Nằm cách TP.HCM khoảng 60 km và cách thị xã Tây Ninh 36 km, cây cầu Gò Dầu từ lâu được người dân ví von gọi tên cầu “xóa nợ”. Giữa tháng 10.2012, chúng tôi tìm đến cây cầu này để tìm hiểu thực hư về những lời đồn thổi.
|
Ám ảnh những vụ tự tử
Vừa tấp xe máy vào bên lề ngay chân cầu Gò Dầu, để hỏi về cầu “xóa nợ”, anh Trung, một người dân chạy xe ôm nhìn tôi tỏ vẻ ngờ vực: “Chú mày hỏi để làm gì, đừng nói là nhảy xuống để xóa nợ à nghe. Về nhà lo mà sống cho tốt đi, đừng có dại dột như vậy”. Sau khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những lời đồn thổi về cây cầu này, anh Trung thở phào: “Cứ tưởng chú mày mới thua bạc và thiếu nợ từ casino chứ. Chú thông cảm, bây giờ cứ nghe ai nhắc tới cầu “xóa nợ” là anh đều ám ảnh. Hồi trước, một vài lần có người hỏi thăm đường rồi nghe đâu họ nhảy xuống dưới để “thoát” nợ luôn”.
|
Theo tìm hiểu, cầu Gò Dầu (1 và 2, dài 305m) bắc qua sông Vàm Cỏ Đông được khởi công từ tháng 11.2002 (đưa vào sử dụng từ 2005) nằm trên trục đường xuyên Á nối liền TP.HCM với Tây Ninh và Phnom Penh (Campuchia) qua cửa khẩu Mộc Bài. Nhìn từ dưới dạ cầu, 2 cây cầu song song nhau, cao gần 10m, bên dưới là nước dòng chảy rất xiết. “Nếu nhảy từ trên xuống khó là khó lòng sống nổi”, anh Trung cảnh báo. Với giọng rành rọt, chú Tám (ngụ thị trấn Gò Dầu) kể: “Mới chừng 7-8 năm nay thôi, mà tôi và người dân sống ở đây nghe kể hơn 10 người phải bỏ mạng rồi. Đa phần là những con bạc trắng tay ở sòng bạc Campuchia. Lúc về đến đây, quẫn trí rồi nhảy xuống. Cũng có trường hợp do bị thất tình cũng lên cầu viết giấy để lại rồi nhảy xuống để nhanh chóng gặp nhau ở…kiếp sau”.
Gần đó, anh Nguyễn Thanh Hoàng, đang bận bán cá nuôi cũng xen vào kể thêm: “Có thời gian, toàn nghe chuyện người chết nhảy cầu mà ớn lạnh”. Chỉ tay về phía chiếc cầu cao ngất bắc qua sông, anh Hoàng ngao ngán: “Xóa gì mà xóa, cứ thấy mấy cậu thanh niên chơi bời cờ bạc cho đã, rồi gieo mình xuống đó “xóa nợ”. Dám chơi thì phải dám chịu, chết rồi thì gia đình họ cũng phải gách vác chứ ai vào thay”.
Cũng theo lời kể của những người dân sống ngay dưới chân cầu, khoảng 5-6 năm trước đây, khi đó, đỉnh điểm của phong trào vượt biên chơi casino Campuchia thì những vụ tự tử xảy ra cũng nhiều. Thời điểm này, mỗi năm có khi đến 4-5 vụ nhảy cầu tự tử.
Ông Nguyễn Văn Đức, nhà ở chân cầu Gò Dầu, kể: “Người dân gọi cầu này là cầu “xóa nợ” do năm nào cũng có con bạc nhảy cầu tự vẫn. Hồi đầu năm 2010, tôi tận mắt thấy một thanh niên dựa vào lan can cầu thẫn thờ rồi buông mình xuống sông, để lại đôi dép và chiếc ví da chỉ còn vài chục ngàn đồng. Tới khi người nhà đến nhận xác, chúng tôi mới biết anh này ở TP.HCM, thua bạc hơn 2 tỉ đồng”.
Cũng theo người dân ở đây, hầu hết những vụ tự tử đều xảy ra vào đêm khuya nên rất khó phát hiện để cứu kịp thời. Đa phần xác người được phát hiện và vớt lên trong tình trạng đã trương phình. Mặc dù đã sống gần 10 năm tại đây nhưng nhắc đến cây cầu, anh Hoàng cho rằng phải rùng mình: “Cứ có tiếng rơi “tủm” từ cầu xuống nước là bị ám ảnh có người tự tử. Giữa đêm, bơi ghe ra sông thăm lưới cá mà thấy lạnh cả người. Cách đây không lâu, có một người thanh niên khoảng hai mươi mấy tuổi đi casino về đến cầu này nhảy xuống tự tử. Do anh này biết bơi nên khi nhảy xuống không bị chìm cứ ngụp lặn giữa sông. May là lúc đó có xe chở khóm ngang qua họ vớt lên giùm chứ không thì chết rồi”.
Xung quanh chiếc bàn đặt sát mép sông, nhiều người dân khác tiếp lời: “Bây giờ đi chơi casino ít lại nên cũng hiếm mấy vụ nhảy cầu hơn trước rồi”.
Trong khi đó, thiếu tá Đoàn Văn Vũ Em, Phó trưởng công an H.Gò Dầu (Tây Ninh) xác nhận: “Trước đây, người dân tự đồn thổi những câu chuyện về những người đi chơi casino về tự tử để “xóa nợ” tại đây. Sau đó công an vào cuộc tìm hiểu thì những thông tin này không có thật”. Theo ông Em, từ khi cây cầu thông xe cho đến nay chỉ có 3 vụ tử tử trong đó 1 bà già, 1 cụ già (không rõ nguyên nhân); cách đây khoảng hơn 1 tháng là 1 thanh niên vì buồn chuyện gia đình…
Giang Phương
Bình luận (0)