Thực phẩm thiết yếu tăng giá mạnh

23/09/2024 05:48 GMT+7

Mưa bão liên tiếp gây thiệt hại cho sản xuất ở miền Bắc, miền Trung khiến giá thực phẩm thiết yếu leo thang dù cơ quan quản lý và nhiều doanh nghiệp nỗ lực bình ổn, kiểm soát giá.

Thịt heo, rau xanh khan hiếm

Hai tuần sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là rau xanh, vẫn còn rất "nóng". Tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội, giá rau xanh chưa có dấu hiệu giảm nhiệt do nguồn cung vẫn còn khan hiếm.

Thực phẩm thiết yếu tăng giá mạnh- Ảnh 1.

Giá rau xanh đang tăng mạnh trên cả nước do ảnh hưởng của mưa bão

ẢNH: ĐINH ĐANG

Theo khảo sát, hiện tại, để mua một bó rau xanh bất kỳ, người tiêu dùng phải bỏ ra ít nhất gần 15.000 đồng. Tại Q.Đống Đa (Hà Nội), rau lang trước đây có giá từ 6.000 - 7.000 đồng/bó đã tăng lên 12.000 - 13.000 đồng/bó. Mồng tơi từ 10.000 đồng tăng lên 16.000 đồng/bó; rau muống 17.000 đồng/bó, rau ngót 16.000 đồng/bó, trong khi trước bão, các loại rau này cũng chỉ dao động khoảng 10.000 đồng/bó. Chỉ có một số loại trữ được dài ngày như bí xanh, bí đỏ, khoai tây, khoai sọ vẫn giữ mức giá ổn định như trước khi bão về.

CẢNH BÁO: Sắp tới, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp nối trên Biển Đông

Không chỉ ở các tỉnh thành phía bắc, hiện tượng khan hiếm rau xanh kéo theo tăng giá đã lan đến nhiều địa phương khác ở khu vực miền Trung. Ghi nhận tại chợ ở TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), giá các loại rau củ hiện nay khá cao so với những ngày trước khi xảy ra bão số 3 ở miền Bắc. Theo đó, giá các loại rau củ quả đều tăng 30 - 50% so với trước. Một số loại rau phổ biến như cải ngọt, cải thìa 25.000 đồng/kg; hành lá 50.000 đồng/kg; xà lách 40.000 đồng/kg; cà chua 30.000 đồng/kg; ngò gai 80.000 đồng/kg; bầu, bí xanh, cải bắp, dưa chuột 20.0000 đồng/kg; rau muống 8.000 đồng/bó…

Tại TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), ghi nhận tại các chợ truyền thống ngày 22.9 cho thấy giá một số loại rau xanh tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, nhất là rau ăn lá. Giá các loại ớt tăng gấp 2 - 3 lần so với đầu tháng 9. Theo các tiểu thương, giá một số loại rau củ tăng do gần đây thời tiết bất lợi, mưa nhiều khiến rau bị hư hại, sản lượng rau về tỉnh không được dồi dào, giá nhập sỉ tăng. Mặt khác, thời gian qua, tại các tỉnh thành miền Bắc bị ảnh hưởng mưa bão, nhiều diện tích rau màu bị hư hại nên đã hút hàng từ Đà Lạt, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng. Khảo sát một số vựa sỉ ở các chợ đầu mối của TP.HCM cho thấy mặt dù sức mua không có biến động lớn nhưng giá bán cũng được điều chỉnh tăng lên từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Thực phẩm thiết yếu tăng giá mạnh- Ảnh 2.

Nguồn cung thịt heo giảm sút sau bão

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bên cạnh rau xanh, thịt heo cũng là mặt hàng tăng giá rất nhanh từ sau bão số 3. Trong tuần qua, giá heo hơi tại thị trường miền Bắc tăng mạnh do ảnh hưởng của mưa lũ dẫn tới nhiều trang trại nuôi heo bị thiệt hại nặng nề, cùng với việc vận chuyển gặp khó khăn khiến nguồn cung giảm sút đáng kể. Trong đó, giá thu mua tại Hà Nội đã chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, cao nhất cả nước. Ở các tỉnh thành còn lại, giá heo hơi cũng điều chỉnh tăng 1.000 - 4.000 đồng/kg, lên khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây nguyên, giá heo hơi bình quân toàn vùng đạt gần 65.000 đồng, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với khi mưa bão. Tương tự ở thị trường các tỉnh thành phía nam, giá heo hơi cũng tăng khoảng 2.000 đồng/kg trong tuần qua.

