Đó là nói những đơn vị còn trụ được qua cơn bão khủng hoảng tài chính của năm rồi, còn những doanh nghiệp đang vật lộn với việc trả nợ ngân hàng thì xoay xở làm sao để có lương cơ bản cho công nhân mua vài cân thịt ăn Tết cũng đã phát ốm rồi, nói gì đến thưởng.
Trong danh sách các doanh nghiệp thưởng Tết mà Sở LĐTB&XH các tỉnh ở miền Trung nắm được cho đến nay thì thấy mức độ chênh lệch của việc thưởng là quá lớn. Có doanh nghiệp thưởng đến 86 triệu nhưng cũng có đơn vị, số tiền được gọi là thưởng ấy, nói ra chẳng mấy ai tin: 50.000đ (năm chục ngàn đồng). Phải viết số tiền “thưởng” trên thành chữ kẻo có người lại nhầm vì thời buổi mà đủ các loại phí đang đè lên cổ người dân, các loại giá đang nhảy múa như ngựa thì số tiền thưởng với mệnh giá 50.000đ kia, quả là chuyện hài hước. Nhưng biết làm sao được! Doanh nghiệp trụ lại được, không nợ lương của công nhân đã là may lắm rồi nên thưởng 50.000đ, công nhân cũng đành ngậm ngùi mà chia sẻ với doanh nghiệp vậy.
Nhưng cũng có người lại bảo “thà đừng thưởng chứ thưởng 50.000đ, bôi bác quá”. Ngẫm lại cũng có lý đấy. “Bôi bác” thì không dám nói, song thử hỏi 50.000đ hiện nay thì làm được gì mà tròng cho nó cái tên nghe rất kêu là “thưởng Tết”? Số tiền ấy bây giờ chỉ đủ ăn 2 bữa cơm bình dân mà thôi. Cũng cần nói thêm là, chủ quán cơm bình dân dọn gì ăn nấy chứ nếu bóc thêm trái chuối hoặc gọi thêm chén cơm, 50.000đ kia sẽ không đủ đâu đấy! Hẳn là các ông chủ doanh nghiệp không có điều kiện để ăn cơm bình dân như công nhân nên không biết giải bài toán 50.000đ này.
Cơn bão khủng hoảng tài chính đã càn quét tơi bời trong năm qua, đẩy hàng chục ngàn doanh nghiệp văng ra khỏi guồng quay của đời sống, nên doanh nghiệp nào còn “đứng” được, làm sao để không bị giải thể đã là may rồi. Nhưng khi các ông chủ quyết định mở két bạc cuối năm để thưởng cho những người đã từng chung lưng đấu cật qua cơn bĩ cực với ngần ấy tiền, nghe sao quá ngậm ngùi. Thôi thì cũng đành lòng vậy, cầm lòng vậy.
Lại cũng có người nói, 50.000đ như thế đã là may. Hàng ngàn giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng nông thôn và miền núi, từ rất nhiều năm qua, “thưởng Tết” với họ là một khái niệm xa xỉ. Gào khản giọng quanh năm, cuối năm họ chỉ được “thưởng” một tờ lịch, nơi nào mà công đoàn và ban giám hiệu biết “tiết kiệm chi” thì giáo viên có thêm ký hạt dưa, còn không thì tay trắng. Vì vậy, ai mong đến Tết chứ đối với số giáo viên này, nghe đến từ “tết”, lòng họ buồn thêm. Vì ngay cả 50.000đ-hai bữa cơm bình dân- họ cũng không có được thì mong đến Tết làm gì?
Trần Đăng
>> Thưởng tết ở Quảng Nam cao nhất 42 triệu đồng
>> Thưởng Tết ở Đồng Nai cao nhất 650 triệu đồng
>> Đà Nẵng: Thưởng Tết ở doanh nghiệp FDI chênh lệch hơn 1.400 lần
Bình luận (0)