Thuê vàng cưới: Tiết kiệm nhưng liệu có đánh mất giá trị truyền thống?

24/10/2024 06:00 GMT+7

Nhiều bậc phụ huynh không hài lòng khi biết các cặp đôi có ý định thuê vàng cưới. Họ cho rằng việc này có thể phá vỡ những giá trị truyền thống, biến lễ vật thiêng liêng thành "phông nền" cho lối sống ảo…

"Không có tiền thì thôi"

Khi nghe bên nhà chú rể định thuê vàng cho con gái đeo trong ngày cưới, ba mẹ chị P.T.H (33 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) cảm thấy rất tức giận. Ba chị H. nói thà "con gái ế còn hơn làm chuyện khó coi".

"Ba mình bảo không có tiền thì thôi chứ đừng làm giả trân như vậy. Có thì cho, không có thì thôi. Nhà mình nói tội nghiệp con gái vì đeo vàng mà không phải của mình. Lỡ người ngoài biết thì không biết ăn nói thế nào. Giữa bên hiếu, bên tình, mình không biết phải làm sao", chị chia sẻ.

Chị H. định dành dụm thêm một ít tiền đưa cho bạn trai để phụ anh tổ chức đám cưới. Chị thấy thuê hay mua gì cũng được, miễn là nhà chồng có cho là được. Sau khi tìm hiểu, chị thấy giá thuê một hôm đã khoảng 1,8 triệu đồng nên còn lấn cấn. "Ít ra vàng của mình làm tài sản dự phòng cũng được, mai mốt lên giá thì bán. Nhưng anh bảo cưới hỏi nhiều chi phí như thế không đủ gồng gánh. Mình thấy thương anh, lẫn thương cả ba mẹ mình", chị nói.

Biến động vàng ngày 24.10: Giá vàng nhẫn giảm nhẹ sau khi lập đỉnh lịch sử mọi thời đại

Chỉ mới ngỏ ý hỏi: "Có nên thuê vàng cưới không?", T.L (27 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) bị bạn bè mắng như tát nước. Anh L. cho rằng hiện nay mọi người đã cởi mở hơn, việc thuê vàng cưới sẽ giúp anh tiết kiệm một khoản chi phí đám cưới nhưng không hiểu sao gia đình và cả bạn bè đều không ủng hộ.

Thuê vàng cưới: Tiết kiệm nhưng liệu có đánh mất giá trị truyền thống?- Ảnh 1.

Vì điều kiện tài chính chưa cho phép, nhiều người lựa chọn đi thuê vàng cưới để tiết kiệm

ẢNH: PHƯƠNG VY

"Họ cho rằng mình có tiếng mà không có miếng nên mới cần thuê vàng để sĩ diện. Có người còn bảo mình mua vàng giả đi, nhìn giống lắm, để kế bên đồ thật khó phân biệt được. Mình thấy rằng vợ chồng lấy nhau hạnh phúc không ở đám cưới to hay nhỏ, vàng vóc đeo nhiều hay ít, mà về sống với nhau được dài lâu hay không. Nghèo thì tổ chức đám cưới tiết kiệm tí cũng chẳng có sao", L. chia sẻ.

N.N.P.T (27 tuổi), bạn gái L., kể cô từng nghe trường hợp mẹ chồng sau khi đám cưới xong bắt con dâu lấy tiền phong bì ra trả vàng cưới. Hay nhà chồng cho con dâu vàng trong lễ cưới, nhưng khi cưới xong thì đòi lại và bảo: "Mẹ chỉ cho tượng trưng thôi". Vì thế, T. cho rằng thuê "vẫn còn tốt chán", miễn là cả hai nhà thống nhất trước với nhau. "Chắc phải thêm một thời gian nữa để thuyết phục, hai nhà chúng mình mới đồng ý. Tụi mình sẽ cố gắng hơn một chút để đám cưới được trọn vẹn", T. bộc bạch.

Một chủ tiệm vàng ở Q.Tân Phú (TP.HCM) cho biết chị từng gặp trường hợp một chàng trai đi thuê vàng cưới với lý do trước sau gì cũng lỗ, vàng trang sức có giá thấp nên lấy tiền đó để thuê thì hay hơn. Khi nhận được vàng, cô dâu rất vui, thấy nhà trai đi cho gia đình mình tới 10 lượng vàng. Ai ngờ cưới xong nhà trai... xin lại, mang hết tổng số vàng đi trả. Cô dâu rất tức giận vì không được đối phương cho biết trước.