Các công ty chăn nuôi thừa nhận giá heo hơi đang trên đà tăng mạnh tại cả 3 miền và có khả năng sẽ kéo dài xu hướng này tới tuần sau. Trong đó, giá heo hơi của Công ty Chăn nuôi C.P VN đã được điều chỉnh lên 68.500 đồng/kg tại khu vực miền Bắc.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thông tin: Tính đến cuối tuần qua, bão số 3 đã làm 22.514 con gia súc, 3.097.000 con gia cầm bị chết. Riêng thiệt hại về chuồng, trại chưa thể thống kê hết được. Cục Chăn nuôi đã hướng dẫn các địa phương vận dụng chính sách hiện có để tái đàn, xây dựng kế hoạch phục hồi, nguồn cung cấp giống...

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cũng cho biết: Bão số 3 và mưa lũ đã làm 50.612 ha hoa màu bị ngập úng và 38.104 ha cây ăn quả bị hư hại, gây thiệt hại khoảng 1.250 tỉ đồng. Cùng với đó, giao thông đi lại khó khăn khiến một số mặt hàng thực phẩm khan hiếm và giá tăng.

Từ nay đến cuối năm 2024 và trong năm 2025, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường, giá cả; bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho đời sống và sản xuất kinh doanh; tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm; tiếp tục nghiên cứu tái cấu trúc chuỗi cung ứng năng lượng theo hướng xanh, bền vững và phù hợp với điều kiện tự nhiên của đất nước và nhu cầu của nhân dân; trong ngắn hạn và trung hạn phải tập trung bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu, điện phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

(Trích bài viết Khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính)

Nỗ lực cung ứng, tăng cường rau ngắn ngày

Đối với tình hình sản xuất rau màu, để khôi phục sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương chủ động kiểm tra, tiêu thoát nước kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất, hạt giống để gieo trồng, ưu tiên những loại rau ăn lá, rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp kịp thời cho thị trường khi giáp vụ. "Theo nhu cầu thị trường và điều kiện cụ thể, trước mắt, chúng ta gieo trồng cây ngắn ngày, rau ăn lá. Những loại này chỉ khoảng 25 - 30 ngày sẽ cho thu hoạch", lãnh đạo Cục Trồng trọt khuyến nghị.

Ngày 20.9, Bộ Công Thương đã có công điện về việc chủ động chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó ảnh hưởng cơn bão số 4 (Soulik) năm 2024. Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho các địa phương; ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng… Bộ Công thương khuyến cáo các thương nhân không được đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào; tích cực phối hợp các đơn vị chức năng, Sở Công thương trên địa bàn các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, cung cấp hàng hóa cứu trợ, hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là tại các địa bàn bị chia cắt.

Là hệ thống phân phối lớn hàng đầu cả nước, lãnh đạo Saigon Co.op cho biết đã nhanh chóng tăng lượng dự trữ nguồn hàng gấp 3 lần so với ngày thường. Các trung tâm phân phối Saigon Co.op trên toàn quốc cũng đã lập kế hoạch vận chuyển, điều tiết nguồn hàng kịp thời cho hệ thống siêu thị Co.opmart và cửa hàng Co.op Food tại khu vực miền Trung. 800 điểm bán cũng trở thành những kho vệ tinh, dự trữ nguồn hàng thống nhất và hiệu quả. Các Co.opmart, Co.op Food khu vực miền Bắc đã nhanh chóng khắc phục hậu quả từ cơn bão số 3 Yagi, sẵn sàng mang hàng hóa đã được hệ thống dự trữ từ trước để chi viện cho miền Trung.

Đại diện Saigon Co.op khẳng định: Từ kinh nghiệm ứng phó bão số 3 Yagi, Saigon Co.op tiếp tục triển khai chương trình bán hàng không lợi nhuận, giữ giá ổn định, thực hiện chính sách giá đặc biệt cho những mặt hàng chiến lược mùa mưa bão như rau củ quả, trái cây, nước tinh khiết, các loại thực phẩm ăn liền không cần qua chế biến...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.