Thực hư thông tin 3 máy 'ATM gạo’ ở Sài Gòn bị 'ế', vắng người lấy

22/04/2020 12:16 GMT+7

Nhiều người ở xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh, TP.HCM) ao ước có " ATM gạo " và điều đó đã thành sự thật. Thế nhưng, một số chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng "ATM gạo" ở đây... ế, vắng người lấy. Thực hư thế nào?

 'ATM gạo' không 'ế'
"ATM gạo" được đặt tại UBND xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM chính thức đi vào hoạt động ngày 13.4, là điểm đặt "ATM gạo" phát miễn phí thứ hai sau máy "ATM gạo" ở Q.Tân Phú, TP.HCM (mở ngày 11.4). Theo chia sẻ của một số người trên mạng xã hội "ATM gạo" ở xã Vĩnh Lộc B vắng người lấy mà đông người cho.
PV Thanh Niên có mặt tại UBND xã Vĩnh Lộc B chiều 19.4. Quản lý "ATM gạo" cho biết những ngày đầu lượng người đến lấy gạo khá ít vì thông tin chưa đến được đông đảo người dân. Chuyện "ATM gạo" bị ế là không chính xác bởi lúc nào cũng có người đến nhận và máy lúc nào cũng hoạt động.
Hai ngày đầu lượng gạo phát ra khoảng 2 tấn. Đến ngày thứ ba, thứ tư thì tăng lên 4 tấn. Trong thứ Bảy và Chủ nhật, số lượng gạo phát ra tăng lên đáng kể, ít nhất 6 tấn gạo/ngày.

Người dân xếp hàng chờ nhận gạo

Ảnh: Trịnh Thanh

Điểm phát gạo này nhận được sự ủng hộ lớn từ phía cộng đồng. Số lượng gạo quyên góp được hơn 140 tấn. Các mạnh thường quân mong muốn duy trì hoạt động phát gạo đến ngày 19.5 để phục vụ bà con.
Theo quan sát, lượng người đến lấy gạo thường xuyên, rải rác chứ không tập trung đông vào một thời điểm. Buổi sáng đông người đến lấy hơn buổi chiều và đến 19 giờ thì không có người đến lấy nữa. Điểm phát gạo còn được trang bị mái che bà con tránh nắng.
‘ATM gạo’ Bình Chánh: Mong ước thành hiện thực

Trước khi nhận gạo, người dân bắt buộc phải rửa tay sát khuẩn

Người dân nghiêm chỉnh thực hiện những quy định và hướng dẫn nhận gạo như rửa tay, xếp hàng theo ký hiệu. Điều đặc biệt, "ATM gạo" được chia khu vực cụ thể với 3 máy hoạt động cùng lúc.
Người dân đi vào từ hướng bên phải, rửa tay và nhận túi ni lông. Sau đó, người nhận di chuyển qua chậu, hứng gạo và đi thẳng ra ngoài. Lối ra và lối vào khác hướng đảm bảo thông suốt trong quy trình nhận gạo.
Quản lý "ATM gạo" cho biết điểm phát gạo này hạn chế phát cho trẻ em dưới 14 tuổi. Bên cạnh đó, những người đến nhận đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm được yêu cầu về nhà lấy mũ mới được nhận.
‘ATM gạo’ Bình Chánh: Mong ước thành hiện thực

'Tôi ước giá mà xã mình có một cái, giờ có thật rồi!'

