Đặc sản Huế sản xuất tại... TP.HCM
Rất nhiều sản phẩm được gắn mác “đặc sản Huế”, được bán ngay tại các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm lớn của Huế nhưng lại được sản xuất từ các địa phương khác.
Một người bạn ở TP.HCM khi đi du lịch ở Huế, muốn tìm mua mấy lọ tôm chua, mắm ruốc đặc sản về làm quà cho gia đình và bạn bè, nhưng đến khi mua về tặng thì mở ra, các sản phẩm đều ghi được sản xuất ngay tại TP. HCM. Ngạc nhiên trước điều này, chúng tôi đã tìm hiểu và nhận thấy, trong hầu hết các siêu thị lớn, nhỏ tại Huế, đúng là các đặc sản đa số không có xuất xứ tại Huế mà lại có nguồn gốc từ TP.HCM.
|
Tại siêu thị Big C Huế, các đặc sản của đất cố đô như mắm ruốc, tôm chua… đều mang nhãn mác Sông Hương - một nhãn hiệu mang đậm chất Huế. Thế nhưng, đọc kỹ xuất xứ thì thật bất ngờ vì các sản phẩm này đều được sản xuất tại TP.HCM. Khó khăn lắm mới tìm được một vài sản phẩm được sản xuất tại Huế như: Tấn Lộc, Tô Việt… Trong gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản của các siêu thị, hầu hết các đặc sản được sản xuất tại Huế đều bị áp đảo về số lượng bởi sản phẩm của công ty Sông Hương (TP.HCM). Tương tự, tại các siêu thị khác như Thuận Thành, Co.op Mark và cả các chợ lớn ở Huế như Đông Ba, An Cựu điều này cũng lặp lại, đặc biệt tại Co.op Mark, không thấy bóng dáng của sản phẩm tôm chua, mắm ruốc nào mang thương hiệu của Huế.
|
Thua ngay trên sân nhà
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các sản phẩm mang nhãn Sông Hương thuộc Công ty TNHH chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương, đóng tại Q.Tân Phú, TP.HCM. Trong một lần trao đổi với báo chí, một vị giám đốc Siêu thị Big C Huế cho biết, sở dĩ các sản phẩm của Huế không vào được hệ thống siêu thị là do nhiều cơ sở sản xuất tại Huế không có đủ các chứng chỉ, chứng nhận theo đúng quy định về an toàn thực phẩm, không ít trường hợp thiếu chứng nhận đăng ký thương hiệu, nhãn mác, logo hàng hóa của Cục Sở hữu trí tuệ.
Khi bản thân các cơ sở sản xuất không chú ý và thực hiện việc đăng ký thương hiệu, nhãn mác hàng hóa và các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm thì cơ sở khác đăng ký và chiếm lĩnh thị trường cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, các đặc sản nổi tiếng từ rất lâu đời tại Huế nay lại được phát triển ra hệ thống các siêu thị bởi một đơn vị tại TP.HCM trong khi các thương hiệu chính gốc Huế lại chỉ có mặt chủ yếu tại các điểm bán tư nhân, nhỏ lẻ quả là điều đáng suy nghĩ.
Chưa xét đến chất lượng thì các sản phẩm đặc sản trên đều thua kém về mẫu mã, bao bì và thiếu sự cạnh tranh về giá cả so với các sản phẩm nhập về từ nơi khác. Nếu như các sản phẩm được phân phối từ nơi khác được đóng trong các lọ thủy tinh kín, nhãn mác bắt mắt, rõ ràng, thì mặt hàng đặc sản có xuất xứ chính gốc Huế lại được đóng trong các hộp nhựa, nhãn mác in theo kiểu cũ. Thêm nữa, đó là sự phong phú hơn hẳn về chủng loại sản phẩm. Riêng đặc sản tôm chua Huế, các mặt hàng xuất tại nơi khác có hơn 5 loại khác nhau như tôm chua trộn bồn bồn, trộn đu đủ, trộn kiệu, trộn cà pháo, trộn củ sen…, trong khi các sản phẩm đặc sản chính gốc Huế chỉ có một loại duy nhất. Điều này cũng đã phần nào đánh mất điểm của các đặc sản Huế trong mắt người tiêu dùng và du khách ngay trên “sân nhà”.
