Một trong những yếu tố khiến đội tuyển Việt Nam không giành kết quả tốt ở 2 trận giao hữu gặp Trung Quốc và Uzbekistan trong tháng 10, nằm ở quyết định mạnh dạn thử nghiệm cầu thủ trẻ của HLV Philippe Troussier.
Ở cuộc so tài hôm 10.10, khi đang có thế trận nhỉnh hơn Trung Quốc, chiến lược gia người Pháp lại tung dàn sao trẻ, trong đó có Đình Bắc, Văn Cường, Thái Sơn, Văn Khang vào sân.
Trong đó, Đình Bắc ra mắt đội tuyển Việt Nam dù chưa từng đá ở V-League. Thái Sơn và Văn Cường chỉ mới 1 - 2 năm mài giũa ở CLB Thanh Hóa và SLNA, thuộc dạng non kinh nghiệm. Văn Khang thậm chí hầu như không có cơ hội thể hiện ở CLB Viettel.
Nếu tính cả Tuấn Tài ở hàng phòng ngự, đội tuyển Việt Nam đã dùng tới 5 nhân tố U.23 trải đều cả 3 tuyến ở trận gặp Trung Quốc.
Đến trận gặp đội tuyển Uzbekistan tối 13.10, HLV Troussier lại bố trí Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn, Đình Bắc ra sân từ đầu. 90 phút trên sân Đại Liên một lần nữa cho thấy, các cầu thủ trẻ chưa thể ăn nhập với hệ thống, cũng như sẵn sàng để đá ngang cơ với những đội hàng đầu châu Á.
Nhìn vào khía cạnh này, những thất bại của đội tuyển Việt Nam sẽ dễ lý giải và cảm thông hơn. Nên nhớ, một mắt xích non kinh nghiệm có thể kéo theo sự xô lệch của cả hệ thống. Đội tuyển Việt Nam từng thua Trung Quốc với tỷ số 2-3 ở lượt đi vòng loại World Cup 2022. Đó là trận đấu mà Tiến Linh cùng đồng đội chơi tốt, nhưng sai lầm của trung vệ Thanh Bình khi hai lần "bỏ lọt" Wu Lei đã khiến đội tuyển Việt Nam trả giá.
Khi được ông Park Hang-seo cho ra mắt đội tuyển Việt Nam ở cuộc so tài với Trung Quốc, Thanh Bình mới đá V-League 1 năm, gần tương tự Thái Sơn hay Văn Khang bây giờ. Vậy nên, khi tung vào sân hàng loạt "măng non", có lẽ ông Troussier đã lường trước viễn cảnh học trò mắc sai sót và thua trận.
Tuy nhiên, nhắc lại sai lầm của Thanh Bình để nhấn mạnh, nếu không được trao cơ hội và mắc lỗi trước đội tuyển Trung Quốc, chưa chắc Thanh Bình đã có trải nghiệm quý giá, để rồi trở thành trung vệ cứng cỏi như hiện tại.
Sau "cú ngã" đó, Thanh Bình trở thành chủ lực ở hàng thủ CLB Viettel, ra sân 53 trận từ V-League 2021 đến nay. Mùa trước, Thanh Bình cùng với Tiến Dũng giúp đội Viettel có tuyến phòng ngự chắc chắn nhất giải đấu. Ở đội tuyển Việt Nam, trung vệ sinh năm 2001 là tác giả của bàn thắng trong trận hòa lịch sử 1-1 với Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022.
HLV Park Hang-seo đã chấp nhận kết quả rủi ro, để học trò có những bài học, thậm chí va vấp, đau đớn, để rồi một trung vệ tiềm năng đã từ khó khăn vươn lên. Đó cũng là sự chờ đợi mà ông Troussier dành cho dàn cầu thủ trẻ, những người mà nếu không được rộng lòng tạo điều kiện, có lẽ ngày được khoác áo đội tuyển còn rất xa, chưa nói đến cơ hội thi đấu.
Trước loạt trận giao hữu, HLV Troussier nhấn mạnh: "Tôi mong muốn học trò bộc lộ sai sót, từ đó mới có thể điều chỉnh". Chiến lược gia người Pháp đánh giá cao vai trò của "sai lầm" trong việc trui rèn cầu thủ. Còn sai lầm là còn tiến bộ. Quan trọng là cầu thủ đã có những va vấp để hiểu mình còn thiếu điều gì. Ông Troussier nhấn mạnh, các buổi tập chỉ đóng vai trò phụ trợ. Muốn tiến bộ, cầu thủ phải có thực chiến, là những trận đấu ở đẳng cấp cao nhất châu Á.
So với đàn anh, lứa U.23 của Văn Khang, Đình Bắc, Thái Sơn, Minh Trọng thiệt thòi hơn khi không được rèn nhiều ở sân chơi quốc tế. Bước lên CLB, họ vấp phải rào cản lớn, đó là lứa đàn anh vẫn đang ở đỉnh cao phong độ, chỉ hơn các học trò của HLV Troussier vài tuổi. Lên đội tuyển, lứa U.23 phải cạnh tranh với các đàn anh ở đẳng cấp cao hơn hẳn, phần nhiều vẫn còn khát vọng cống hiến.
Vậy nên, việc cầu thủ trẻ được thi đấu chỉ có thể đến từ quyết định mở đường, dẫu đầy rủi ro, nhưng rất cần thiết của HLV Troussier.
Việc của các cầu thủ là nỗ lực chứng tỏ, nếu mắc sai lầm thì làm lại. Đáp lại niềm tin và chiến đấu hết mình là cách tốt nhất để những "của để dành" mà ông Troussier tin cậy bước lên tầm cao mới.
Bình luận (0)