'Thuốc lá điện tử dễ bị tẩm ma túy, chất gây nghiện lại nhắm vào giới trẻ'

29/05/2024 11:11 GMT+7

Cho rằng đang có khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu để có giải pháp ngăn chặn phù hợp.

Sáng 29.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, tỏ ra lo lắng với các sản phẩm thuốc lá mới, trong đó có thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử đang tràn lan với diện rộng trên thị trường.

'Thuốc lá điện tử dễ bị tẩm ma túy, chất gây nghiện lại nhắm vào giới trẻ'- Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị có giải pháp ngăn chặn thuốc lá điện tử

GIA HÂN

Đây là sản phẩm được Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan y tế Việt Nam khuyến cáo có hại cho người dùng. 

Theo ông Hạ, nguy hiểm ở chỗ các loại thuốc lá mới này dễ bị lợi dụng để tẩm ma túy, các chất gây nghiện trong khi lại nhắm vào đối tượng giới trẻ, thanh thiếu niên. Nhắm vào thị hiếu của giới trẻ với bề ngoài bao bì hình ảnh bắt mắt thu hút trẻ em, thậm chí vỏ ngoài ghi là sữa. 

"Có hàng chục nghìn loại hương liệu thuốc lá điện tử. Dù chưa có doanh nghiệp nào phân phối song trên thị trường không thiếu loại thuốc lá này, thậm chí cả trong trường học. Các sản phẩm được quảng cáo, mua bán công khai trên mạng. Đang có khoảng trống pháp lý với loại hình này", ông Hạ nêu và đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu cả khoa học và thực tiễn để có giải pháp ngăn chặn phù hợp.

Đại biểu Tạ Văn Hạ: 'Thuốc lá điện tử dễ bị tẩm ma túy, chất gây nghiện lại nhắm vào giới trẻ'

Trước đó, Bộ Y tế đã đề nghị cấm thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Lý do, theo bộ này, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Hầu hết các ca nhập viện trong độ tuổi từ 16 - 64. Trong đó, 27 ca dưới 16 tuổi, 102 ca từ 18 - 24 tuổi.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, năm 2023, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 đang sử dụng thuốc lá điện tử là 7,0%.

So sánh với các nghiên cứu khác theo thời gian cho thấy, năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020).

Người dân Việt Nam có 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật

Quan tâm về vấn đề bền vững lao động và dân số, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, tình trạng chênh lệch về chỉ số tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng ở nước ta chưa được cải thiện nhiều.

'Thuốc lá điện tử dễ bị tẩm ma túy, chất gây nghiện lại nhắm vào giới trẻ'- Ảnh 2.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình)

GIA HÂN

"Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm, như vậy người dân Việt nam có gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật", đại biểu Thu nêu.

Theo bà, tất cả điều này tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc y tế nhưng chưa có giải pháp hiệu quả ứng phó. Giải pháp để chậm già hóa dân số, cần khuyến khích tỷ lệ sinh bằng cách tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản; hỗ trợ chăm sóc trẻ em; giảm thiểu phân biệt đối xử về giới…

Đồng thời, cải thiện hệ thống y tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, đào tạo nhân lực y tế và phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân ở mọi lứa tuổi…

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sĩ y khoa, trên cơ sở hỗ trợ học phí với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước. 

Như vậy, vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đạt được nguyện vọng trở thành bác sĩ, đồng thời giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.