Thuốc viện trợ trở thành rác

11/09/2010 09:45 GMT+7

Tại bãi rác chính của Dải Gaza, mỗi ngày có vài chục trẻ em nghèo cào bới rác kiếm phế liệu, và khoảng 100 con chó hoang sục sạo tìm thức ăn. Trong đống rác kín đặc ruồi này có 1/5 lượng thuốc viện trợ mà Gaza nhận được kể từ khi cuộc chiến với Israel chấm dứt hồi tháng 1-2009.

Vứt đi 70%

Bộ Y tế của chính quyền Hamas và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng, số thuốc viện trợ đã hết hạn hoặc sắp hết hạn trước khi chúng đến Dải Gaza. Do Gaza không có hệ thống xử lý rác tiên tiến, nên chính quyền địa phương đổ chúng ra bãi rác ngoài trời và cào bằng cùng với các loại rác rưởi. Trong thùng xe tải, những người đàn ông dùng tay trần đẩy các thùng thuốc chữa bệnh rơi xuống bãi rác nồng nặc mùi.

Theo Bộ Y tế Hamas, ngoài việc chuyển tới Dải Gaza những lô thuốc hết hạn, nhiều đơn vị viện trợ còn gửi dược phẩm và thiết bị chất lượng thấp hoặc không phù hợp. Các bác sĩ nói rằng, phần lớn thiết bị y tế lạc hậu (có khi lên tới 10 năm), gãy vỡ, hoặc không tương thích với nguồn điện địa phương.

Đôi lúc tổ chức viện trợ lại gửi nhiều dược phẩm đến nỗi Gaza dùng 5 năm cũng không hết, nên cuối cùng thuốc hết hạn và phải đổ đi. Bộ Y tế Hamas nói rằng, họ phải vứt bỏ 70% lượng dược phẩm và thiết bị y tế nhận được trong 18 tháng qua.

Một bác sĩ nhận định rằng, Dải Gaza đã trở thành bãi rác viện trợ và đây không phải là trường hợp cá biệt. Ông nói, thỉnh thoảng thuốc chữa bệnh được gửi tới thành phố El Arish của Ai Cập trước khi theo đường bộ đến Dải Gaza. Khi quan chức Gaza cho rằng, thuốc đã quá hạn, các nhà tài trợ phản đối và gửi chúng tới khu vực Darfur ở Sudan, vị bác sĩ giấu tên nói.

Bộ Y tế Hamas nói rằng, hồi tháng 5, họ nhận được lượng thuốc Tamiflu (dùng để trị cúm H1N1) trị giá 2 triệu USD, đủ để phục vụ 1/3 dân số Gaza. Cơ quan này nói rằng, nguy cơ H1N1 đã qua, nên số thuốc Tamiflu viện trợ cũng đến an nghỉ ở bãi rác.

Tiến sĩ Ehab Hjazi, Trưởng ban Viện trợ (Bộ Y tế Hamas), nói rằng, nếu các nước và tổ chức quốc tế phối hợp trực tiếp với bộ hoặc tìm hiểu thông qua WHO, họ sẽ hiểu Gaza thực sự cần gì. Các bệnh viện ở Dải Gaza đang thiếu trầm trọng 115 loại dược phẩm, trong đó có thuốc trị ung thư và kháng sinh. Tuy nhiên, Hamas bị nhiều nước coi là một nhóm khủng bố nên nhiều nhà tài trợ bị trói tay trói chân. Nếu giao dịch với Hamas, họ có nguy cơ bị cấm hoạt động và mất nguồn tài chính.

 

Phải tuân thủ 4 nguyên tắc

Tất cả đơn vị viện trợ thuốc trên thế giới phải tuân thủ bản hướng dẫn mà WHO, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế cùng các tổ chức viện trợ khác đưa ra năm 1996 và sửa đổi năm 1999. Bốn nguyên tắc cơ bản là: Đem lại lợi ích tối đa cho người nhận, tôn trọng mong muốn và quyền của người nhận, không có tiêu chuẩn kép về chất lượng, và liên lạc hiệu quả giữa người cho và người nhận. Ngoài ra, thuốc phải phù hợp với đặc điểm bệnh tật ở địa phương, được đóng gói cũng như dán nhãn hợp lý, và còn hạn dùng ít nhất một năm.

WHO cũng đưa ra hướng dẫn về số lượng viện trợ để cung không vượt quá cầu, gây ra những phiền phức không đáng có. Hướng dẫn này được đưa ra sau khi 5.000 tấn thuốc và thiết bị y tế gửi tới Armenia để giúp nạn nhân động đất năm 1988. Có đến 50 người phải làm việc trong nửa năm mới kiểm kê hết số hàng viện trợ, trong đó 8% hết hạn khi tới nơi, 4% bị sương giá phá hủy.

Trong số thuốc còn lại, chỉ có 30% là dễ xác định, và 42% là phù hợp với việc sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Những trường hợp tồi tệ khác gồm bảy xe tải chứa thuốc aspirin hết hạn mất sáu tháng để đốt ở Eritrea năm 1989; 11 phụ nữ Lithuania mất thị lực tạm thời sau khi dùng một loại thuốc viện trợ năm 1993; 17.000 tấn thuốc hết hạn và không cần thiết gửi tới Bosnia & Herzegovina từ năm 1992 đến năm 1996 phải đốt bỏ với chi phí 34 triệu USD.

Sau khi bão Katrina tấn công Mỹ, Direct Relief (tổ chức phi lợi nhuận cung cấp trợ giúp y tế ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới) bắt đầu tích trữ dược phẩm và thiết bị y tế tại các bệnh viện ở những nước thường xuyên có bão thuộc khu vực Caribê, trong đó có Haiti.

Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, WHO tạo ra bộ công cụ y tế khẩn cấp gồm các loại thuốc tiêu chuẩn, đồ sử dụng một lần và thiết bị phục vụ chăm sóc y tế cơ bản đủ dùng cho khoảng 10.000 người trong ba tháng.

Các tổ chức cứu trợ lớn và nhà cung cấp phi lợi nhuận thường xuyên lưu trữ bộ công cụ này để có thể triển khai sử dụng trong vòng 48 giờ.
 

Năm 2004, sau khi hứng chịu thảm họa sóng thần, Indonesia được viện trợ quá nhiều thuốc ho và tetracycline. Trong tổng số thuốc Indonesia nhận được, 60% không có trong danh mục thuốc thiết yếu của nước này, và 70% có nhãn viết bằng tiếng nước ngoài.

"Không thể viện trợ theo kiểu nghiệp dư. Phải là sản phẩm phù hợp, có số lượng phù hợp, chất lượng thích hợp, và được gửi vào thời điểm thích hợp", Myron Aldrink, Chủ tịch của Đối tác Viện trợ Y tế Chất lượng (liên minh 14 nhà hãng dược phẩm và thiết bị y tế cùng 16 tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận làm việc tại các nước đang phát triển), nói.

Liên minh này ra đời năm 1999, sau khi dư luận quốc tế chỉ trích việc gửi thuốc viện trợ không dùng được cho nạn nhân các cuộc chiến trên bán đảo Balkan. Theo Bill Lin, Giám đốc phụ trách đóng góp doanh nghiệp của Johnson & Johnson (một thành viên sáng lập của liên minh), dù liên minh được WHO đánh giá cao, nhiều người vẫn cho rằng, doanh nghiệp viện trợ thuốc vớ vẩn để được khấu trừ thuế, mà lại không mất công tiêu hủy ở nước họ. Nhiều hãng dược bị mang tiếng vì một số nhà thuốc địa phương, nhà thờ, tổ chức nhân đạo tự phát, cá nhân gửi thuốc ế, thuốc dùng dở, thuốc không phù hợp… tới vùng bị thiên tai mà không tuân thủ quy định chung. 

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.