"Trong đám cưới có tục lệ trao vàng. Vì yêu thương con cái nên có lẽ nhà trai không muốn con bị bẽ mặt. Theo tôi, thuê vàng không sai. Cái sai ở đây là chú rể không thông báo trước cho cô dâu về việc thuê vàng cưới", chủ tiệm vàng nói.

Thuê vàng có đánh mất giá trị truyền thống ?

Theo thạc sĩ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ, trong văn hóa cưới hỏi truyền thống của người Việt, vàng không phải là yếu tố bắt buộc. Qua khảo sát của Bảo tàng TP.HCM, các sính lễ truyền thống chủ yếu gồm trầu cau, đèn, bánh, trái cây và trà rượu. Vàng trong đám cưới thường chỉ giới hạn ở nhẫn cưới và đôi bông tai, mang tính biểu tượng cho tình yêu và sự thủy chung, chứ không cần những món đồ nặng nề như dây chuyền hay lắc tay để khoe mẽ.

Hiện nay, việc thuê vàng cưới đang dần trở thành xu hướng, tuy nhiên điều này có thể làm giảm đi giá trị thiêng liêng và trang trọng của đám cưới, khi mà lễ vật không thực sự thuộc về đôi uyên ương. Nhiều ý kiến cho rằng đi thuê vàng cưới còn phản ánh lối sống ảo ngày càng phổ biến, khi hình thức được chú trọng hơn ý nghĩa thực sự của lễ cưới.

Thuê vàng cưới: Tiết kiệm nhưng liệu có đánh mất giá trị truyền thống?- Ảnh 2.

Việc thuê vàng cưới chưa được nhiều người ủng hộ

ẢNH: PHƯƠNG VY

Một đám cưới văn minh nên tập trung vào giá trị tinh thần, sự chia sẻ và chúc mừng giữa hai gia đình, thay vì chạy đua về vật chất. Điều quan trọng nhất trong ngày cưới không phải là số vàng hay tài sản, mà là tình yêu, sự tôn trọng và thấu hiểu giữa hai gia đình.

Theo thạc sĩ Quang, việc thuê vàng cưới có thể khiến lễ nghi trở nên kém trang trọng vì lễ vật không thực sự thuộc về cô dâu chú rể, làm mất đi những cảm xúc thiêng liêng vốn có trong ngày trọng đại. Nên đặt câu hỏi liệu việc thuê vàng có phải chỉ để thỏa mãn sự chú ý của dư luận hay thực sự có ý nghĩa gì cho đôi uyên ương.

"Khi thuê vàng để có nào là lắc, dây chuyền, vòng đeo kín tay, MC đám cưới mạnh mẽ hô hào và dậy lên những tràng pháo tay chúc tụng, cứ tưởng rằng hạnh phúc lắm, chân thành và thiêng liêng lắm nhưng kỳ thực vừa kết thúc đám cưới thì cô dâu, chú rể như vừa đóng xong một vai tuồng, họ phải tháo để trả lại cho bên cho thuê một cách không lưu luyến. Theo tôi, mỗi nhà mỗi cảnh, niềm tin tâm linh trong hôn nhân còn tùy ở mỗi người. Không thể cho rằng đâu đúng đâu sai, nhưng ở góc độ cá nhân hiểu biết về văn hóa thì tôi khuyên chọn nên sống thật và thể hiện tâm thế tích cực, trân trọng, yêu thương, vun bồi cho tổ ấm được hạnh phúc và thịnh vượng", thạc sĩ Quang nói.

Theo thạc sĩ Quang, xu hướng thuê vàng có thể thay đổi cách nhìn nhận về đám cưới trong tương lai, đó là cổ súy lối sống ảo. Tuy nhiên, quyết định thuê vàng hay không là tùy thuộc vào mỗi gia đình. Quan trọng nhất là các cặp đôi và gia đình cần cân nhắc kỹ lưỡng và nên giữ gìn những giá trị cốt lõi của lễ cưới trong bối cảnh hiện đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.