Thuốc lá thế hệ mới: Quản lý được không?

19/12/2020 08:00 GMT+7

Các loại thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), thuốc lá điện tử đang “sống khỏe” trên thị trường chợ đen, thách thức các cơ quan quản lý thị trường, tác động sức khỏe người dùng và gây thất thu ngân sách nhà nước.

Theo các cơ quan quản lý thị trường, nhu cầu về thuốc thế hệ mới là khá nhiều, lợi nhuận lại vô cùng cao nên người bán tìm mọi cách để “tuồn” hàng vào thị trường. Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng bày bán trên thị trường hiện tại đều là hàng nhập lậu, không kiểm soát được chất lượng và đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đáng nói, những sản phẩm này không chỉ được rao bán ở các website thương mại điện tử và mạng xã hội, mà còn được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng ở các thành phố lớn, kể cả Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề buôn lậu thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đã được tổ chức thời gian qua

Nhiều hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề buôn lậu thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đã được tổ chức thời gian qua

Trong hơn một năm qua, nhiều hội thảo, toạ đàm của các đơn vị báo chí phối hợp với các các cơ quan ban ngành chức năng đã được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng chưa đủ thông tin để cho phép thương mại hoá thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam, phần lớn những ý kiến khác đều nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sớm có khung hàng lang pháp lý rõ ràng cho các sản phẩm thuốc lá không khói này. Càng trễ nải trong việc quản lý các sản phẩm thế hệ mới này thì sẽ càng dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe cho người sử dụng cũng như thất thoát ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Phát biểu tại TỌA đàm về “Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam” tháng 11 vừa qua tại Hà Nội, đại diện phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, không nên có tư duy “không quản được thì cấm”. Vì cấm không phải là giải pháp, thay vào đó nên cần hiểu cơ chế hoạt động riêng biệt của từng loại sản phẩm, và nếu sản phẩm nào được xác định thuộc một trong những định nghĩa của thuốc lá thì sẽ xem xét theo luật Phòng, Chống tác hại thuốc lá (LPCTHTL) hiện nay.
Được biết, tháng 10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ và địa phương “siết chặt hơn nữa việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng”. Liên quan tới việc đề xuất chính sách quản lý đối với các mặt hàng này, Bộ Công thương được giao để thực hiện. Trước đó, ngày 17.6, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn yêu cầu khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, và tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Có thể quản lý theo phạm vi của luật Phòng, Chống tác hại của thuốc lá hay không?

Trước thực tế các cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc xử phạt vi phạm liên quan đến thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp đặt câu hỏi: "Thuốc lá thế hệ mới có phải thuốc lá theo định nghĩa của luật phòng chống thuốc lá hay không?”. Bà cho rằng, trường hợp xác định thuốc lá thế hệ mới các đủ các đặc tính và được coi là thuốc lá theo định nghĩa của luật Phòng, Chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) thì nhất thiết phải rà soát các quy định của luật và các văn bản có liên quan.
Được biết, tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã chính thức phân loại sản phẩm thuốc lá làm nóng theo mã HS.2403.99 (sản phẩm thuốc lá khác). Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá nên chịu sự điều chỉnh của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Riêng tại Việt Nam, Luật PCTHTL năm 2012 định nghĩ rất rõ: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.
Như vậy, xét ở góc độ này thì riêng sản phẩm thuốc lá làm nóng đã hoàn toàn có thể được quản lý dưới Luật PCTHTL 2012.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thuốc lá thế hệ mới ra đời cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, giảm mức độ độc hại với người tiêu dùng vì vậy không thể đặt quy định về thuốc lá truyền thống để áp dụng cho loại sản phẩm này. Ví dụ tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang áp dụng một hướng tiếp cận kết hợp đối với các quy định về thuốc lá thế hệ mới. Thuốc lá điện tử có chứa nicotin được Bộ Y tế quy định và được xem như một loại dược phẩm. Trong khi đó, thuốc lá làm nóng được nhận định là một sản phẩm thuốc lá vì các nguyên liệu của chúng được làm từ cây thuốc lá và được Bộ Tài chính kiểm soát. Khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm thuốc lá làm nóng ít nghiêm ngặt hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy, bao gồm cả về việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng.
Như vậy cho đến nay với thuốc lá làm nóng, do chứa nguyên liệu thuốc lá, có thể được xem là phù hợp với các luật định quản lý thuốc lá trong nước và quốc tế. Chính vì thế, các cơ quan ban ngành khi đưa ra quy định dành cho sản phẩm này dường như “dễ thở” hơn so với thuốc lá điện tử vì gần như đã có khung luật định sẵn sàng. Do đó, việc càng trì hoãn đưa ra quyết định chính thức sẽ chỉ tạo điều kiện cho thị trường chợ đen phát triển, cũng như gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.