Thuế giảm và giảm thuế

21/11/2023 04:11 GMT+7

Quốc hội đang tiếp tục thảo luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích thích sức mua trong nền kinh tế. Ở chiều ngược lại, hàng triệu người làm công ăn lương vẫn đang ngóng chờ điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để giảm bớt những khó khăn hiện tại.

Vậy thuế VAT và thuế TNCN có liên quan gì đến nhau? Nếu xét bản chất thì một sắc thuế đánh trên hàng hóa, một sắc thuế đánh trên thu nhập của cá nhân, không liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên trên thực tế, cả hai sắc thuế này đều có ảnh hưởng lớn đến sức mua trên thị trường, vấn đề chúng ta đang nỗ lực tìm cách "giải cứu" hiện nay. Thế nhưng trong khi thuế VAT đang được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% đã được áp dụng từ năm 2022 tới nay để kích cầu tiêu dùng, phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thì thuế TNCN đã lỗi thời nhiều năm vẫn phải đợi tới năm 2026 mới được chỉnh sửa. Trước đó, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị xem xét, điều chỉnh thuế TNCN cho phù hợp với tình hình mới nhưng không chuyển biến.

Trong một diễn biến mới nhất, theo ước tính của Bộ Tài chính, lần đầu tiên trong chục năm qua, thu thuế TNCN 9 tháng (2023) tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước (2022) do kinh tế khó khăn, thu nhập người làm công ăn lương giảm. Mà người làm công ăn lương đang chiếm 70% trong tổng số thu của sắc thuế này. Thu nhập giảm, họ sẽ càng thắt chặt chi tiêu, ngay cả khi giá hàng hóa có giảm đi chút ít nhờ giảm 2% VAT. Như vậy, việc duy trì chính sách thuế TNCN lỗi thời không chỉ thiếu sòng phẳng với người nộp thuế mà còn làm giảm hiệu quả của chính sách khác của nhà nước, cụ thể ở đây là thuế VAT.

Quan trọng hơn, duy trì quá lâu chính sách thuế lỗi thời trong bối cảnh khó khăn còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sản xuất. Khi người dân thắt lưng buộc bụng, tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho cao dẫn đến sản xuất cầm chừng, thậm chí ngưng trệ. Chẳng nói đâu xa, ngay tại thời điểm này, thời điểm các doanh nghiệp vào mùa tập kết, cung ứng hàng cuối năm nhưng khảo sát chợ sỉ, chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng... khắp nơi đều khá vắng vẻ. Tại TP.HCM, số cửa hàng đóng cửa tiếp tục tăng. Ngay cả những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như thịt, sữa... sản lượng cũng sụt giảm mạnh. Thực trạng này cũng dễ hiểu bởi thu nhập giảm, gồng gánh thêm giá hàng hóa tăng cao, thêm người thân thất nghiệp... thì việc chắt bóp chi tiêu là tất yếu. Thế nên kích cầu sức mua ngoài việc giảm giá hàng hóa (thông qua giảm VAT) thì còn phải tăng thu nhập cho người dân (thông qua điều chỉnh thuế TNCN về ngưỡng hợp lý). Chính sách phải nội công ngoại kích, phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, tạo thành sức mạnh tổng hợp mới có thể công phá được tường thành sức mua vốn bồi đắp quá dày sau mấy năm khó khăn liên tục.

Nguyên tắc trên ai cũng hiểu, kiến nghị đề xuất cũng rất nhiều nhưng rồi một sắc thuế quan trọng, sát sườn như thuế TNCN vẫn lại phải đợi đến năm 2026 mới được chỉnh sửa. Như nói trên, thu nhập của người dân, đời sống của người làm công ăn lương, việc làm của rất nhiều người lao động đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các khó khăn của nền kinh tế. Vì thế, giãn, giảm chính sách thuế kịp thời là cấp thiết để khoan sức dân và doanh nghiệp. Với thuế TNCN, điều người làm công ăn lương mong muốn chỉ là đưa về ngưỡng hợp lý, hợp tình, chưa nói đến hỗ trợ miễn, giảm hay giãn kỳ nộp thuế gì cả.

Thu thuế giảm báo hiệu thu nhập giảm, và giảm thuế để khoan sức dân... là việc làm cấp thiết để đáp ứng mong muốn chính đáng của người dân cũng như giải quyết bài toán sức mua trong những tháng cuối cùng của năm khó khăn lịch sử 2023 này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.