Thực phẩm bẩn "vây" người tiêu dùng

15/03/2012 03:08 GMT+7

Tại Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm (được Bộ Y tế tổ chức hôm qua tại Ninh Bình), ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cho biết năm 2011 có gần 348.000 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm, trong đó đến hơn 44.000 mẫu (gần 13%) không đạt.

Tại Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm (được Bộ Y tế tổ chức hôm qua tại Ninh Bình), ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cho biết năm 2011 có gần 348.000 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm, trong đó đến hơn 44.000 mẫu (gần 13%) không đạt.

Các mẫu không đạt chỉ tiêu chủ yếu là vì có chất cấm: phẩm màu, formaldehyt, Rhodamine B, kim loại nặng. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, lo ngại: Riêng trong Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP mùa lễ hội vừa qua, kết quả các mẫu thực phẩm được xét nghiệm cho thấy vẫn còn tỷ lệ 15% mẫu thực phẩm nhiễm Ecoli.

Ngoài ra, vẫn còn hàng ngàn mẫu thực phẩm không đạt chỉ tiêu về phẩm màu (9,4%); không đạt về hàn the (gần 14%) trong số hơn 18.000 mẫu thực phẩm được giám sát. Cục ATVSTP cho biết đặc biệt nguy hại là đã phát hiện nhiều thực phẩm chứa các tân dược: Sibutramine, Pyroxicam, Dexamethazone.

 
Cơ quan chức năng tiêu hủy thực phẩm bẩn - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo chuyên gia của Cục ATVSTP, Piroxicam và Dexamethezone từng bị phát hiện bỏ lén trong thực phẩm chức năng (TPCN) dành cho bệnh khớp, đây là chất có khả năng giảm đau nhanh tuy nhiên rất nguy hại khi không được kiểm soát liều lượng và sử dụng lâu dài. TPCN “Tăng cường sinh lực” bị lén bỏ Shidenafi cũng tiếp tục bị phát hiện.

Đây là hoạt chất trong thuốc điều trị rối loạn cương của nam giới, cần được sử dụng theo liều nghiêm ngặt, chỉ sử dụng khi có đơn của bác sĩ để tránh ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Còn Sibutramine cũng bị cơ quan chức năng phát hiện có trong sản phẩm TPCN giảm béo nhập không chính thức mà bản thân chất này đã bị cấm vì tác động xấu đến tim mạch.

“Giám sát chủ động hiện đối với thực phẩm đã được thiết lập và là giải pháp được đẩy mạnh trong năm 2012”, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP nhấn mạnh. Giám sát chủ động sẽ tập trung vào các nhóm thực phẩm nguy cơ cao với sự phối hợp các bộ ngành, tập trung vào các nhóm thực phẩm như thịt và các sản phẩm từ thịt, TPCN, sữa, rượu và nước uống đóng chai. Trong năm qua, trong tổng số mẫu giám sát chủ động thông qua hệ thống các viện kiểm nghiệm đã phát hiện tới 22% mẫu thực phẩm không đạt.

Đó là các sản phẩm thịt heo không đạt chỉ tiêu về vi sinh vật, mẫu ruốc thịt không đạt chỉ tiêu Cyclamat (chất tạo ngọt), mẫu ớt bột không đạt chỉ tiêu Rhodamine (tạo màu đỏ công nghiệp), và Malachite (chất tạo màu xanh công nghiệp) có thể gây ung thư; phát hiện các tân dược cấm trong TPCN gây tác động xấu đến tim mạch, tiêu hóa. Ông Phong cho biết thêm, tại thời điểm này, Cục đã chỉ đạo lấy mẫu các sản phẩm để xác định có hay không chất “Na2SO4” - hóa chất giúp biến hóa thịt ôi thành thịt tươi.

“Trong năm 2012 sẽ phối hợp với 4 tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang tăng cường giám sát thực phẩm nhập khẩu qua biên giới có nguy cơ mất an toàn. Việc lấy mẫu được thực hiện hằng tuần. Ước tính, chỉ riêng 4 cửa khẩu của các tỉnh này mỗi tuần có tới gần 35.000 tấn thực phẩm vào VN”, ông Trần Quang Trung cho biết.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.