Bài báo được trích dẫn “khủng khiếp”
Mới đây, trên website của Trường ĐH Y dược Thái Bình đưa lại một bài viết với hàm ý ca ngợi một bác sĩ, có tiêu đề “Bài báo được trích dẫn “khủng khiếp” của bác sĩ ở Thái Bình”.
Nhân vật được nhắc đến trong bài là bác sĩ H.V.Th., giảng viên bộ môn Y học gia đình, Phó trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi của Trường ĐH Y dược Thái Bình.
Chỉ trong vòng hơn 2 năm, các công bố quốc tế của bác sĩ này đã có hơn 7.500 lượt trích dẫn. Trong đó, đáng chú ý, có một công trình (bài báo) có lượt trích dẫn lên đến 5.279 lượt và vẫn tiếp tục tăng lên (ngày 3.3, lượt trích dẫn của công trình khoa học này là 5.309, theo Google Scholar - phóng viên).
Bài viết có tiêu đề “Bài báo được trích dẫn “khủng khiếp” của bác sĩ ở Thái Bình” được giới thiệu trên trang chủ Trường ĐH Y dược Thái Bình |
Quý Hiên |
Bài báo có lượt trích dẫn “khủng khiếp” đó có tiêu đề là “Hydroxychloroquine and azithromycin as a treatment of Covid‑19: Results of an open‑label non‑randomized clinical trial” (tạm dịch “Sử dụng Hydroxychloroquine và azithromycin để điều trị Covid-19: Kết quả của một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng không ngẫu nhiên đối chứng”), đăng trên Tạp chí Int J Antimicrob Agents vào tháng 3.2020.
Tuy nhiên, trong bài viết mà website Trường ĐH Y dược Thái Bình đưa lại, bác sĩ Th. cũng cho biết ông chỉ là đồng tác giả, còn tác giả chính là thầy của ông ở Marseille, Pháp (bác sĩ Th. là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải tại Marseille, Pháp, viết tắt là IHU-Marseille). Công trình này gồm nhiều tác giả, chủ yếu là các giáo sư thuộc IHU-Marseille, chỉ có duy nhất ông Th. là nghiên cứu sinh.
TS Elisabeth Bik, một nhà khoa học người Hà Lan đã cáo buộc công trình của nhóm GS Didier Raoult có những sai phạm trong nghiên cứu |
Quý hiên |
Sau khi xuất hiện bài viết trên, một số nhà khoa học đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước thông điệp mà bài viết chuyển tải. TS Ngô Đức Thế, ĐH Manchester, Anh, nhận xét: “Đây là một bài viết quảng cáo cho bài báo bị cáo buộc là một sai phạm nghiên cứu (research misconduct). Người viết và bên đăng bài hoặc không biết, hoặc đã cố tình lờ đi, việc nó được trích dẫn nhiều không phải vì nó có giá trị khoa học, mà vì nó bị nghi ngờ gian lận. Giới khoa học quốc tế đã chỉ ra những sự nghi ngờ về tính trung thực của nghiên cứu này, mà người khởi xướng là TS Elisabeth Bik, một nhà khoa học người Hà Lan”.
Bị cáo buộc có “hành vi sai trái trong nghiên cứu”
Theo TS Thế, bài báo “Sử dụng Hydroxychloroquine và azithromycin để điều trị Covid-19: Kết quả của một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng không ngẫu nhiên đối chứng” là của một nhóm nhà khoa học Pháp, đứng đầu là GS Didier Raoult (IHU-Méditerranée Infection, Marseille, Pháp), với nội dung công bố công trình thử nghiệm điều trị các bệnh nhân Covid-19 bằng thuốc chữa sốt rét (Hydroxychloroquine, viết tắt là HCQ). Bài báo được nộp ngày 16.3.2020 cho Tạp chí International Journal of Antimicrobial Agents (NXB Elsevier). Ngay ngày hôm sau (17.3.2000), bài báo được đăng và xuất hiện online từ ngày 20.3.2020. Theo giới khoa học thì đây là bài báo được xuất bản siêu nhanh.
Tốc độ phản biện "siêu tốc" là một dấu hiệu khiến nhiều ý kiến trong cộng đồng khoa học thế giới quan ngại về sự đáng tin trong công bố của nhóm GS Didier Raoult |
ĐỨC THẾ |
Bài báo từng tạo ra một cơn cuồng HCQ như một liệu pháp chữa Covid-19, thậm chí FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) từng phê duyệt khẩn cấp sử dụng HCQ cho điều trị Covid-19, nhưng sau đó đã phải rút lại. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng là một "fan cuồng" của HCQ.
TS Thế cho biết, TS Elisabeth Bik đã phân tích bài báo và viết một bình luận trên blog của mình, nêu lên những quan ngại về kết quả khoa học của bài báo này, và cho rằng các nghiên cứu trong bài báo rất đáng nghi ngờ, như một điển hình của hành vi sai trái trong nghiên cứu (research misconduct).
Đầu tiên là ở tốc độ phản biện siêu nhanh trong vòng 24 giờ, một tốc độ chưa từng có để phản biện một công trình nghiên cứu y khoa lâm sàng (hay thậm chí với bất kỳ ngành nào).
