Thương lắm đôi chân học sinh vùng cao

18/01/2014 19:40 GMT+7

(TNO) Những đôi dép tổ ong chúng tôi gặp tại Trường tiểu học xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, Điện Biên) như một ám ảnh trong những ngày lạnh buốt của Tây Bắc cuối năm.

(TNO) Những đôi dép tổ ong chúng tôi gặp tại Trường tiểu học xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, Điện Biên) như một ám ảnh trong những ngày lạnh buốt của Tây Bắc cuối năm.

Thương lắm đôi chân học sinh vùng cao 1
Học sinh Trường tiểu học Chung Chải co ro trong giá lạnh với đôi chân dép tổ ong và manh áo mỏng

Mường Nhé hanh hao trong ánh nắng vàng nhạt, nhưng cái giá lạnh vẫn len lỏi vào ngôi trường nằm trong thung lũng. Trường tiểu học Chung Chải nhìn từ xa trông xinh xắn trong màu vàng rực của những đóa hoa dã quỳ, thế nhưng đến thật gần mới thấy xót xa.

Toàn bộ 20 lớp học của trường chỉ là những mái nhà làm bằng tre nứa, lợp mái tôn xiêu vẹo, những cánh cửa làm bằng gỗ đóng thô sơ. May mắn hơn, bảng viết và những bộ bàn ghế các em ngồi tử tế nhất khi mới được các đơn vị tới thăm trường, tặng thầy và trò.

“Khoảng tháng 3, tháng 4, có khi qua một đêm gió lớn, tất cả các lớp học đã bị gió cuốn bay đi mất, thầy và trò lại cặm cụi dựng lại”, thầy Trần Văn Thái (30 tuổi, quê ở n Thi, Hưng Yên), đến Chung Chải đã 6 năm, nói.

Thương lắm đôi chân học sinh vùng cao 2
Lớp học đơn sơ của thầy và trò trường Chung Chải

Thương lắm đôi chân học sinh vùng cao 3
Những nụ cười bừng sáng Tây Bắc của những học sinh vùng cao

Thương lắm đôi chân học sinh vùng cao 4
Những đôi chân ngày ngày vượt núi băng rừng đến với lớp học vùng cao

Thương lắm đôi chân học sinh vùng cao 5
Nhà bán trú cho em đã được khởi công xây dựng tại Chung Chải, đến tháng 3 năm nay ngôi nhà này sẽ trở thành nơi nghỉ ngơi an toàn cho các em học sinh

Lớp học giản đơn với những bức tranh ảnh được tự tay các cô cắt dán. Gió thổi hun hút, lùa qua những kẽ hở của vách ngăn tre nứa. Những đôi chân không giầy, không tất của học sinh tím tái vì lạnh.

Mỗi lớp học khoảng 20 học sinh thì có đến 19 em đi dép tổ ong đến lớp. Những đôi dép sứt sẹo, có cái gần rách tươm được vá víu bằng những sợi dây. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới gặp một vài cháu có mang một đôi tất.

Xíu Dần, học sinh lớp 1A2, co ro đứng ở một góc sân trường với chiếc áo vải mỏng tang, đôi chân không, lấm lem đất cát bẽn lẽn khi chúng tôi mang kẹo đến đưa vào tay cháu.

“Cháu không có dép. Có lạnh. Mẹ không có tiền”, Dần nói thẽ thọt từng tiếng. Bàn chân bé xíu, cọ cọ xuống mặt sân trường gồ ghề cát sỏi.

Học trò nghèo, thiếu thốn, cả trường tiểu học Chung Chải có đến 98% học sinh là dân tộc Mông, nhà trò nào cũng chon von trên núi cao, bố mẹ trồng ngô, khá hơn là có đàn gà, con lợn để nuôi. Khi có đoàn đến thăm, tặng khăn ấm, bánh kẹo, các cháu ngoan ngoãn đứng chờ đến lượt.

“Nếu trời quá lạnh các thầy cô sẽ cho các trò nghỉ ở nhà. Nhưng nhìn chung các cháu ham học và học rất ngoan. Bố mẹ cố cho các cháu đôi dép tổ ong để đi học là quý lắm rồi. Trèo đèo, lội suối cũng chỉ có đôi dép tổ ong thôi, đi gần hỏng thì phải lấy nhựa hàn lại để đi tiếp. Có học sinh phải đi bộ 4 km đường rừng để đến trường, có cháu được cha mẹ dựng cho một cái lán giữa rừng, đi học về lán nấu cơm ăn rồi mới về nhà hoặc nghỉ lại luôn”, thầy giáo Thái nói thêm với chúng tôi.

Những ngày cuối năm trời Tây Bắc càng lạnh cóng. Ánh nắng vàng hanh hao không làm bớt giá lạnh ở vùng cao. Giữa sân trường Chung Chải, gần 300 học sinh lặng yên nhìn các chú, các cô từ Hà Nội về tặng khăn ấm, bánh kẹo. 

Các em mong một đôi chân ấm, một cái bụng no để đến trường, vì ở đây các em được giảng, có con chữ, đời em sẽ khác... 

Nhà bán trú cho em của Báo Thanh Niên đến với học trò Chung Chải

Trưa hôm qua, 17.1, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Báo Thanh Niên tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà bán trú cho em tại Trường tiểu học xã Chung Chải, H.Mường Nhé. Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng tới dự.

Công trình có tổng vốn đầu tư 250 triệu đồng do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup tài trợ, được xây dựng bằng vật liệu tiền chế. Theo kế hoạch, tháng 3 tới đây, công trình sẽ được đưa vào sử dụng, đảm bảo chỗ ở an toàn cho hơn 300 học sinh của trường.

Thầy Phạm Văn Khiêm, hiệu trưởng Trường tiểu học Chung Chải, xúc động nói: Nhà bán trú cho em phần nào chia sẻ những vất vả với các học trò. Đôi chân trần của các em bớt đi phần nào giá lạnh trong những ngày đông giá khi phải băng rừng vượt suối đến với cái chữ giữa vùng cao Mường Nhé.

Bài, ảnh: Thúy Hằng

>> Khởi công Nhà bán trú cho em tại Điện Biên
>> Sôi động đêm nhạc 'Bốn mùa ấm áp' mừng nhà bán trú cho em
>> Khánh thành Nhà bán trú cho em đầu tiên tại Hà Giang
>> Ủng hộ 200 triệu đồng cho Chương trình Nhà bán trú cho em
>> Video: Góp tiền 'mừng đám cưới' xây nhà bán trú
>> Lấy tiền mừng “đám cưới” xây nhà bán trú, ủng hộ Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.