Điểm phát gạo hoạt động liên tục vì người đến càng nhiều vào giờ tan tầm. Có người đến lần đầu, cũng có người đến lần thứ hai, thứ ba (những ngày trước có đến lấy - PV). Tất cả đều có chung một cảm xúc là vui mừng, phấn khởi.
Nhà ở gần điểm phát gạo, bà Đẹp (51 tuổi) biết đến hoạt động này từ sớm và đã lấy gạo được hai lần. “Mỗi lần lấy được 2kg thì nhà tôi ăn được một ngày. Ăn hết gạo, tôi mới ra lấy. Nhà tôi tới 7 người lận, 2 đứa con với 3 đứa cháu lại thêm vợ chồng tôi. Nhờ cái này mà nhà tôi đỡ khó trong mùa dịch”, bà vui vẻ kể.
‘ATM gạo’ Bình Chánh: Mong ước thành hiện thực

Máy phát gạo có cải tiến hơn, chỉ cần nhìn vào máy mà không cần bấm nút, gạo tự động chảy

Bà Nguyễn Thị Bé (70 tuổi) đến nhận gạo lần đầu tiên. Bà cho biết: “Tôi không biết có phát gạo ở đây. Mấy chị em trong xóm nói với nhau rồi chỉ tôi qua đây lấy”.
Hai chị em là bà Lành (56 tuổi) và bà Lan (64 tuổi) cùng đến nhận gạo cho hay trước đó, cả hai bà đều không biết đến hoạt động của cây "ATM gạo" này vì nhà cách điểm phát khá xa.
“Nhà tôi ở tít trên Chợ Liên ấp 123 á nên không có biết. Tôi ở chung với thằng cháu nhỏ, tại bố mẹ nó mất rồi. Bình thường, tôi đi lượm ve chai, không có xe máy mà đi bộ xuống đây thì xa quá đi không nổi”, bà Lành chia sẻ.
‘ATM gạo’ Bình Chánh: Mong ước thành hiện thực

Mỗi bịch gạo nặng 2kg

Chồng bà Lành bệnh nặng, gia đình không có điều kiện nên đành để ông về quê nhờ vả anh em. Đứa cháu gọi bà bằng cô năm nay 20 tuổi, đi làm kiếm tiền không may gặp tai nạn, tiền bệnh viện tốn kém, vừa khỏi thì lại gặp dịch Covid-19 phải nghỉ ở nhà. Bà Lành mỗi ngày đi lượm ve chai kiếm vài chục nghìn trang trải chi phí.
Thấu hiểu hoàn cảnh của em và nhà cũng khó khăn, bà Lan tranh thủ giờ chiều chở bà Lành đi nhận gạo. Bà Lan nói: “Tôi nghe tin có máy phát gạo miễn phí mà nó ở tuốt bên Vườn Lài đi không được. Hôm nay đi chợ, chị em trong xóm nói xã mình có rồi bên trụ sở xã. Thật ra nghe bên Vườn Lài có tôi cũng mơ ước giá mà xã mình có một cái thì hay biết mấy. Giờ có thật rồi, mừng ghê!”.
‘ATM gạo’ Bình Chánh: Mong ước thành hiện thực

Gạo được đổ vào liên tục để phục vụ bà con

Bà Lan có hai người con. Một người làm công nhân nhưng công ty giảm biên chế thành ra thất nghiệp. Một người ở tận Long An. Ba đứa cháu nội ở chung với bà, giờ nhà mấy miệng ăn nên khó khăn. Máy phát cho được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, đỡ đi phần nào.
“Tôi kêu con đi lấy mà nó bảo mẹ ra lấy được chứ con ra người ta cười chết. Thà nó đi làm kiếm cái khác chứ ra đây coi không được”, bà Lan cười trừ nói.

Bà Lành đi nhặt ve chai, được bà Lan chở qua nhận gạo

Những người xây dựng mô hình này mong muốn “lá lành đùm lá rách

Hai cha con đi nhận gạo và vui vẻ ra về

Chị Hà (35 tuổi) tranh thủ đi nhận gạo để về trông 2 con nhỏ. Chồng làm nghề bán rau dưa nhưng ế ẩm vì dịch bệnh

Người đến lấy đông vào giờ tan tầm

Hai người phụ nữ không đội nón bảo hiểm phải quay về lấy nón mới được nhận gạo

Những người khó khăn ở TP.HCM ấm lòng vì có "ATM gạo"

Túi gạo giúp nhiều người khó khăn có bữa ăn đủ đầy qua mùa dịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.