Thứ hai là ở vấn đề y đức và tốc độ tiến hành ở mức độ siêu nhanh như: Cục Quản lý An toàn Dược phẩm Pháp phê duyệt quy trình thử nghiệm này vào ngày 5.3.2020, và thử nghiệm được Hội đồng Y đức Pháp phê duyệt sau đó một ngày (6.3.2020). Và chỉ 10 ngày sau đó, bài báo được hoàn thành và nộp cho tạp chí. Nhưng các kết quả công bố trong bài báo và hồ sơ thử nghiệm đã khẳng định các bệnh nhân được thử nghiệm kéo dài ít nhất 14 ngày, có nghĩa là hoặc là thử nghiệm đã được thực hiện trước khi được phê duyệt, hoặc kết quả là nguỵ tạo.
TS Bik còn cáo buộc thử nghiệm với số lượng mẫu khá nhỏ (42 mẫu, với 26 người sử dụng HCQ, và 16 người là đối chứng), không đủ phân bố với nhiều độ tuổi, không tuân thủ về mẫu ngẫu nhiên. Đồng thời, TS Bik cũng chỉ ra vấn đề trong các phân tích PRC trong bài báo, và sự biến mất của 6 bệnh nhân trong nhóm điều trị. Điều đáng ngại hơn là quy trình phản biện bài báo ở mức độ siêu nhanh.
“Trận chiến” vì liêm chính khoa học
Trước những cáo buộc trên, GS Didier Raoult đã liên tiếp dựng lên những tấn công vào TS Bik, và cùng với nhiều người ủng hộ khác cáo buộc TS Bik nhận tài trợ và dùng Pubeer (một diễn đàn bình duyệt hậu xuất bản) như một công cụ trục lợi. Thậm chí, nhiều người tham gia phản biện trên Pubeer về HCQ cũng chịu chung số phận như TS Bik: họ bị quấy rối, thậm chí đe dọa đến tính mạng. TS Elisabeth Bik cho biết, thậm chí IHU- Marseille đã đâm đơn kiện bà.
Thư ngỏ có chữ ký của hơn 2.200 nhà khoa học kêu gọi cộng đồng khoa học lên tiếng bảo vệ TS Elisabeth Bik |
Quý Hiên |
Vì thế, TS Lonni Besançon, một nhà khoa học đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Monash, Úc, đã cùng nhiều nhà khoa học quốc tế viết một thư mở kêu gọi cộng đồng khoa học cùng lên tiếng bảo vệ TS Elisabeth Bik - bảo vệ những nỗ lực phản biện khoa học của bà. Lá thư mở có hơn 2.200 nhà khoa học ký tên ủng hộ Bik.
CNRS (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) cũng đã bày tỏ sự thất vọng về phản ứng “chống lại Elisabeth Bik và nhà nghiên cứu” của IHU-Marseille. Theo CNRS, phản biện khoa học là điều không thể thiếu, vẫn phải là một trong những nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu, rất quan trọng đối với sự tiến bộ của tri thức. Vì thế, kiểu tư pháp hóa này chỉ có thể dẫn đến những lạm dụng có hại cho quá trình nghiên cứu khoa học.
CNRS (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) cũng đã bày tỏ sự thất vọng về phản ứng “chống lại Elisabeth Bik và nhà nghiên cứu” của IHU-Marseille |
QUý Hiên |
“Sau đó, uy tín của GS Didier Raoult ngày càng đi xuống, thậm chí IHU Méditerranée Infection cũng không còn tín nhiệm ông ấy. Trong khi mới đây TS Bik được trao Giải thưởng John Maddox năm 2021 cho những đóng góp xuất sắc trong việc vạch mặt các mối đe dọa phổ biến đối với tính liêm chính của nghiên cứu trong các bài báo khoa học”, TS Thế cho biết.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, bác sĩ H.V.Th cho biết, ông không xem việc mình được là đồng tác giả với một bài báo khoa học được trích dẫn “khủng” là một “thành tích”. Hơn nữa, đây là sản phẩm của cả nhóm nhà khoa học mà ông chỉ là một người tham gia nghiên cứu. Còn tham gia ở mức độ nào, đóng góp cho công trình khoa học đến đâu, thì ông Th. từ chối trả lời.
Tuy nhiên, ông Th. cũng nhận định: “Lượt trích dẫn của bài báo phản ánh tầm ảnh hưởng của bài báo đó đối với giới khoa học”, “số lượt trích dẫn cao chứng tỏ tầm ảnh hưởng của nó lớn”.
Khi được hỏi ông Th. có biết hay không về những cáo buộc của TS Bik và nhiều nhà khoa học với công trình mà mình tham gia, ông Th. tiếp tục từ chối trả lời. Nhưng ông Th. cũng bày tỏ sự phản đối việc nhận định bài báo được trích dẫn nhiều vì nó bị chỉ trích. “Cần phải đọc hơn 5.000 lượt trích dẫn đó. Cần phải vào link của từng bài báo đã trích dẫn (bài được trình dẫn là về HCQ của nhóm GS Didier Raoult mà ông Th. là đồng tác giả - phóng viên) thì sẽ thấy là vì sao nó được trích dẫn nhiều”, ông Th. nói.
Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật về câu chuyện này.
Bình luận (0)