Thuốc giả là nguyên nhân thảm kịch triệt sản ở Ấn Độ

13/11/2014 16:00 GMT+7

(TNO) “Chính quyền Ấn Độ có trách nhiệm trong thảm kịch này”, R.K Gupta, bác sĩ trực tiếp thực hiện phẫu thuật triệt sản cho 83 phụ nữ khiến ít nhất 13 người tử vong trong vòng chưa đầy 3 giờ, nói hôm nay 13.11.

Nhân viên y tế chăm sóc cho các nạn nhân tham gia cuộc phẫu thuật triệt sản ngày 11.11 vừa qua - Ảnh: Reuters 

Bác sĩ R.K Gupta cho rằng thuốc giả chứ không phải thiết bị phẫu thuật không vệ sinh, hỏng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 13 phụ nữ. Theo Reuters, bác sĩ nhận trách nhiệm đạo đức về mình, nhưng nói rằng chính quyền Ấn Độ mới là nơi chịu trách nhiệm cho hậu quả thương tâm trên.

“Việc quyết định xem có bao nhiêu phụ nữ được giữ lại khả năng sinh sản là trách nhiệm của chính quyền”, bác sĩ Gupta nói với Reuters tại đồn cảnh sát nơi ông đang bị tạm giam. Ông sẽ phải đối mặt với khả năng bị truy tố vì tội làm vô ý làm chết người.

Ông nói thêm: “Đây là trách nhiệm đạo đức của tôi khi tôi triệt sản 83 phụ nữ đó theo yêu cầu của họ. Nhưng nếu tôi không làm, tôi sẽ vấp phải sự phản ứng của công chúng”. 
 
Gupta nói rằng những nhân viên y tế đã cung cấp cho những phụ nữ này ciprofloxacin (loại thuốc kháng sinh thường gặp trong toa thuốc của các bác sĩ) và thuốc giảm đau ibuprofen sau cuộc phẫu thuật được tiến hành trong một căn phòng đầy bụi bẩn và mạng nhện của một bệnh viện tư tại thị trấn Pandari, Chhattisgarh. Đây là một trong những vùng nghèo nhất Ấn Độ.

 

Nỗi đau của người nhà nạn nhân - Ảnh: Reuters

“Cái chết của những nạn nhân thật bí ẩn. Tôi chưa từng gặp phải tình huống như vậy trước đây. Tôi không phải là thủ phạm. Tôi chỉ là người được đưa ra để chịu tội thay. Chính quyền mới chính là nơi chịu trách nhiệm cho tai nạn này”, ông nói với phóng viên Reuters.

Bác sĩ R.K Gupta đã được nhà nước vinh danh về các hoạt động triệt sản của mình 10 năm về trước. Ông đã thực hiện hơn 50.000 cuộc phẫu thuật triệt sản tương tự.

Ấn Độ là nước có số phụ nữ triệt sản cao nhất thế giới với hơn 4 triệu phụ nữ được triệt sản mỗi năm. Các biện pháp nhằm kìm hãm sự gia tăng dân số của nước này được miêu tả là khắc nghiệt và tàn bạo chỉ sau Trung Quốc.

Chương trình triệt sản của Ấn Độ được thực hiện một cách cưỡng bức bởi nhiều phụ nữ đã được trả tiền để tham gia cuộc phẫu thuật trong khi không hề biết hết những rủi ro. Theo Reuters, những nhà hoạt động xã hội tại nước này nói rằng chương trình triệt sản hàng loạt vốn dĩ đã là một thảm hoạ có thể nhìn thấy trước.

Tỉ lệ sinh của Ấn Độ đã giảm trong những thập kỉ gần đây, nhưng nước này vẫn nằm trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh nhất thế giới. 
 

 

Nhiều người khác đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị tại các bệnh viện - Ảnh: Reuters


Tính đến thời điểm này, đã có 13 người tử vong và nhiều người khác đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị tại các bệnh viện. Một vài trong số họ được phẫu thuật bởi một người bác sĩ khác, điều này theo ông Gupta càng cho thấy ông không có trách nhiệm trong việc gây ra cái chết của những nạn nhân này.

Theo quy trình, bác sĩ cần phải dành ít nhất 15 phút cho mỗi cuộc phẫu thuật và chỉ được thực hiện tối đa 30 cuộc phẫu thuật triệt sản mỗi ngày.

Tuy nhiên, các bác sĩ Ấn Độ cho biết họ thường phải thực hiện khoảng 90 cuộc phẫu thuật mỗi ngày, và không có nhiều thời gian để thực hiện các biện pháp tiệt trùng đảm bảo vệ sinh. Riêng với Gupta, ông cũng cho biết thông thường mình chỉ có khoảng 2 đến 5 phút cho mỗi ca phẫu thuật, việc vệ sinh dao mổ được giao cho 2 phụ tá.

“Găng tay, áo phẩu thuật và kẹp gòn gạc của tôi đều được khử trùng sau mỗi ca mổ trước khi tái sử dụng. Nếu tôi cảm thấy không ổn, tôi sẽ thay cái mới. Tôi thực hiện 10 ca phẫu thuật với cùng một con dao mổ”, ông nói.

Thu Thảo

>> Biểu tình lớn ở Ấn Độ vì vụ chết sau khi triệt sản
>> Triệt sản hàng loạt ở Ấn Độ, 8 phụ nữ tử vong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.