Nếu không có những cánh cửa khóa chặt, dao bếp bị xích vào bàn nấu ăn và nhân viên mặc áo tù, cơ sở chế biến thực phẩm bên trong một trại giam nữ ở thành phố Đào Viên (phía bắc Đài Loan) chẳng khác gì một nhà bếp thông thường. Các phạm nhân đeo khẩu trang, mang găng tay tất bật trộn bột ca cao để làm chocolate hoặc xắt bắp cải chuẩn bị trộn kim chi. Đây là một phần trong ngành công nghiệp thực phẩm khác thường và đang hái ra tiền ở Đài Loan, theo AFP.
Doanh thu “khủng”
Từ năm 2006, chính quyền Đài Loan đề ra chương trình cho phạm nhân chế biến các loại thực phẩm đóng gói và bán ra ngoài, để vừa đào tạo kỹ năng giúp họ làm lại cuộc đời sau khi ra tù vừa gây quỹ nâng cấp cơ sở trại giam. Những người gần mãn hạn hoặc hưởng ân xá được ưu tiên nộp đơn tham gia. Diện phạm nhân lãnh án lâu nhưng được đánh giá có sửa đổi hành vi hoặc có kinh nghiệm liên quan cũng có thể nộp đơn.
Từ quy mô nhỏ ban đầu, nhờ các sản phẩm hợp khẩu vị người tiêu dùng và bảo đảm vệ sinh an toàn nên chương trình giờ đây đã được nhân rộng cho tất cả nhà tù ở Đài Loan, mang về hàng chục triệu USD mỗi năm. Hồi năm ngoái, chỉ riêng doanh thu của một nhà tù ở Đào Viên đã đạt 500 triệu tân đài tệ (15,62 triệu USD). Một phần lợi nhuận được chi trả bồi thường cho nạn nhân trong các vụ án và cải thiện cơ sở vật chất. Phạm nhân cũng được trả “lương” khoảng 2.000 - 3.000 tân đài tệ (1,4 - 2,1 triệu đồng)/tháng.
Đặc biệt, vào mùa cao điểm, những người phụ trách các mặt hàng bán chạy như nước tương được làm trong một nhà tù ở huyện Bình Đông có thể được trả gấp 10 lần, AFP dẫn lời Phó chủ nhiệm Cơ quan Cải huấn Đài Loan Khâu Hồng Cơ cho biết.
Hiện có hơn 50 trại giam sản xuất khoảng 300 loại sản phẩm có thể được đặt hàng qua điện thoại và internet. Khách hàng cũng có thể đến mua trực tiếp. “Thực phẩm của chúng tôi có nguồn gốc tự nhiên, chất lượng cao và giá cả phải chăng. Chúng tôi dùng nguyên liệu sạch đã qua kiểm nghiệm và tuyệt đối không dùng chất phụ gia”, ông Khâu khẳng định.
tin liên quan
Ở tù còn được chuyển giới miễn phíMột phạm nhân đang thụ án tại bang California đã được phẫu thuật chuyển giới với chi phí trích từ ngân sách tiểu bang, đánh dấu ca đầu tiên diễn ra trên đất Mỹ.
Hy vọng tái hòa nhập
Trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang nhức nhối tại nhiều nơi, các sản phẩm của phạm nhân rất được khách hàng Đài Loan ưa chuộng, đặc biệt là sau khi một số công ty có tên tuổi ở Đài Loan bị phát hiện dùng chất cấm và “dầu bẩn” chế biến thực phẩm.
Hội chợ ẩm thực mừng năm mới do Cơ quan Cải huấn Đài Loan tổ chức hồi tuần trước ở Đài Trung đã thu hút hàng ngàn người đến tham quan, mua sắm.
“Tôi đã mua thực phẩm của tù nhân hơn một năm qua. Chúng có nguồn gốc hữu cơ, chất lượng tốt và tương đối rẻ. Tôi cũng đã vận động bạn bè đặt hàng”, nữ doanh nhân Vương Long Phụng, người lái xe gần 2 giờ đồng hồ từ Đài Nam đến dự hội chợ, cho AFP hay. Cuối cùng, bà chi hơn 10.000 tân đài tệ mua mì ăn liền, thịt gà chế biến sẵn, nước tương và các loại thức ăn nhẹ. “Chương trình này rất có ý nghĩa. Phạm nhân học được các kỹ năng có thể giúp họ tìm được việc làm và tái hòa nhập xã hội”, bà Vương nhận định.
Mặt khác, một phạm nhân họ Trần tại trại giam Đào Viên cho biết trước khi tham gia chương trình, bà và nhiều người khác không hề có kinh nghiệm bếp núc. “Tôi rất vui vì đã học được vài kỹ năng hữu ích. Trước đây, dao bếp tôi còn không biết cầm vì mẹ tôi luôn nấu ăn. Giờ thì tôi học được rằng chế biến thực phẩm trông đơn giản nhưng thực tế lại khá phức tạp”, bà Trần chia sẻ với AFP.
Bà hy vọng sau khi ra tù sẽ mở một cửa hàng thực phẩm nhỏ: “Mẹ tôi nói miễn tôi không ngại khó, bà sẽ cùng tôi kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ. Tôi hy vọng sẽ kết hợp khả năng nấu nướng của mẹ với những gì đã học được để làm ra các loại thực phẩm ngon và an toàn”.
Bình luận (0)