Theo GizChina, ZTE gần đây tham gia hội nghị 6G lần 2 để thảo luận về ý tưởng thiết kế nghiên cứu sáng tạo 6G và các tiến độ công việc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hội nghị này không tổ chức thông thường mà chuyển sang trực tuyến. Những chuyên gia từ các cơ quan chính phủ, nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức công nghiệp đã tham gia hội nghị thượng đỉnh thông qua video trực tuyến.
Tiến sĩ Fang Min, chuyên gia công nghệ truyền thông không dây thế hệ tiếp theo của ZTE đã có bài phát biểu với tựa đề “Những thách thức và đổi mới cho dịch vụ 6G”. Tiến sĩ Min cho rằng việc thương mại hóa mạng 6G sẽ bắt đầu vào năm 2030.
Cũng theo tiến sĩ Min, 6G sẽ tích hợp thế giới vật lý với kỹ thuật số. Các dịch vụ mới trong thời đại sẽ đưa các chỉ số hiệu suất mạng (KPI) mới đòi hỏi khắt khe hơn với mạng 6G. Các KPI như tốc độ dữ liệu tối đa 1 Tbps, tốc độ dữ liệu người dùng 20 Gbps và dung lượng dịch vụ 100 Gbps/m3 không chỉ là các chỉ số hiệu suất được yêu cầu bởi mạng 5G mà còn là yêu cầu mục tiêu cho sự phát triển dài hạn trong việc nâng tầm mạng từ 5G đến 6G.
ZTE cho rằng nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu 6G tại công ty là thiết kế cấu trúc mạng 6G và cho phép công nghệ đáp ứng các yêu cầu của chỉ số hiệu suất 6G, từ đó xác minh tính khả thi kỹ thuật của nó thông qua các thử nghiệm.
Nhóm nghiên cứu 6G của ZTE tin rằng radio thông minh, vùng phủ sóng thông minh và tiến hóa thông minh sẽ là các đặc tính kỹ thuật cơ bản của cấu trúc mạng 6G. Kết nối ba chiều, MIMO thông minh, cấu trúc liên kết theo yêu cầu, AI theo yêu cầu và giao tiếp trực quan mới là những yếu tố cơ bản của mạng 6G.
Cuối cùng, ZTE đã chia sẻ 5 ví dụ điển hình về công nghệ tiên tiến và các kịch bản ứng dụng 6G của họ tại Hội nghị 6G, bao gồm truy cập chia sẻ nhiều người dùng (eMUSA), mảng ăng-ten phản xạ bề mặt thông minh (IRS-MIMO) và kiến trúc không dây dựa trên cấu trúc dịch vụ.
Theo ZTE, 2020 - 2023 sẽ là khoảng thời gian bắt đầu cho nghiên cứu cho mạng 6G. Ngoài nguồn lực sẵn có, công ty sẽ hợp tác với các nguồn lực nghiên cứu từ các trường đại học công nghiệp công nghệ trên toàn cầu, từ đó giúp thúc đẩy sự phát triển lâu dài của mạng 6G.
Bình luận (0)