Thuế bất động sản: Bốc thuốc chưa đúng bệnh

02/10/2024 12:08 GMT+7

Vì sao đánh thuế bất động sản thứ hai, thứ ba cứ nâng lên, đặt xuống nhiều lần vẫn trên giấy? Đó là câu hỏi mà mỗi lần đề xuất này đưa ra, chúng ta lại phân tích, mổ xẻ đủ nhưng cuối cùng không giải quyết được. Bởi mấu chốt của vấn đề là lần nào cũng bốc thuốc chưa đúng bệnh.

Mục đích cuối cùng của các đề xuất đánh thuế bất động sản (BĐS) thứ hai, thứ ba, hay nói cách khác là đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất là để hạn chế đầu cơ, từ đó kéo giá nhà đất xuống. Thế nhưng, nguyên nhân khiến giá BĐS ở VN cao thì ai cũng biết, không phải do thuế nhẹ. Bởi thực tế, thuế phí mà người dân phải đóng cho mỗi căn nhà, mảnh đất hiện nay rất nhiều, rất nặng. Cái này đã được Hiệp hội BĐS TP.HCM thống kê đầy đủ, chi tiết trong kiến nghị kéo giảm giá BĐS trước đây. Thế nên, đánh thuế ở thời điểm hiện tại nói thẳng, chỉ có thể làm đội giá chứ đừng mong giảm giá.

Đáng nói là trong khi chúng ta cứ tính chuyện đánh thuế thì những nguyên nhân khiến giá BĐS tăng cao mấy năm gần đây rất rõ ràng nhưng lại không tập trung tháo gỡ. Đầu tiên là cung - cầu mất cân đối. Ai cũng thấy nhu cầu nhà ở của người dân rất cao trong khi nguồn cung lại eo hẹp. Ở TP.HCM, nơi đông dân nhất cả nước, dự án mới thậm chí đếm trên đầu ngón tay. Mà BĐS tất nhiên cũng không nằm ngoài quy luật cung cầu. Khi nguồn cung dồi dào, đa dạng thì thị trường khắc tự điều tiết, giá sẽ không tăng, thậm chí chủ đầu tư muốn bán nhanh còn phải tăng dịch vụ, tăng khuyến mãi, giảm giá thành để cạnh tranh. Ngược lại có 10 "ông bán" mà hàng trăm, hàng ngàn người mua thì giá không tăng mới lạ. Vậy thì việc đầu tiên để giải quyết bài toán giá BĐS là tăng cung.

Mà muốn tăng cung thì phải giải quyết căn bệnh kinh niên trên thị trường lâu nay, đó là thời gian làm thủ tục pháp lý một dự án quá lâu, thường mất từ vài năm, thậm chí hàng chục năm. Thế nên, giới doanh nhân BĐS vẫn nói với nhau rằng: "Ngành này nhìn vậy mà không phải vậy!". Cứ tưởng "ngon ăn" nhưng do thời gian làm dự án kéo dài quá dài khiến chi phí đội lên gấp nhiều lần. Nhưng doanh nghiệp làm thì phải có lãi, nên tất cả các chi phí chờ đợi, chi phí không tên, có tên đều đẩy vào giá thành và người mua gánh chịu. Tắc thủ tục, nghẽn dự án đã trở thành vấn nạn của thị trường BĐS không hồi kết, không giải quyết được. Hãy điểm danh hàng ngàn dự án tắc nghẽn nằm trong chương trình "giải cứu" mấy năm qua, có bao nhiêu dự án thật sự được tháo gỡ để triển khai thi công, tăng cung cho thị trường? Trong 148 dự án "vướng pháp lý" tại TP.HCM tốn không biết bao nhiêu cuộc họp, bàn tháo gỡ, bao nhiêu hồ sơ đã được cởi trói?

Vậy xin hỏi, các cơ quan, các địa phương đề xuất đánh thuế, đã làm hết trách nhiệm trong việc cải cách thủ tục hành chính, cán bộ dám quyết dám làm để thông pháp lý, tăng nguồn cung cho thị trường hay chưa? Liệu người sở hữu căn nhà thứ hai, thứ ba có phải là đầu cơ, là tội đồ khiến giá nhà đất tăng hay không? Nếu đánh thuế, giá không giảm mà tiếp tục tăng thì không lẽ lại tăng thuế?...

Chúng ta đều biết, BĐS là thị trường hết sức nhạy cảm, chỉ một thông tin có nhà đầu tư lớn, có dự án sân bay... cũng đủ tạo nên cơn sốt. Ở thời điểm hiện tại, thị trường Hà Nội nóng vì đấu giá còn TP.HCM sôi sùng sục vì bảng giá đất mới... Dù chưa tới ngày áp dụng, mặt bằng giá mới đã được thiết lập, cao hơn tới 15 - 20%.

Trong bối cảnh đó, việc cần làm chính là cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho một dự án, từ đó tăng nguồn cung, giảm giá nhà, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

Chứ đánh thuế, xưa nay hiếm khi để giúp giảm giá hàng hóa nói chung, huống hồ gì BĐS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.