Thượng Hải hứng bão kép chỉ trong vòng 3 ngày

Khánh An
Khánh An
20/09/2024 11:54 GMT+7

Bão Pulasan đổ bộ vào Thượng Hải (Trung Quốc) vào tối 19.9, chỉ 3 ngày sau khi bão Bebinca quét qua thành phố.

Thượng Hải hứng bão kép chỉ trong vòng 3 ngày- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân chống ngập do bão Pulasan tại Thượng Hải

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SHANGHAI DAILY

Nhiều đường phố tại Thượng Hải bị ngập vào ngày 20.9 khi trung tâm tài chính của Trung Quốc hứng cơn bão thứ 2, ngay sau cơn bão mạnh nhất trong 75 năm.

Theo Tân Hoa xã, bão Pulasan đổ bộ vào tối 19.9 tại quận Phụng Hiền, với tốc độ gió lên đến 23 m/giây (83 km/giờ). Cơn bão suy yếu dần khi di chuyển vào đất liền, dù mưa lớn vẫn tiếp diễn vào sáng 20.9.

Các đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy người dân Thượng Hải lội qua vùng nước ngập ngang bắp chân ở một số khu phố, dù chưa có báo cáo về thiệt hại nghiêm trọng hoặc thương vong nào.

Một số khu vực của Thượng Hải đã nâng cấp mức cảnh báo vào ngày 19.9, khi cơn bão đến gần. Theo tờ Shanghai Daily, hơn 300 trường học ở Thượng Hải đã đóng cửa trong ngày 20.9, ảnh hưởng 280.000 học sinh.

Bão Pulasan đổ bộ sau khi bão Bebinca cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Thượng Hải này kể từ năm 1949.

Thượng Hải hứng bão kép chỉ trong vòng 3 ngày- Ảnh 2.

Cây đổ trên đường phố Thượng Hải sau bão Bebinca

ẢNH: AFP

Bão Bebinca giật đổ khoảng 1.800 cây và khiến 30.000 hộ dân bị mất điện. Chính quyền đã phải sơ tán hơn 400.000 người trước khi cơn bão đổ bộ hôm 16.9.

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Theo AFP, Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, mặc dù lượng khí thải bình quân đầu người của nước này không đáng kể so với Mỹ.

Trong vòng vài tuần, mưa lớn thất thường, bão lũ nghiêm trọng đã tàn phá nhiều khu vực trên thế giới. Theo tờ The Washington Post, giới nghiên cứu nhanh chóng xác định rằng sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu do con người gây ra khiến những trận mưa lớn trở nên dữ dội hơn.

Theo chuyên gia Kelly Mahoney tại Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), không khí ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến lượng mưa rơi nhiều hơn. Hiệu ứng này không đồng đều trên thế giới và có những trường hợp không thể phớt lờ, bà cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.