Thực trạng học sinh thi khoa học kỹ thuật: Vừa thiếu thực tiễn vừa 'bệnh' thành tích

Bích Thanh
Bích Thanh
29/12/2022 07:07 GMT+7

Tại sao một học sinh tiểu học làm bài tập thủ công, làm khẩu trang hay vẽ một bình hoa mà đẹp một cách lung linh rực rỡ? Có bao giờ giáo viên suy nghĩ đứa trẻ làm hay cha mẹ làm thay?

Dù mục tiêu của một cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh có hay thế nào mà không phản ánh đúng năng lực của học trò thì cũng không được đánh giá cao.

Đây là ý kiến của thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM). Vị hiệu trưởng này bắt đầu từ câu hỏi tại sao một học sinh (HS) tiểu học, làm bài tập thủ công, làm khẩu trang hay vẽ một bình hoa mà đẹp một cách lung linh rực rỡ? “Có bao giờ giáo viên chạnh lòng suy nghĩ một đứa trẻ có làm được hay cha mẹ làm thay? Ai cũng biết là phụ huynh làm thay nhưng mà cứ để thực trạng đó tồn tại. Sự gian dối đó hình thành ngay từ sản phẩm đầu đời của các em mà chúng ta không chấn chỉnh”, ông Phú bức xúc nói.

Ông Phú cho rằng tính trung thực đòi hỏi phải được giáo dục từ bậc học thấp nhất bởi “gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen thì gặt tính cách”. Thế nên muốn xây dựng tính cách trung thực cho một HS thì người lớn phải làm gương, đừng chạy theo thi đua, đừng chạy theo thành tích, đừng tạo ra những cuộc chơi mà biết chắc chắn các em không làm chủ sản phẩm.

Học sinh cần một sân chơi sáng tạo, vừa tầm để tạo động lực, niềm vui trong học tập

NGỌC DƯƠNG

Dù cho rằng mục tiêu cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) hướng đến là sân chơi ý nghĩa, mang lại động lực lớn cho HS trong học tập nhưng các giáo viên (GV) đều cho rằng cuộc thi không thể kiểm soát mức độ hướng dẫn của người hướng dẫn.

Một HS đã từng tham gia cuộc thi KHKT và hiện đang là sinh viên ĐH năm thứ nhất cho hay với đề tài tham gia cuộc thi năm học 2021 - 2022, thầy hỗ trợ khoảng 45%. “Chẳng hạn với 15 câu hỏi khảo sát của đề tài, chúng em phải nhờ thầy sửa nhiều lắm. Phần giải pháp thì thầy gửi cho chúng em những tài liệu, chúng em sẽ lấy ý để viết báo cáo. Sau đó thầy coi cách trình bày, ngôn ngữ sử dụng có phù hợp hay không.Thực ra với HS THPT, một đề tài nghiên cứu khoa học có phần hơi cao so với năng lực thực tế”.

Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì về cuộc thi KHKT?

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết 22 lĩnh vực nghiên cứu mà Sở đưa ra căn cứ vào công văn về việc tổ chức cuộc thi KHKT cấp quốc gia HS trung học và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022 - 2023 của Bộ GD-ĐT.

Ông Quốc cũng nói cần phải xác định rõ rằng không phải tất cả các đơn vị, tất cả GV, mọi HS đều có thể tham gia. Chỉ có những đơn vị có định hướng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học để giúp cho hoạt động giáo dục của nhà trường phát triển hơn thì sẽ chủ động trong việc giải quyết các bài toán khó khăn đặt ra trong quá trình triển khai.

Sở GD-ĐT có nhiều phương án để phát hiện và đánh giá đề tài dự thi của HS nhờ vào đội ngũ nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Song song đó, Sở luôn chủ động tiếp thu các ý kiến phản hồi trong công tác tổ chức từ các nhà khoa học, phụ huynh, HS và nhiều kênh thông tin khác. Hằng năm, việc đổi mới thành viên luôn được chú trọng song song với việc hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, đổi mới hoạt động trao đổi, hỏi với HS, nhận xét đề tài, hạn chế tối đa sự lặp lại để có thể giúp đảm bảo tính trung thực, khách quan, nghiêm túc.

Tuy nhiên, ông Quốc thẳng thắn nói cũng không thể hoàn toàn loại bỏ được các nghi vấn như được đề cập, do vậy Sở luôn rất cần nhiều kênh thông tin phản hồi có cơ sở trong quá trình tổ chức.

Người phụ trách mảng HS nghiên cứu KHKT trong một trường THPT tại TP.Thủ Đức phân tích kể từ khi Bộ GD-ĐT cho phép sử dụng kết quả này tuyển thẳng vào ĐH thì việc chạy theo thành tích ngày càng quyết liệt. Hậu quả là hiện nay cuộc thi không còn là sân chơi của HS. “Chưa kể, hầu hết các đề tài, dự án nghiên cứu sau mỗi cuộc thi hằng năm đều không có tính thực tiễn nên không thấy vận dụng vào trong cuộc sống như lý do các đề tài ấy nghiên cứu, đây là một vấn đề mà chúng ta cần xem xét”, người này nhấn mạnh.

Từ đây, các GV đưa ra giải pháp để những cuộc thi này đúng nghĩa là sân chơi của HS. Đầu tiên cần xem xét việc sử dụng kết quả những cuộc thi này để xét tuyển thẳng ĐH. Kế đến, cần có quy chế tổ chức để giám sát và đánh giá được đề tài là do HS thực hiện; kiểm tra để tránh việc sao chép ý tưởng, sao chép đề tài... Một GV có thâm niên hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học nhiều năm nay ở Q.Bình Tân thì nói thẳng là không nên tổ chức thi KHKT cho HS bậc THCS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.