3 dự án trọng điểm cùng hoàn thành cuối năm
Hơn 13 giờ 30, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã có mặt tại công trường xây dựng dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM), trực tiếp thăm hỏi, động viên hàng trăm anh em công nhân đang miệt mài tay khoan, tay búa giữa cái nắng như đổ lửa.
Trên công trường, các đơn vị thi công đã huy động hơn 110 cán bộ chỉ huy, kỹ thuật, công nhân… cùng hơn 30 máy móc thiết bị như: máy ép cọc, máy đào, cần trục trên ray, thiết bị khoan nhồi, xe ben vận chuyển đất… tham gia thi công.
Báo cáo đoàn kiểm tra, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP - chủ đầu tư), cho biết một số hạng mục phải thi công liên tục 3 ca để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Đến nay, hầm chui HC1 và đường giao thông đã thi công xong hạng mục đường tạm. Trong khi đó, khối lượng thực hiện của gói thầu Xây lắp số 2 gồm hầm chui HC2 và trạm bơm đã đạt khoảng 77%. Dự kiến nhánh hầm này sẽ được hoàn thành ngày 31.7. Tổng thể khối lượng thực hiện của toàn bộ dự án đạt khoảng 60%. Các đơn vị đang phấn đấu hoàn thành, thông xe nhánh hầm HC1 và toàn bộ công trình vào ngày 31.12 năm nay.
Nhánh hầm HC2 hoàn thành vào 31.7, đồng nghĩa với việc một phần rào chắn sẽ được tháo gỡ, phục hồi lưu thông của các phương tiện qua vị trí ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Đây là tin rất vui đối với những người dân khu nam TP bởi từ ngày 7.2 (28 tháng chạp âm lịch), dự án rào chắn toàn bộ khu vực ngã tư, khiến các phương tiện phải đi quãng đường xa hơn khá nhiều để vào trung tâm TP. Theo dự kiến ban đầu của chủ đầu tư, khu vực này sẽ tạm đóng trong 240 ngày để phục vụ thi công. Như vậy, theo thông tin mới nhất, thời gian chiếm dụng mặt đường của dự án có thể rút ngắn từ 1 - 2 tháng.
Cũng theo ông Lương Minh Phúc, đây là công trình tiêu biểu điển hình về tổ chức thi công trong đô thị. Thời gian đầu đóng nút giao, do người dân chưa quen với phương án tổ chức giao thông mới nên việc lưu thông qua nút giao còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát giao thông, TNXP và lực lượng điều tiết của các đơn vị thi công nên tình hình các phương tiện lưu thông qua nút giao dần ổn định, mặc dù vào giờ cao điểm vẫn có hiện tượng ùn tắc cục bộ tại một vài vị trí.
"Cuối năm nay, chúng ta cũng sẽ hoàn thành cầu Rạch Đỉa và cầu Phước Long - 2 cây cầu cùng nằm trong cụm dự án giải tỏa ùn tắc cửa ngõ phía nam TP. Khi cả 3 công trình hoàn thành vào cuối năm, chắc chắn giao thông khu vực sẽ cải thiện hơn rất nhiều", ông Lương Minh Phúc khẳng định.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng tháo gỡ ùn tắc giao thông khu vực phía nam TP. Trong quá trình thi công, dự án ít nhiều cũng ảnh hưởng tới việc di chuyển của người dân. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu đơn vị thi công dồn lực tăng 3 ca 4 kíp đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời bảo vệ tối đa trật tự xung quanh khu vực rào chắn, lường trước mọi tình huống có thể xảy ra để lên phương án điều chỉnh kịp thời.
"Các đơn vị phải cố gắng phối hợp, đề rõ chỉ tiêu để đẩy nhanh công việc, quyết tâm thông xe hầm HC2 vào tháng 7, tháo bớt rào chắn ở khu vực và đưa toàn bộ dự án hoàn thành vào tháng 12", ông Nên chỉ đạo.
Mở đường từ khu Nam nối với miền Đông, miền Tây
Sau khi kiểm tra dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đoàn công tác tiếp tục di chuyển tới thị sát điểm đầu của dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái trên địa bàn Q.7. Công trình vừa được HĐND TP.HCM thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư tháng 12.2023 với tổng mức đầu tư tăng lên 3.725 tỉ đồng, đang ở bước chuẩn bị để khởi công vào cuối năm nay.
Từ năm 2016, công trình cầu đường Nguyễn Khoái đã được HĐND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.250 tỉ đồng, quy mô khoảng 1 km bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (Q.7) tới điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (Q.4). Dự án thời điểm đó được kỳ vọng trở thành lối thoát mới "giải cứu" giao thông khu nam TP trong bối cảnh bị 2 "nút cổ chai" cầu Kênh Tẻ và đường Nguyễn Tất Thành bóp nghẹt. Tuy nhiên, do tuyến đường đi xuyên qua khu dân cư tại Q.4 với tính chất phức tạp nên việc giải phóng mặt bằng gần như "bất khả thi".
Sau đó, TCIP đã đề xuất điều chỉnh quy mô dự án để kết nối với cả đường Võ Văn Kiệt (Q.1), thay vì chỉ kết nối với Q.4. Ở phương án mới, dự án sẽ làm cầu vượt suốt tuyến từ đường D1 khu dân cư Him Lam (Q.7) đến Q.1 và có nhánh rẽ xuống Q.4.
Theo Sở GTVT TP.HCM, diện tích đất cần thu hồi trong năm nay khoảng 1,7 ha thuộc Q.4 - là một phần trong gần 11,3 ha tổng quy mô thực hiện dự án. Q.1 và Q.7 không phải giải phóng mặt bằng.
Ông Lương Minh Phúc thông tin qua khảo sát thống kê sơ bộ, địa bàn Q.4 có khoảng 125 trường hợp cần phải bồi thường giải phóng mặt bằng. Quận đang đề xuất áp dụng một số cơ chế đặc thù như Vành đai 3. Với những cách tiếp cận mới, hoàn toàn có cơ sở tin tưởng công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ điều kiện khởi công dự án vào cuối năm 2024 sẽ diễn ra thuận lợi.
"TP đã xác định đây là công trình trọng điểm, phấn đấu hoàn thành dịp 30.4 - 1.5.2027. Cầu đường Nguyễn Khoái không chỉ là trục nối kết khu nam TP với trung tâm mà trong tổng thể, sau khi hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thông xe, đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ tiếp tục được mở rộng kéo đến cuối đường Nguyễn Văn Tạo, hình thành nút giao đấu nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành. Như vậy đến 2025 khi khánh thành cao tốc, chúng ta sẽ có trục Bắc - Nam mới đi từ trung tâm TP tới Q.7, H.Nhà Bè, vào cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây cũng được coi là một phần Vành đai 3 mở cửa ngõ ra miền Đông và miền Tây", Giám đốc TCIP nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá cầu đường Nguyễn Khoái là công trình không chỉ người dân mà cả hệ thống chính trị TP đều rất trông đợi. Tuyến đường kết nối từ Q.7, Q.4 vào khu trung tâm, đi qua 4 con đường và 4 cây cầu. Quá trình thi công chắc chắn sẽ có nhiều yếu tố phức tạp. Thành phố sẽ chỉ đạo sát sao ngay từ những bước đầu tiên. Nếu con đường này thành công sẽ là bước chuyển rất lớn về mặt giao thông, đô thị cho TP.HCM.
Bình luận (0)