Việc các cơ sở sản xuất không tận dụng được lợi thế về danh tiếng, kinh nghiệm cũng như các yếu tố về nhân công, nguồn nguyên liệu, chi phí vận chuyển… để phát triển và tăng sức cạnh tranh thương hiệu của mình không chỉ là điều đáng tiếc trong việc quảng bá thương hiệu đặc sản Huế mà còn là sự thiệt thòi cho du khách.
Tiếc cho giày Mừng Cửa Hữu! Đối với nhiều người dân xứ Huế, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên, không ai không biết đến thương hiệu giày Mừng Cửa Hữu. Những đôi giày Mừng Cửa Hữu xuất hiện cách đây gần 60 năm đã trở thành chuẩn mực của sự bền và đẹp thời bấy giờ. Đối với nhiều người, chỉ đến khi lấy vợ, lấy chồng người ta mới được sở hữu một đôi giày Mừng Cửa Hữu và họ còn có thể gắn bó với nó suốt cả cuộc đời. Bây giờ, nhiều người vẫn tâm sự rằng, ngày xưa mà được mang đôi giày Mừng Cửa Hữu là một “đẳng cấp” không gì bằng. Ngày nay, thương hiệu giày Mừng Cửa Hữu đã không còn nổi tiếng và phổ biến như xưa, nhưng cửa hiệu vẫn luôn giữ được một lượng khách hàng ổn định. Tuy nhiên, những đôi giày do tiệm Mừng Cửu Hữu sản xuất đã không còn được mang nhãn mác Giày Mừng nổi tiếng năm xưa. Khi tìm đến hiệu giày này, chúng tôi thật bất ngờ khi tất cả các đôi giày được bày bán trong tiệm đều được gắn mác nước ngoài. Đem thắc mắc này hỏi thì ông Nguyễn Đình Mừng - chủ tiệm giày cho biết, trong khoảng vài năm trở lại đây, xưởng giày của ông không gắn nhãn Giày Mừng. Lý do để không gắn nhãn lên giày thật mơ hồ, vì tránh “bị người ta đạp lên tên của mình”. Nhiều người muốn sở hữu cho được một đôi giày Mừng Cửa Hữu không hẳn chỉ vì chất lượng của nó, mà phần nào đó còn vì muốn tìm lại những kí ức một thời. Một thương hiệu lớn đã tồn tại lâu đời và có vị trí nhất định trong lòng người dân Huế, nay lại không tiếp tục phát triển tên tuổi của mình với chính thương hiệu ban đầu. Điều này thực sự đã làm giảm đi sức cạnh tranh và phổ biến của sản phẩm trên thị trường, cũng như tự làm phai nhòa thương hiệu của chính mình trong tâm trí của những người gắn bó với Huế. Lê Phước Tâm |
Đàn Tân Châu Tồn tại từ những năm 30 của thế kỷ 20 đến nay, Tân Châu vẫn là một thương hiệu đàn vững mạnh, đang tiếp tục được duy trì và phát triển tại Huế. Hiệu đàn được anh Trương Hữu Việt - con trai thứ hai của ông Tân Châu tiếp quản, với mong muốn sẽ đưa đàn ghita nói riêng và các nhạc cụ truyền thống nói chung của hiệu đàn trở thành một thương hiệu mạnh, có thể cạnh tranh với các thương hiệu trong và ngoài nước.
Ngoài việc xây dựng thương hiệu, anh Trương Hữu Việt cho biết còn mong muốn xây dựng một nhà máy sản xuất nhạc cụ cho Huế, từ đó hình thành một Trung tâm âm nhạc, tạo đà cho việc phát triển nghệ thuật tại mảnh đất giàu văn hóa này. Đây cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận của một thương hiệu lâu năm có uy tín tại Huế. Hoàng Trịnh Kim Ngân |
Nguyễn Vũ Hạnh Chi
Bình luận (0)