là một thuốc kháng giáp. Tuy nhiên sử dụng thuốc điều trị cường giáp này phải cực kì nghiêm ngặt. Thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhưng phải dùng thuốc vì kiểm soát thật tốt rối loạn tuyến giáp ở phụ nữ có thai là rất cần thiết. Đối với phụ nữ mang thai, nếu dùng PTU, thuốc này chuyển qua nhau thai, có thể gây độc cho thai (chỉ gây bướu giáp và suy giáp cho thai nhi trong bụng mẹ chứ không gây những tổn thương khác trầm trọng).
Do PTU không phải là thuốc hoàn toàn chống chỉ định cho phụ nữ có thai, trong thời gian mang thai mà người phụ nữ bị bệnh cường giáp, bác sĩ có thể dùng thuốc kháng giáp là PTU để chữa trị. Nếu phải dùng thuốc kháng giáp cho phụ nữ có thai, bác sĩ điều chỉnh liều cẩn thận, dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Vì rối loạn chức năng tuyến giáp giảm xuống ở nhiều thai phụ khi thai tiến triển, nên ở một số người ào sữa có thể ảnh hưởng trầm trọng và gây hại cho tuyến giáp của con bú sữa mẹ. Cần nêu vấn đề này vì nhiều người tưởng lầm là thuốc dùng được cho thai phụ thì đương nhiên dùng được cho phụ nữ cho con bú. Đa số thuốc là như vậy nhưng PTU thì khác.
Điều trị bệnh bằng i - ốt phóng xạ sẽ gây vô sinh?
Sai! Điều trị cường giáp nói chung và bệnh Basedow nói riêng bằng phương pháp i-ốt phóng xạ (I-131) đã trở thành phương pháp phổ biến do tính ưu việt an toàn hiệu quả của nó. Các nhà khoa học tổng kết trên hàng triệu bệnh nhân bị cường giáp và Basedow đã được điều trị bằng I-131 thì cũng không tìm được bằng chứng nào về ung thư máu và không có bằng chứng nào để nói rằng các bà mẹ đã điều trị I-131 có thể sinh ra những đứa trẻ bất thường, dị tật. Tuy nhiên I-131 vẫn có thể gây ra các biến chứng sau điều trị như cơn cường giáp kịch phát, viêm tuyến giáp do bức xạ, suy giáp sau điều trị. Những biến chứng này có thể tránh được nếu được theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời