Sau khi lướt mạng xã hội và vô tình thấy clip bé gái 12 tuổi bị một phụ nữ đá, lấy ghế nhựa đánh liên tục vào người, trong khi bé co rúm lại, chỉ biết im lặng và dùng tay đỡ đòn, một phụ huynh là mẹ của 2 bé gái 12 và 6 tuổi đã nhắn với tôi: “Hổ dữ còn không ăn thịt con. Sao người phụ nữ ấy có thể hành động như vậy”…
Video ghi lại cảnh bé gái 12 tuổi bị mẹ đá, dùng ghế nhựa đánh liên tiếp vào người |
CẮT TỪ CLIP |
Thanh Niên sau đó có một số tin, bài cho biết đoạn clip trên được quay ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) và cơ quan chức năng đã vào cuộc. Theo UBND Q.Phú Nhuận, qua xác minh thì bé gái đang sống cùng mẹ và 3 người dì; ba bỏ đi từ khi em còn nhỏ. Lúc nhỏ, bé sống cùng bà ngoại do mẹ em đi xuất khẩu lao động. Đến năm 9 tuổi, mẹ về đón bé sống cùng cho đến nay. Xảy ra vụ việc như trong clip là do người mẹ trong quá trình nuôi dạy con đã thiếu kiềm chế, nóng nảy…
Trong một cuộc hội thảo được tổ chức cuối năm ngoái (2021), theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020 phát hiện 1.945 vụ xâm hại 2.008 trẻ em. Đa số các vụ việc được phát hiện hung thủ không xa lạ với nạn nhân, hoặc gia đình nạn nhân. Xâm hại trẻ em (luật Trẻ em năm 2016) là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ thiếu kỹ năng trong việc giáo dục con cái, vẫn còn hiểu theo nghĩa đen “thương cho roi, cho vọt” nghĩa là tự cho mình quyền dạy dỗ con cái bằng đòn roi, bạo lực… Truyền thông cho những đối tượng này hiểu sâu sắc về pháp luật bảo vệ trẻ em và quyền của trẻ em là điều rất cần thiết. Không những vậy, hàng xóm, những người khác, khi thấy hành vi xâm hại trẻ em, cũng không nên xem đó là “chuyện của nhà người ta”. Trang web của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) có tính năng tiếp nhận các báo cáo xâm hại trẻ em trên mạng. Cần hành động một cách thiết thực, để hạn chế những chuyện đau lòng liên quan xâm hại trẻ em.
Bình luận (0)