Chiến lược chống ma túy được áp dụng cho tới nay là sử dụng quân đội tiêu diệt các băng nhóm và triệt hạ những khu vực sản xuất ma túy trên châu lục. Tiền của được đầu tư cho quân đội chứ không vào các chương trình giáo dục ý thức trong dân chúng, nhất là giới trẻ. Kết quả sau mấy thập niên, như lời của Tổng thư ký OAS Jose Miguel Insulza, “Cuộc chiến ấy đã thất bại. Nó gây ra chi phí vô cùng lớn và đưa tất cả chúng ta vào ngõ cụt”.
Chiến lược mới không tập trung vào phương diện cung ứng mà vào nhu cầu. Nếu không còn nhu cầu thì buôn bán ma túy sẽ không thể phát triển. Muốn vậy thì đối tượng chính là dân chúng chứ không phải các băng nhóm tội phạm như trước. Vì thế, các bước chính sẽ là nâng cao hiệu lực của pháp luật, chống tham nhũng, tuyên truyền, giải thích, cải cách tư pháp, hợp tác với các tổ chức xã hội và phi chính phủ, kiểm soát biệt dược, hợp tác quốc tế… Tất cả đều khác biệt hoàn toàn so với trước.
Tác dụng thực tế như thế nào thì chưa biết nhưng chiến lược này giúp OAS “tự giải phóng” khỏi sự áp đặt của Mỹ, buộc nước này và Canada, vốn là những thị trường tiêu thụ ma túy lớn nhất, phải có trách nhiệm trực tiếp hơn và lớn hơn. Ý nghĩa chính trị của điều này rất đáng kể đối với OAS.
La Phù
Bình luận (0)