Thuốc lá làm nóng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành

05/12/2022 10:00 GMT+7

Chuyên gia xác định: “Theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì thuốc lá làm nóng được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Còn đối với thuốc lá điện tử thì pháp luật hiện nay chưa có quy định”.

Đó là phát biểu của đại diện Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội, trong khuôn khổ hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” tổ chức tại Hà Nội ngày 24.11 vừa qua.

Điều này có nghĩa, thuốc lá làm nóng (TLLN), thuộc nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), đã đủ cơ sở để chịu sự kiểm soát của Luật hiện hành như bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào đang xuất hiện trên thị trường hiện nay.

Thuốc lá làm nóng có thể được xếp vào “thuốc lá khác”, phân biệt với thuốc lá điếu

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Ngọc phát biểu: "Như chúng ta đều biết, Luật Phòng chống tác hại thuốc PCTHTL 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5.2013; sang năm sau 2023 thì thực tế là bộ luật đã được thực hiện trong vòng 10 năm".

Được biết, bộ luật này được Quốc hội thông qua nhằm quy định về các biện pháp giảm cung, giảm cầu, phòng chống tác hại của thuốc lá. Để giúp các cơ quan hành pháp hiểu rõ, Khoản 1, Điều 2 của Bộ luật đã định nghĩa: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

Giải thích thêm, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: "Trong Luật PCTHTL, nhà làm luật bao giờ cũng có tính dự báo để luật được ổn định lâu dài. Sử dụng nguyên liệu gì để đưa vào tẩu, vào máy để từ đó đưa một lượng nicotine vào cơ thể, thì tôi cho rằng đó chính là thuốc lá. Ở góc độ luật, ta đã có quy định dưới hình thức sản phẩm thì có “dạng khác”, nguyên liệu thì có “nguyên liệu thay thế khác”.

Thông tin bổ sung thêm từ ông Lê Thành Hưng, Phó trưởng phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học - Công nghệ cho thấy: “Hiện nay, WHO đã xác định TLLN là sản phẩm thuốc lá, chịu sự điều chỉnh của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) và tương ứng với Luật PCTHTL của từng quốc gia. Theo báo cáo của WHO tháng 7.2021, hiện nay đã có 184/193 quốc gia thành viên quản lý TLLN theo luật hoặc phân TLLN vào danh mục hàng hóa khác”.

Bộ Công thương sẽ sớm trình đề xuất quản lý TLTHM bằng Nghị định 67 sửa đổi

Chia sẻ về tiến trình quản lý TLTHM, với những chuyển biến tích cực, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết: "Năm 2021, Bộ Công thương có 2 tờ trình 5200 và 5201 báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất chính sách về quản lý về các loại hình TLTHM. Về cơ bản các bộ, ngành như là Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư... đều thống nhất rằng: Biện pháp quản lý này là cần thiết và có cơ sở, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tháng 10.2022 vừa qua, lãnh đạo hai bộ là Bộ Công thương và Bộ Y tế đã làm việc với nhau để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định để báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định theo chỉ đạo tại Công văn số 8564/VPCP-CN ngày 23.11.2021 của Văn phòng Chính phủ”.

Về phía thẩm định kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã có những nghiên cứu đánh giá độc lập do Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thực hiện dành cho sản phẩm TLLN. Cụ thể là 3 tiêu chuẩn chất lượng, trong đó bao gồm 2 tiêu chuẩn về phương pháp thử nghiệm và 1 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật.

Cập nhật về tiến độ trình Chính phủ nội dung Nghị định 67 sửa đổi do Bộ Công thương chủ trì thực hiện, ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết: “Dự kiến trong tháng 12, sau khi có ý kiến trả lời chính thức của Bộ Y tế đối với một số nội dung còn vướng mắc, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi. Đây cũng là căn cứ để giúp cho hoạt động quản lý nhà nước về thuốc lá trong thời gian tới được thuận tiện và hiệu quả hơn”. Được biết, trong số các quốc gia đã ban hành các quy định cho phép thương mại hóa TLTHM có hầu hết các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và cả Malaysia, Indonesia, Philippines… Điểm chung tại các nước là các sản phẩm TLTHM được quy định và quản lý chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của người hút thuốc.

Khép lại phần tham luận, ông Cao Trọng Quý mong muốn: “Với xu thế hội nhập về mọi mặt như hiện nay, việc trên thị trường xuất hiện TLTHM là điều không thể tránh khỏi. Tại hội thảo hôm nay, chúng tôi mong muốn vấn đề chính sách đối với các sản phẩm TLTHM được thúc đẩy nhanh chóng hơn nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ một cách kịp thời”.

Đối với Bộ Y tế, ông Nguyễn Hồng Ngọc cũng đề nghị: “Bộ Y tế và các bộ có liên quan cần thực hiện tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật PCTHTL, đánh giá tác động những vấn đề mới phát sinh cần luật hóa, cần sửa đổi, bổ sung, những hạn chế vướng mắc làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện, và có giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá”.

Minh Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.