Người bệnh mong bác sĩ kê toa đúng bệnh, hợp lý, an toàn, hiệu quả; có toa rồi còn mong thuốc dùng đảm bảo chất lượng thì bệnh mới khỏi.
Từ lâu, người dân, báo chí đã nhiều lần đặt vấn đề về việc tại sao thuốc, vật tư của bệnh viện (BV), thuốc bán tại nhà thuốc trong BV luôn có giá cao hơn thuốc bên ngoài. Cơ quan chức năng lý giải, thuốc BV được kiểm soát về chất lượng, là hàng có nguồn gốc...; còn thuốc bên ngoài có thể là hàng trôi nổi, kém chất lượng nên giá rẻ hơn. Vì thế, người dân phần nào tin vào chất lượng thuốc trong BV hơn thuốc bên ngoài, qua lý giải đó.
Thế nhưng, mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kết luận thanh tra tại BV Nguyễn Tri Phương và BV Y học cổ truyền, TP.HCM cho thấy thuốc trong BV dùng cho người bệnh cũng kém chất lượng, “có vấn đề”. Tại BV Y học cổ truyền phát hiện, vị thuốc, dược liệu BV mua vào với giá cao gấp nhiều lần, mà chất lượng lại kém, không đạt chuẩn qua kiểm nghiệm; hồ sơ tham gia dự thầu của công ty đưa thuốc vào BV có vấn đề, khai khống nhưng BV vẫn cho họ trúng thầu. Còn tại BV Nguyễn Tri Phương, việc quản lý lỏng lẻo, để thất thoát thuốc, nhân viên ăn cắp thuốc, nợ tiền thuốc kéo dài, buộc BV mua thuốc thay thế (hàng generic rẻ hơn nhiều lần so với biệt dược gốc) để dùng cho bệnh nhân. Việc này, nếu không thanh tra, kiểm tra thì người bệnh không hề hay biết.
BV là nơi người bệnh vào đây gần như không có quyền lựa chọn, quyết định về việc sử dụng thuốc cho mình, nhất là bệnh nhân điều trị nội trú, hay trong lúc thập tử nhất sinh. Vì thuốc chữa trị cho từng loại bệnh đã được BV mua sẵn. BV mua thuốc gì, bác sĩ kê thuốc gì thì người bệnh dùng loại đó. Do vậy, nếu nhà quản lý BV, bác sĩ không có tâm thì người bệnh lãnh đủ.
tin liên quan
Mua thuốc giá cao, kém chất lượng cho bệnh nhân uốngChiều 28.7, Sở Y tế TP.HCM công bố kết luận thanh tra về công tác đấu thầu dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền (YHCT) tại Bệnh viện (BV) YHCT TP.
Theo thống kê, bình quân chi phí cho tiền thuốc chiếm khoảng 50 - 60% tổng chi phí cho một đợt điều trị/người bệnh. Hằng năm, tổng chi phí tiền thuốc (cơ quan bảo hiểm y tế chi trả cho các BV có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế) hàng chục ngàn tỉ đồng, như trong năm 2015 là hơn 30.000 tỉ đồng, một con số rất lớn.
Điều đó cho thấy, thuốc đưa vào BV cần phải có sự kiểm soát nghiêm, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Lâu nay, luôn có chuyện “xì xầm” về việc bác sĩ kê toa theo “cầm tay chỉ việc” của các trình dược viên, các hãng thuốc để hưởng hoa hồng - ý nói, không kê toa “hợp lý, an toàn, hiệu quả” mà kê toa vì... hoa hồng. Rồi chuyện đấu thầu, chuyện cung cấp thuốc vào BV cũng là chủ đề thường được bàn tán, đây đó bị cho rằng “có vấn đề” trong khâu lựa chọn thuốc, nhà cung cấp thuốc vào BV - kiểu như BV Y học cổ truyền TP.HCM, mua thuốc giá thì cao mà chất lượng lại kém. Mới đây cũng xảy ra lùm xùm về chuyện một phó giám đốc BV ở TP.HCM bị tố “ép” nhân viên đưa danh mục thuốc của một công ty vào BV, việc này đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Mua nhầm một món hàng tiêu dùng là hàng dỏm, hàng giả có thể chỉ bị mất tiền, bị lừa gạt; còn mua nhầm thuốc giả, thuốc kém chất lượng còn bị nguy hiểm đến tính mạng. Cơ sở y tế, BV là nơi được nhà nước giao trọng trách chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý, cần lắm cái tâm, y đức của lãnh đạo BV, bác sĩ, để người bệnh được điều trị hiệu quả, an toàn với một chi phí hợp lý.
Bình luận (0)