Thuế TNCN cũng tận thu
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 1.6 về Dự thảo sửa đổi luật Quản lý thuế, đại biểu (ĐB) Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) - bức xúc về chính sách thu thuế quá tận thu hiện nay: “Mức thuế TNCN của Việt Nam đang áp dụng là quá cao so với thu nhập hiện tại và tất cả các nước trong khu vực, làm ảnh hưởng rất lớn tới DN và người lao động”.
Theo quy định hiện hành, mỗi cá nhân có thu nhập chịu thuế từ 0 - 5 triệu đồng phải chịu thuế suất 5%, từ 5 - 10 triệu đồng 10%... được giảm trừ cho bản thân 4 triệu đồng, gia cảnh 1,6 triệu đồng/người. Thu nhập của người dân đã thấp, phải gánh đủ các loại chi phí sinh hoạt, khám chữa bệnh, phí phải nộp khác... khiến số tiền thực nhận thấp, lại còn phải nộp thuế. Điều đáng nói là ở Indonesia, Malaysia và các nước trong khu vực, người dân có thu nhập từ 20.000 -30.000 USD/năm nhưng chỉ phải nộp thuế có 2%. “DN phải vất vả chăm lo đời sống lao động, người lao động vốn đã khó khăn phải cõng thêm tiền thuế TNCN. Vậy số tiền thật người ta được hưởng là bao nhiêu?”, ĐB Hùng đặt câu hỏi.
|
Quay trở lại với luật Quản lý thuế, ĐB Hùng thẳng thắn cho rằng, không chỉ thuế TNCN, mà ngay cả thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và các sắc thuế khác cũng đang quá tận thu. Lẽ ra, chính sách thuế phải khuyến khích tăng tích lũy nội tại của DN, nhưng hiện thuế suất thuế TNDN 25% là quá cao. Tiếp tục so sánh với các nước trong khu vực, ông Hùng chỉ ra các nước láng giềng có chính sách thuế khá rõ ràng: nếu thuế TNDN là 10% thì thuế TNCN cao hơn một chút hoặc ngược lại. Tuy nhiên, thuế suất nào đi nữa thì vẫn phải đáp ứng được tiêu chí để DN chia cổ tức cho các cổ đông, lao động ở mức hợp lý, vừa phải, còn lại để tăng tích lũy. “Thuế gì cũng cao, cao hết cỡ. DN và người lao động mệt mỏi lắm”, ĐB Hùng khép lại phần phát biểu.
|
Lỗ hổng trong quản lý thuế
Tại tổ ĐB Nam Định, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ sự quan ngại về khâu quản lý, giám sát thuế quá lỏng, trong khi ở các nước khác, với hệ thống pháp lý, xử phạt, truy thu, cưỡng chế mạnh, người nộp thuế sợ thuế hơn sợ cảnh sát.
“Thế nhưng ở ta thì lại khác, hàng hóa cho chậm nộp, tạm nhập tái xuất như thả gà ra đuổi. Nợ đọng thuế chủ yếu do hoạt động này, và thất thoát cũng từ đó mà ra” - ông ví von và khẳng định, nhiều trường hợp vi phạm nhưng không xử lý được, do phát hiện ra thì DN đã phá sản, truy tìm không ra, khoản nợ thuế treo đấy. Ông Ninh đề xuất, khi làm chính sách thuế không nên lồng quá nhiều các chính sách khác vào, chẳng hạn như chính sách an sinh xã hội. Bởi như vậy vừa gây khó quản lý, chính sách cũng dễ bị lợi dụng. “Đơn cử như chuyện nhập khẩu xe công. Vì là tiền ngân sách, nên thay vì nhà nước chi tiền, chúng ta miễn thuế. Do đó, không ít trường hợp đi Lexus giá rẻ, mà tài sản ấy biến tướng. Theo tôi, cái gì nhà nước phải chi thì cứ chi trực tiếp, không nên lồng ghép. Chính sách thuế càng đơn giản, minh bạch, quản lý càng tốt, quy định càng phức tạp thì càng thất thu” - ông kiến nghị.
ĐB Phạm Hồng Sơn (Hà Nội) nêu ra một nghịch lý về sự áp đặt của thanh tra thuế, để chứng tỏ lỗ hổng trong quản lý, thanh tra. Ông kể việc mình đã từng nhận được đơn của DN khiếu nại việc thanh tra trước khi ra quyết định xử phạt nhưng DN không đồng ý ký vào biên bản: “Trong khoảng thời gian 2 năm, thanh tra phạt liên tục với số thuế lớn. Trong khi đó, ngay từ biên bản làm việc đầu tiên, DN không thống nhất, đề nghị cơ quan thuế làm lại, nhưng cơ quan thuế vẫn bảo lưu. Tôi có đề nghị cơ quan thuế trả lời, dựa vào căn cứ nào quy định việc ra thông báo. Cuối cùng cơ quan thuế chỉ yêu cầu nộp tiền nợ, không bắt nộp tiền chậm nộp”.
ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) dẫn một thống kê hiện Việt Nam đứng thứ 153/183 nước có nhiều loại thuế nhất, 163/183 nước có môi trường đầu tư kém. “Dân nghèo lại bị bao nhiêu thuế, quản lý thuế kiểu gì mà cái gì cũng đè vào đầu người tiêu dùng là không nên”, ông nói.
Anh Vũ - Nguyệt Minh
>> Giãn bước thuế
>> Tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
>> Bộ Tài chính đề xuất: Thu nhập 5 triệu đồng/tháng miễn thuế
>> Thuế nhà đất chưa hướng đúng mục tiêu
Bình luận (0)