Vào tháng 11, lãnh đạo 10 nước ASEAN cùng các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc và Úc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Bali, Indonesia. Tại EAS lần này, theo báo Asahi Shimbun, vấn đề biển Đông sẽ được bàn kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều nước hơn, trong đó có Mỹ và Nhật. Đây là một phần trong chủ đề an ninh hàng hải mà các bên tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7 tại Bali quyết định đưa vào chương trình nghị sự của EAS. Ngay trước ARF, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc, các bên cũng thống nhất hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Ngoại trưởng Nhật lúc đó là Takeaki Matsumoto và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng đó là một bước tiến quan trọng để tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý hơn. Tuy nhiên, bước tiến này dường như vẫn chưa đủ.
|
Hành động của Trung Quốc
Chưa đầy hai tuần sau khi các hướng dẫn thực thi DOC được thống nhất, Nhân dân nhật báo đăng bài xã luận chỉ trích Philippines “vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Bài xã luận còn cảnh cáo: “Những ai có quyết định chiến lược sai lầm về vấn đề này (biển Đông) sẽ phải trả giá thích đáng”. Tờ Asahi Shimbun nhận định: “Rõ ràng Trung Quốc cố ý gửi thông điệp cảnh cáo đến tất cả các bên liên quan. Và thực tế, việc này đã tạo ra sự khuấy động trong khu vực”.
Mới đây, hôm 10.9, Tân Hoa xã đưa tin giới chức Trung Quốc vừa điều tàu cá đa năng Quỳnh Phú Hoa Ngư - 01 tới vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Giới chức Trung Quốc không nói rõ nhiệm vụ của tàu mà chỉ tuyên bố nó “sẽ hỗ trợ đưa nghề nuôi trồng ngư nghiệp nhiệt đới trong khu vực vào giai đoạn mới”. Rõ ràng động thái này đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam về Trường Sa. Trước đó, đại diện Hải quân Trung Quốc cùng Tập đoàn China Mobile lại ngang nhiên tổ chức lễ nghiệm thu công trình xây dựng trạm điện thoại di động tại những đảo do nước này chiếm giữ ở Trường Sa.
Quan ngại lan rộng
Hành động của Trung Quốc không chỉ gây quan ngại cho các nước có tranh chấp trực tiếp trên biển Đông mà còn cả các nước khác trong khu vực. Ngày 1.9, Chính phủ Ấn Độ ra thông cáo cho hay vào ngày 22.7, tàu INS Airavat vừa rời vùng biển Việt Nam sau chuyến thăm Nha Trang và tiến vào vùng biển quốc tế thì xuất hiện một tàu tự nhận là tàu chiến Trung Quốc cảnh báo tàu Ấn Độ đang xâm phạm vùng biển của nước này. “Ấn Độ ủng hộ quyền tự do đi lại đúng luật pháp trên vùng biển quốc tế”, AFP dẫn thông cáo cho hay. Tuy Bộ Ngoại giao Ấn Độ bác bỏ rằng đó là cuộc đụng độ nhưng giới quan sát bình luận chuyện này cho thấy Bắc Kinh muốn cảnh cáo New Delhi không can dự vào vấn đề biển Đông. Theo Asahi Shimbun, Ấn Độ đang theo dõi sát sao tình hình ở biển Đông vì lo ngại rằng nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu ở đây thì chuyện tượng tự cũng có thể xảy ra tại Ấn Độ Dương hay trong tranh chấp trên bộ giữa hai nước.
Nhật Bản cũng đang nhìn về biển Đông với con mắt hồi hộp vì cũng là nước đang có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Theo Asahi Shimbun, quan điểm hiện nay của Chính phủ Nhật là những gì đang diễn ra ở biển Hoa Đông liên quan mật thiết tới tranh chấp ở biển Đông. “Nhật Bản quan tâm các tranh chấp ở biển Đông vì chúng có ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và liên quan tới việc bảo đảm an ninh hàng hải”, tờ báo dẫn lời cựu Ngoại trưởng Nhật Takeaki Matsumoto nhấn mạnh. Trước những quan ngại trên, Nhật, Ấn Độ và Mỹ dự kiến tổ chức cuộc hội đàm cấp cao tay ba lần đầu tiên về an ninh hàng hải tại Tokyo vào đầu tháng 10.
Tàu cá Trung Quốc tràn ngập Trường Sa Khoảng 500 tàu cá Trung Quốc đang ngang nhiên hoạt động lâu dài ở khu vực Trường Sa của Việt Nam. Thông tin trên được Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông) Ngô Tráng tiết lộ trên Tân Hoa xã. Ông này nói rằng sở dĩ có nhiều tàu đến vậy bởi chính quyền Trung Quốc đã tổ chức cho ngư dân phát triển dự án nuôi cá lồng tại đầm nhiệt đới khu vực Mỹ Tế (tức Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa). Con tàu đa chức năng Quỳnh Phú Hoa Ngư - 01 vừa được tung đến Trường Sa từ ngày 10.9 từ cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam trực thuộc Công ty TNHH phát triển ngư nghiệp Quỳnh Phú Hoa Ngư. Công ty này mới thành lập vào tháng 3.2010. Với trọng tải 1.200 tấn, đây là con tàu lớn nhất trong số 500 tàu cá trên, có trang thiết bị hiện đại. Khi thông tin về tàu Quỳnh Phú Hoa Ngư-01 vừa được công bố, trên không ít các diễn đàn quân sự Trung Quốc như Wenhui.ch, T.qq.com, Xfjs.org, Picaes.com/topic... đã nảy sinh tranh luận sôi nổi. Nhiều ý kiến nghi ngờ con tàu này được trang bị vũ khí và có thể có cả tên lửa. Ngọc Bi |
Văn Khoa
Bình luận (0)