Thực phẩm bổ sung chất sắt

17/09/2011 08:41 GMT+7

(TNTS) Sắt là một vi khoáng chất quan trọng tham gia quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Sắt trong cấu trúc tạo Hemoglobin (Hb) của hồng cầu và làm cho hồng cầu có màu đỏ. Sắt còn có trong myoglobin ở cơ vân có tác dụng như là nơi dự trữ oxy, chúng kết hợp với các chất dinh dưỡng để giải phóng năng lượng cho hoạt động cơ bắp. Vì vậy, thiếu sắt sẽ dẫn đến giảm phát triển về trí tuệ và khả năng lao động.

Chất sắt thường được dự trữ trong gan, để khi cơ thể thiếu thì lấy ra sử dụng. Nếu kho dự trữ này cũng cạn kiệt thì người ta sẽ bị thiếu máu. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy đối với các em học sinh chỉ mới thiếu dự trữ sắt trong "kho" mà chưa có biểu hiện thiếu máu (nghĩa là chỉ mới thiếu nguyên liệu tạo máu, chưa phải thiếu máu), thế nhưng khả năng toán học cũng đã thấp hơn các em học sinh có dự trữ sắt đầy đủ. Khi đã đến mức thiếu máu thì sự phát triển thể chất của các em sẽ chậm lại, các em sẽ rất dễ "oải", lười hoạt động, học kém tập trung, và còn dễ ngủ gật trong lớp.

 
Ảnh: shutterstock

Ảnh hưởng của sắt đến hoạt động trí não không chỉ ở việc cung cấp oxy cho não mà còn vì chất sắt cũng tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển chức năng não bộ. Nhiều cấu trúc trong não có hàm lượng sắt cao tương đương lượng sắt ở gan. Do đó, sắt cần được cung cấp cho tế bào não trong giai đoạn sớm của quá trình phát triển não bộ. Nếu thiếu sắt xảy ra sớm (từ giai đoạn hình thành và phát triển não) có thể dẫn đến tổn thương tế bào não không hồi phục. Lúc sinh, sắt ở não chỉ có khoảng 10%, đến 10 tuổi não chỉ đạt 50% lượng sắt bình thường, và đạt tối ưu trong não ở độ tuổi 20-30.

Thiếu hụt sắt lâu dài làm giảm khả năng hoạt động thể lực, đặc biệt là các hoạt động đòi hỏi sức bền (chạy điền kinh, bơi lội, bóng đá, đua xe đạp...). Tuy nhiên, khi bổ sung đủ sắt thì khả năng này sẽ được hồi phục.

 

Thiếu sắt còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng. Mặc dù khả năng miễn dịch sẽ hồi phục lại bình thường sau 4-7 ngày cung cấp sắt nhưng vấn đề là phải giải quyết tình trạng và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng hiện mắc trước rồi sau đó mới bổ sung chất sắt được, vì nếu đang nhiễm trùng mà bổ sung sắt thì có thể nhiễm trùng sẽ nặng hơn, do có một số vi trùng ái sắt có thể dùng sắt để phát triển.

Chất sắt có nhiều trong các loại thịt cá đỏ như thịt bò, thịt heo, cá ngừ... (thịt trắng như thịt gia cầm thì ít hơn). Chất sắt còn có nhiều ở gan, huyết, lòng đỏ trứng hoặc rau xanh như rau dền, bồ ngót, rau muống... và các loại đậu hạt. Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ dễ hấp thu hơn nguồn gốc thực vật. Trong bữa ăn nên có rau xanh hoặc ngay sau bữa ăn chính nên dùng thêm trái cây tươi giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, táo, sơ-ri, đu đủ, chuối... giúp hấp thu tốt chất sắt từ bữa ăn. Ngược lại, chất tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thụ sắt. Do vậy, không nên uống nước trà đặc quá gần bữa ăn mà nên uống cách khoảng 2 giờ sau khi ăn.

Các đối tượng có nguy cơ thiếu máu cao như phụ nữ có thai, cần bổ sung thêm chất sắt mỗi ngày một liều với 60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg axit folic ngay từ khi biết có thai cho đến sau sinh một tháng. Phụ nữ tuổi từ 15-49 tuổi nên bổ sung chất sắt với liều khoảng 60 mg mỗi tuần một lần và uống 16 tuần mỗi năm.

BS CK1 Đào Thị Yến Thủy
(Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.